Trăn trở với sự phát triển của Đông y Việt Nam

Trăn trở với sự phát triển của Đông y Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
(Nguoiduatin.n) "Không có phòng khám Đông y Trung Quốc mà chỉ có phòng khám của người Việt Nam thuê người lao động tự do Trung Quốc làm việc" Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch hội Đông y Việt Nam về cái gọi là "các phòng khám Đông y Trung Quốc" hiện nay.

Chia sẻ với PV Người đưa tin về những câu chuyện ấn tượng khi hành nghề, ông Hướng không giấu nổi sự bức xúc khi tận mắt chứng kiến những ngang trái trong ngành. Trong những chuyến công tác miền núi, ông thấy không ít các các ông lang, bà mế bày bán công khai những cây lá mà họ cho là cây thuốc, cây dược liệu quý trong vùng. Họ còn quảng cáo đó là thuốc chữa bách bệnh. Ông Hướng bảo với mỗi loại thuốc, một cây dược liệu chỉ có công dụng nhất định và không thể có một loại thuốc nào có thể chữa được tất cả các bệnh.

Xã hội - Trăn trở với sự phát triển của Đông y Việt Nam

Phòng khám Maria đang bị cơ quan chức năng điều tra

Nhận xét về việc các phòng khám Đông y Trung Quốc quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam trong thời gian qua, ông Hướng khẳng định: "Sự việc trên tương đồng với việc không có thầy thuốc chữa được bách bệnh như những phòng khám có người Trung Quốc chữa bệnh".

Ông phân tích: Trong Đông y cũng có đầy đủ các chuyên khoa, không thể có một thầy thuốc có trình độ trong tất cả các khoa để chữa bách bệnh. Do vậy nói các phòng khám có thuê người Trung Quốc đến làm việc và quảng cáo chữa được nhiều bệnh là không có cơ sở. Trong việc này, các cơ quan quản lý đã buông lỏng quản lý, để cho các phòng khám tự do quảng cáo một cách vô tội vạ.

Theo ông Hướng, muốn được gọi là phòng khám Đông y Trung Quốc, phải thông qua Hiệp định ký kết giữa hai nước. Khi đó, bộ Y tế Việt Nam với bộ Vệ sinh Trung Quốc phải có một Hiệp định xây dựng phòng khám. Nhưng trên thực tế hiện nay, tại các phòng khám đa khoa Trung Quốc hầu hết chỉ là thuê những người Trung Quốc đến làm việc cho người Việt Nam. Điển hình như phòng khám Maria là cổ phần của người Việt Nam thuê người Trung Quốc đến làm việc.

"Người nước ngoài sang Việt Nam làm việc thực chất cũng như người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và không có người nào giỏi cả", ông Hướng cho biết.

Theo ông Hướng, là người đi lao động thì mục đích kiếm tiền là trên hết. Và không có một nguyên nhân hợp lí nào giải thích cho việc họ sang Việt Nam cứu người trong khi bệnh nhân bên nước họ cũng đang cần sự cứu giúp…

Đứng trước sự "loạn" quảng cáo phòng khám Đông y, ông Hướng trăn trở, nền Đông y nước ta đã có 1.000 năm lịch sử. Khi thực dân Pháp đưa Tây y vào Việt Nam (năm 1920 của thế kỷ 20), thì tổ tiên ta vẫn giữ được những bài thuốc Đông y gia truyền. Tuy nhiên khi hòa bình lập lại, tuy đã được khôi phục lại nhưng ngành Đông y của nước ta lại không phát triển được. Sau đó xảy ra hàng loạt các vụ chết nguời do thầy thuốc Đông y gây ra khiến uy tín của ngành bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc phát hiện các cây thuốc chữa bệnh, cây dược liệu quý cũng bị đình trệ. Việc này kéo theo sự trì trệ của cả ngành Đông y, song hơn bao giờ hết bản thân những người phải có trách nhiệm khôi phục lại uy tín ngành Đông y. Để làm được điều này, bản thân mỗi người thầy thuốc cũng phải tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng hơn ai hết, người dân khi đi chữa bệnh bằng Đông y cũng phải "biết thầy, biết thuốc", tránh tin một cách mù quáng để "tiền mất tật mang".

Minh Lương