Tranh cãi xung quanh thời gian “nhốt” học sinh

Tranh cãi xung quanh thời gian “nhốt” học sinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Chương trình học thì không thay đổi, nhưng việc kết thúc giờ học buổi chiều lại kéo dài thêm gần 2h đồng hồ so với trước đây đã khiến nhiều trường THPT loay hoay không biết phải làm gì với khoảng thời gian trống đó, trong khi Sở GD&ĐT lại chưa có một hướng dẫn cụ thể nào liên quan đến vấn đề này.

Những ngày đầu thực hiện quy định về đổi giờ làm, giờ học, hầu như các trường đều không có cách nào khác nào việc "nhốt" các em đợi đến giờ tan trường...

Xã hội - Tranh cãi xung quanh thời gian “nhốt” học sinh

Hiệu quả của việc thay đổi giờ học để tránh ùn tắc giao thông đang dần có tín hiệu tích cực? (Ảnh chụp ngày 1/2/2012)

Tự học hay chơi thể thao: Đều khó

Theo quy định của UBND TP. Hà Nội, THPT nằm chung trong nhóm điều chỉnh giờ học cùng với các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giờ học bắt đầu từ 7h và kết thúc chiều sau 19h. Nhưng so với các đối tượng còn lại, thì những ngày đầu thực hiện quy định này, khối PTTH gặp phải sự xáo trộn rất lớn. Trước đó, sở GD&ĐT Hà Nội có chỉ đạo chung, trong đó có việc yêu cầu các trường phải có biện pháp quản lý học sinh, thực hiện nghiêm "lệnh" của TP. mà không có hướng dẫn cụ thể nào về việc sẽ quản lý bằng cách nào trong khoảng thời gian bị dôi ra đó.

Một số trường vẫn giữ nguyên giờ học buổi chiều từ khoảng 13h đến 17h30' chiều nhưng lại phải đợi gần 2h mới hết giờ tan trường. Một số trường khác lại chọn giải pháp đẩy lùi giờ học từ 14h30' đến 19h nhưng khoảng thời gian nghỉ trưa lại quá dài cũng gây khó khăn trong việc quản lý học sinh bán trú. Mặt khác, theo một số thầy cô thì đến khoảng 18h thì các em cũng quá đói nên chẳng có tâm lý nào mà tập trung học bài. Theo ghi nhận của phóng viên, do lúng túng trong việc chuẩn bị nên trong những ngày đầu thực hiện quy định đổi giờ học, giờ làm, một số trường cũng không biết làm gì khác ngoài việc "nhốt" các em để đợi đến giờ tan học.

Theo GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường Dân lập Lương Thế Vinh: "Chương trình học thì không thể thay đổi nhưng giờ học lại thay đổi rất nhiều đến việc học đặc biệt là khối PTTH. Sau mấy ngày thực hiện, việc 19h học sinh và thầy cô mới được về đang gây nhiều bức xúc. Về nhà đã muộn, lại còn phải tắm rửa, ăn cơm thì lấy đâu ra thời gian để các em chuẩn bị bài cho ngày hôm sau? Xưa nay, trường Lê Thế Vinh bắt đầu học từ 13h đến khoảng 17h15' nhưng nay do thay đổi giờ, chúng tôi lại phải "nhốt" các em ở trường đến tận 19h mới được ra về. Thử hỏi trong thời gian gần 2 tiếng đồng hồ đó thì các em làm gì? Hiện trường cũng chưa tìm ra được cách nào phù hợp hơn. Chúng tôi cũng đã tính đến việc có thể cho các em tự học, hoặc tập thể dục, thể thao, học khiêu vũ nhưng tính đi tính lại đều không ổn. Đã đói thì làm sao có thể tập thể dục, làm sao có thể ngồi tự học được chứ? Học nhảy, học múa học hát thì lại phải thuê giáo viên, rồi điện nước, phòng học. Với số lượng học sinh nhiều cùng ở lại trường thì việc giám sát, quản lý là cả một vấn đề...".

Cũng theo GS Cương thì mấy ngày nay, tầm khoảng 18h là căng tin của trường Lương Thế Vinh đều chật cứng vì các em đói quá nên phải xuống mua bim bim, sữa chua, mỳ tôm, bánh mỳ để ăn. Nếu vậy, ngoài tiền ăn sáng chắc các bậc phụ huynh sẽ phải chi thêm tiền để ăn chiều. Đó là chưa kể đèn điện phải bật sáng trưng đến 19h, tăng thêm rất nhiều chi phí.

"Tôi cũng biết một số trường bạn chọn phương án, đẩy lùi giờ học cho khớp với giờ tan trường lúc 19h nhưng theo tôi cách đó cũng không ổn vì sẽ chẳng có em học sinh nào có thể tập trung học tốt vào lúc 18h trong khi bụng đang đói cồn cào. Vì vậy, nhìn một cách toàn diện cả hai phương án đó đều dở. Tại sao trước đó, các nhà chuyên môn không nghiên cứu khảo sát, cho các trường PTTH được học từ 12h để đến khoảng 16h15' chiều kết thúc. Các em ra về thời điểm này vừa không ảnh hưởng gì đến việc ùn tắc giao thông, lại vừa có thể đặt nồi cơm, giúp đỡ bố mẹ có thời gian đón em. Các thầy cô cũng có con nhỏ, cũng phải về đón con, lo cơm nước cho gia đình", GS Văn Như Cương kiến nghị.

Cũng theo GS Cương thì trước đó, sở GD&ĐT Hà Nội có chỉ đạo cho các trường thực hiện lệnh của thành phố là cho học sinh tan trường sau 19h, còn giờ học thế nào tự các trường sắp xếp. Ngoài ra, sở cũng lưu ý thêm, nếu các trường học từ 7h thì cho xe đón học sinh từ 6h30', đồng thời châm chước cho các em đến muộn trong những ngày đầu thực hiện mà chưa có hướng dẫn cụ thể phải quản lý các em như thế nào trong khoảng thời gian trống.

Ngành giáo dục thiếu sự chuẩn bị?

Theo Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm, việc điều chỉnh giờ học đối với học sinh phổ thông cùng với nhóm Đại học, Cao đẳng có vẻ chưa hợp lý vì lứa tuổi này chưa có khả năng tự chủ như các anh chị sinh viên hoặc những người đã đi làm. Với các sinh viên đại học, việc thay đổi giờ học không phải là vấn đề quá lớn nhưng với học sinh cấp 3, việc tan học quá muộn lại là cả một vấn đề.

Xã hội - Tranh cãi xung quanh thời gian “nhốt” học sinh (Hình 2).

Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn,phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, hiện có khoảng 900 trường với trên nửa triệu học sinh (trong số trên 2.500 trường và gần 1,5 triệu học sinh thành phố) nằm trong diện bị điều chỉnh giờ. Trong đó có hơn 90.000 học sinh THPT và 35.000 em trong số này (gần 40%) học ca chiều.

Qua một số ngày thực hiện quy định mới về điều chỉnh giờ học, nhiều trường đã chủ động kiến nghị lên sở GD&ĐT Hà Nội, đưa các chương trình học ngoại khóa chèn vào khoảng thời gian chờ đợi để tránh lãng phí. Nhưng xung quanh những đề xuất không phải không có những lo ngại về những khó khăn sẽ vấp phải khi thực hiện. Ngoài khó khăn về quản lý học sinh trong khoảng thời gian trống, các trường còn phàn nàn về nhiều bất cập mới phát sinh như: Sắp xếp xe buýt đón học sinh (ở một số trường), chi phí tăng lên do phải sử dụng nhiều đèn điện, tâm lý dạy và học, thời gian 19h mới kết thúc là quá muộn...

Một số ý kiến cho rằng phía Sở GD&ĐT Hà Nội đã không họp bàn, đưa ra hướng dẫn cụ thể để các trường liên tục rơi vào thế bị động khi thực hiện, nhưng theo ông Thống, việc này không thể "trách" Sở. Vấn đề đổi giờ học đã được nhắc đến từ 3 năm trước đây và hàng tháng trước khi thực hiện sở cũng đã họp bàn nhiều lần. Một số khó khăn đã được lường trước nhưng việc xô lệch ít hay nhiều, mặt được, mặt hại đến đâu đúng là phải khi "vào cuộc" mới thấy được hết. Rất khó có thể hướng dẫn đến từng trường nhưng trên tinh thần khảo sát, tổng hợp từ thực tế, trong thời gian từ một đến hai tuần tới, Sở sẽ đưa một hướng dẫn chung.

Về cơ bản, các tiết học, chương trình học sẽ không thay đổi, không bớt xén. Sở sẽ chỉ xem xét các vấn đề "ngoài rìa" như bổ sung các chương trình ngoại khóa hay không và bổ sung như thế nào để tránh lãng phí thời gian và quản lý tốt được các em trong khi ở trường.

Liên quan đến việc nhiều ý kiến cho rằng, việc kết thúc giờ học sau 19h là quá muộn, ông Thống cho biết: Sắp tới Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có kiến nghị về mốc thời gian này nhưng ở mức độ như thế nào thì đang được xem xét, cân nhắc.

Minh Lý