Tranh cãi

Tranh cãi "nảy lửa" về việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Dư luận đang bị cuốn bởi nhiều nghệ sĩ tranh luận về việc nên hay không nên cấp lại thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Thậm chí, có người cho rằng, việc đề xuất này chỉ làm rối thêm chứ không gỡ được những thế bí, sự tồn tại nhiều sai phạm trong biểu diễn nghệ thuật thời gian gần đây.

Việc siết lại kỷ cương biểu diễn nghệ thuật cần giải pháp tổng thể chứ không phải việc cấp cho nghệ sĩ thẻ hành nghề mà yêu cầu họ nghiêm túc, hay thu thẻ của họ khi sai phạm. Biện pháp cơ học không thể quản lý được vấn đề nhạy cảm...

Xã hội - Tranh cãi 'nảy lửa' về việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ

Nhạc sĩ Phú Quang (phải) và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một chương trình biểu diễn. (Ảnh minh họa)

Ủng hộ và nghi ngờ tính hiệu quả của cấp thẻ

Cách đây hơn chục năm, với đề xuất của Cục Nghệ thuật biểu diễn, hàng nghìn thẻ hành nghề đã được cấp cho các nghệ sĩ biểu diễn. Sau thời gian "chạy" thử nghiệm, "tấm bùa hộ mệnh" này đã bị dư luận và giới nghệ sĩ phản ứng kịch liệt. Nhiều người thắc mắc, một học sinh trường nghệ thuật mới ra trường, không diễn show nào cũng đã có thẻ, trong khi một nghệ sĩ gạo cội, cả nước biết tên phải đi tập huấn và biểu diễn cho hội đồng thẩm định để được cấp thẻ. Sau ba năm thực hiện, Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ với lý do: Thẻ hành nghề giống như "giấy phép con".

Được biết, suốt một thời gian dài sau đó, cơ quan chức năng có trách nhiệm về vấn đề này đã nhiều lần đề xuất việc cấp lại thẻ hành nghề nhưng chẳng đi đến đâu. Việc thẻ hành nghề được đưa ra như một giải pháp chấn chỉnh hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang hiện nay, nhưng nhiều người đặt câu hỏi, liệu nó có thực sự cần thiết?. Việc cấp thẻ có giải quyết được những tồn tại như hở hang, sốc, sex, phản cảm của nghệ sĩ hay không? Số phận của thẻ hành nghề liệu có tiếp tục "yểu mệnh" như số phận của chính nó cách đây 10 năm?.

Đánh giá cao "phát kiến" cấp giấy phép hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn, trao đổi với PV báo Người đưa tin, nhạc sĩ An Thuyên cho rằng, chuyện cấp thẻ là chuyện bình thường trong quản lý. Bây giờ cần phải hợp tác với cơ quan quản lý, ai cũng kêu là không quản lý văn hóa được nhưng khi họ đưa ra các biện pháp thì lại phản đối?

Ca sĩ Tấn Minh cũng cho rằng, cấp thẻ hành nghề là tốt, nhưng phải làm chuẩn, làm tới nơi và nghiêm túc. Nếu làm không tới, nó sẽ giống con dao hai lưỡi, nảy sinh tiêu cực và không thể làm sạch được nền âm nhạc Việt Nam. "Tôi cho rằng, thực trạng sẽ có những người không đủ tiêu chuẩn làm ca sĩ mà vẫn được cấp phép. Bộ VH-TT-DL phải đưa ra được những chuẩn mực và tiêu chí chung. Tôi cũng băn khoăn, tiêu chí này sẽ áp ra sao đối với các em không học bài bản ở các trường nghệ thuật", ca sĩ của "Bức thư tình đầu tiên" nói.

Đem thông tin về việc nghệ sĩ muốn biểu diễn trên sân khấu phải được cấp phép thẻ hành nghề liên lạc với NSND Trần Hiếu, ông tỏ ra khá bất ngờ. Người nghệ sĩ cây đa cây đề này đặt câu hỏi: "Vậy những nghệ sĩ lâu năm như chúng tôi cũng phải cấp thẻ à? Không có thẻ chúng tôi không được phép biểu diễn sao?".

Nghệ sĩ gạo cội lại đi học... vỡ lòng

NSND Trần Hiếu thừa nhận: "Hiện tại cũng có một lớp nghệ sĩ "nháo nhào", không thuộc một đoàn thể nào, với đối tượng này thì rất cần giấy phép. Còn những người như chúng tôi thì không cần. Những người như chúng tôi đôi khi không cần cả chứng minh thư. Đi đâu người ta cũng biết nên chẳng có ai hỏi chứng minh thư bao giờ. Giấy tờ đó còn "lớn hơn" cái thẻ hành nghề nhiều.

Vì thế, làm giấy phép cũng cần phải phân biệt đối tượng chứ không nên đánh đồng tất cả. Tôi đồng tình với việc làm giấy phép cho nghệ sĩ, đặc biệt là với những nghệ sĩ trẻ và những nghệ sĩ tự do. Còn những văn nghệ sĩ đã được Nhà nước và người dân công nhận rồi mà đi đâu cũng phải giơ thẻ ra thì có vẻ hơi ngớ ngẩn. Tôi tin chắc là những người cùng thời với tôi, chẳng mấy ai "hứng thú" với việc đi nộp hồ sơ để xin cấp thẻ".

NSND Trần Hiếu cũng cho biết: "Những "sô" diễn chúng tôi có đều do người ta mời chứ không phải chúng tôi đi "kiếm ăn", chúng tôi bây giờ "kiếm ăn" bằng nghề dạy chứ không phải nghiệp diễn nữa nên chúng tôi cũng không cần. Hầu hết là các chương trình do Nhà nước mời nên Nhà nước lo chứ chúng tôi không "chạy lông nhông" như những nghệ sĩ trẻ bây giờ. Nếu cứ "bắt" chúng tôi làm thì chúng tôi sẽ phản đối, chúng tôi cũng không cần diễn nữa".

Tuy nhiên, NSND Trần Hiếu cũng đánh giá cao ý tưởng này. "Đây cũng là một cách thức để nghệ sĩ có trách nhiệm với nghề. Vì nhiều nghệ sĩ hiện nay không có thái độ nghiêm túc và không có trách nhiệm, chỉ cần được trả tiền là đồng ý. Cần thẻ cho những nghệ sĩ này để khi nào họ "làm bậy" thì rút thẻ đi, không cho diễn nữa. Nhưng tôi nghĩ nó cũng chỉ mang tính tượng trưng vì họ không có cơ quan nào quản lý trực tiếp. Vấn đề này cũng giống như câu chuyện trả tiền tác quyền, có người làm, có người không, chẳng làm gì được. Tôi nghĩ, lập luật ra thì phải có người kiểm tra và có một cơ cấu kiểm soát chặt chẽ chứ cứ lập ra rồi để đấy thì không nên làm. Ví dụ luật Giao thông thì có cảnh sát giao thông, đó là cơ cấu, có một lực lượng như thế trong vòng mấy năm thì may ra mới đi vào "nề nếp", nghệ sĩ Trần Hiếu nói thêm.

Không chỉ riêng giới nghệ sĩ, bản thân những ông bầu, người cầm cân nảy mực, đứng sau chương trình cũng tỏ ra bất ngờ với "phát kiến" này. Một bầu show có tiếng tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho rằng: "Việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ là việc làm thừa giấy vẽ voi. Tôi cho rằng, để quản lý tốt lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, cơ quan quản lý cấp phép cần kiên quyết loại bỏ những đơn vị có sai phạm nhiều lần. Hơn nữa, mỗi lần tổ chức biểu diễn, khi xin phép các đơn vị tổ chức lại phải phô tô hàng trăm thẻ hành nghề của ca sĩ, nhạc công".

Ông bầu này dẫn chứng trường hợp với những người thành công như Hồng Nhung, chẳng học qua trường lớp nào thì lấy căn cứ gì để cấp thẻ hành nghề. Thêm vào đó, những năm gần đây hàng loạt ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, vậy có cấp thẻ cho họ không, hay "đóng lại" đường về của những ca sĩ này. Nếu phải cần có giấy phép để được "làm nghệ sĩ" thì trên đời này không có những tên tuổi như Phùng Há, Út Bạch Lan, Út Trà ôn, Trịnh Công Sơn và chắc chắn Văn Mai Hương được cấp giấy phép còn Uyên Linh thì không. Nghệ thuật là để phục vụ con người, xin để con người định đoạt nghệ sĩ của họ.

Ông Võ Trọng Nam, PGĐ Sở VHTT&DL TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ hay không. Vấn đề nằm ở chỗ cơ quan quản lý xử phạt những sai phạm của nghệ sĩ khi xảy ra ra sao? Có chiếc thẻ hành nghề, thủ tục hành chính sẽ phát sinh nặng nề hơn rất nhiều cho cả cơ quan quản lý lẫn đơn vị tổ chức biểu diễn. Một chương trình biểu diễn có 100 nghệ sĩ thì nhà tổ chức phải trình ra 100 bản sao thẻ hành nghề, còn cơ quan cấp phép phải kiểm tra, xác minh cả trăm chiếc thẻ ấy...

"Tôi cũng e rằng sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như chạy chọt, hối lộ"

Xã hội - Tranh cãi 'nảy lửa' về việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ (Hình 2).
Ca sĩ Ánh Tuyết

Trao đổi với PV, ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, hiện nay Bộ VHTT&DL đang lúng túng, muốn siết chặt quản lý mà chưa biết siết bằng cách nào. "Nếu cấp thẻ hành nghề, thì ai sẽ là người đi thi và ai sẽ chấm thi đây? Tôi nhớ có một cuộc chấm thi mà nhạc sĩ Nguyễn Quang ngồi ghế hội đồng để duyệt tác phẩm bố mình là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9", ca sĩ của dòng nhạc tiền chiến đặt câu hỏi. Từng nhiều năm gắn bó với nghiệp cầm ca, ca sĩ Ánh Tuyết lo ngại, việc cấp giấy phép hành nghề biểu diễn sẽ phát sinh tiêu cực. Thực tế sẽ có nhiều nghịch lý, nếu người cầm cân nảy mực không đủ tài năng. Chưa kể tới chi phí đi lại, tập huấn, lệ phí, bồi dưỡng, chi phí in thẻ... và biết bao quy trình, thủ tục hành chính mới cho ra được một cái thẻ. "Nếu có làm, theo tôi, cần phân chia ra theo khu vực và theo đối tượng. Không thể có chuyện những người đã mất bao năm tạo dựng tên tuổi trong lòng công chúng rồi, giờ lại phải khăn gói đi thi, vô lý quá. Tôi cũng e rằng sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như chạy chọt, hối lộ... trong quá trình tập huấn, thi thố và cấp thẻ", ca sĩ này kiến nghị.

Vương Hà - Anh Đức