Trầu bà Điểm sắp đi vào... thời xa vắng

Trầu bà Điểm sắp đi vào... thời xa vắng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
(Nguoiduati.vn) Trầu Bà Điểm xưa được xe ngựa khuya sớm chở đi khắp Sài Gòn, rồi phân phối xuống cả sáu tỉnh Nam Bộ.

18 thôn vườn trầu (tên chữ Hán Thập bát phù lưu viên) thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh. 18 thôn này bắt đầu hình thành từ thế kỷ 17 là nơi hoang sơ, rậm rạp, địa thế hiểm hóc, nơi cư ngụ của những người dân giỏi võ nghệ, khẳng khái, sống thương yêu gắn bó với nhau.

Xã hội - Trầu bà Điểm sắp đi vào... thời xa vắng

Vườn trầu hiếm hoi còn lại của gia đình cô Lê Thúy Nga, ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm.

Để rồi từ đó, với lợi thế đất đai màu mỡ, 18 thôn sớm trở thành vùng đất trồng trầu tốt bậc nhất, quy tụ một vùng cư dân trù phú xung quanh. Ông Mai Công Tài 64 tuổi, một lão thành ở ấp Hậu Lân, cho biết: “Bà Điểm ngày xưa bạt ngàn trầu cau. Ngay khi nơi đây còn là rừng hoang, có thú dữ chạy khắp nơi đã có vườn trầu. Không nhà nào không có 2, 3 thiên trầu (2.000-3.000 gốc trầu), nhà trồng nhiều có đến cả muôn (10.000 gốc). Trầu trông nhiều nên nhà ngói vách ván cứ thế lọt thỏm giữa những thiên trầu xanh ngắt. Trầu Bà Điểm xưa được xe ngựa khuya sớm chở đi khắp Sài Gòn, rồi phân phối xuống cả sáu tỉnh Nam Bộ. Trầu cau đã giúp cho Bà Điểm trở thành vùng nông thôn trù phú hơn nơi khác.

Trầu và người ở Thập bát phù lưu viên từ lâu đã gắn với nhau trong nhiều giai thoại, những câu chuyện lịch sử thú vị. Mọi người còn kể cho nhau rằng, ngày ấy lá trầu xum xuê bít bùng làm chỗ bí mật nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng. Hễ có động là các chiến sỹ tản ra vườn trầu um tùm, leo lên gióng trầu khiến cho kẻ thù chẳng thể tìm được. Thế nên những năm kháng chiến chống Pháp, giai đoạn 1936 - 1939, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... được người dân nơi đây nuôi giấu, che chở. Tháng 11-1939, Hội nghị Trung ương Đảng lần VI cũng diễn ra tại đây. Người ta còn truyền nhau rằng, xưa trầu tốt đến nỗi, thanh niên trốn quân Ngụy bắt đi lính bằng cách lót ván giăng mùng trên giàn trầu mà ngủ. Còn con gái Bà Điểm ngày xưa mười tám, đôi mươi đã biết thoăn thoắt đi hái trầu trên những gióng trầu cao 2-3 mét, giỏ treo móc sắt, hông treo đèn bão giữa khuya để kịp phiên chợ sớm.

Tuy nhiên, thời “vàng son” đó của trầu chỉ còn trong ký ức. Từ khoảng năm 1990 trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, trồng trầu chăm sóc vất vat, vốn đầu tư nặng, giá cả bấp bênh nên nghề trồng trầu không còn là lựa chọn ưu tiên của người dân. Những vườn trầu bạt ngàn xanh ngày xưa nhường chỗ cho những con lộ mới mở nắng chang chang, nhà cửa san sát. Dắt người phương xa đến thăm vườn trầu, anh Phan Hồng Ngọc, cán bộ Văn hóa thông tin xã phải đỏ con mắt tìm những nhà còn trồng trầu để giới thiệu “đặc sản” một thời của vùng.

Cùng với tốc độ phát triển của thành phố, màu xanh vườn trầu cứ thế bị “mòn” dần. Năm 2000, 18 thôn vườn trầu còn 1000/6000 hộ trồng trầu, năm 2001 còn 500 hộ, năm 2012 chỉ còn hơn 30 hộ. Nhà trồng nhiều nhất chỉ khoản 300-400 gốc trầu.

Nhìn ký ức vườn trầu hơn ba trăm năm sắp đi vào quá khứ, ông Huỳnh Văn Tài (72 tuổi) ngâm nga: “Trước có câu “Anh về bán ruộng cây da/ Bán cặp trâu già mới cưới đặng em”. Giờ thay vì trồng nọc trầu, người ta trồng trụ xi măng phân lô bán đất, bán vài lô là dư sức cưới vợ rồi. Cũng chính vì thế mà người dân nơi đây không còn “mặn nồng” với gốc trầu nữa”. Giọng ông chùng xuống: “Nhiều người cũng muốn giữ truyền thống nhưng không được. Thực tế, hàng năm, vẫn có vài chục đoàn du khách là học sinh, sinh viên, viên chức tới tham quan các địa chỉ đỏ ở 18 thôn vườn trầu. Thành phố và huyện Hóc Môn cũng có dự tính quy hoạch lại khu du lịch vườn trầu nhưng không ăn thua.

Hiện ở khu di tích Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng), các vườn trầu đang được khôi phục. Ngân sách huyện đã hỗ trợ trồng xong 1200 gốc trầu để tái hiện hình ảnh 18 thôn vườn trầu năm xưa, nhưng cũng chỉ là mang tính tượng trưng.

Thắng Trần