Trẻ có thể bị tâm thần nếu bị

Trẻ có thể bị tâm thần nếu bị "nhốt" quá nhiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Trong lần tiếp xúc với TS. Nguyễn Hữu Chiến phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I, PV được bác sĩ cảnh báo về một dạng bệnh mà trẻ em dễ mắc phải hiện nay, đó là rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) nôm na là bệnh rối loạn vì trẻ quá hiếu động. Theo TS.Chiến, trẻ sống ở thành phố, đặc biệt là trẻ nam có nguy cơ mắc chứng ADHD cao hơn.

Ở thành phố, không gian sống chật chội, nhiều trẻ khi bố mẹ đi làm thường bị "nhốt" trong nhà, không có không gian chơi đùa, bị tù túng nên khi được ra môi trường xã hội (đến lớp, đi chơi công viên...) trẻ trở nên hiếu động thái quá.

Xã hội - Trẻ có thể bị tâm thần nếu bị 'nhốt' quá nhiều

Bác sĩ đang khám bệnh cho bệnh nhân tăng động giảm chú ý tại viện Nhi Trung ương.

Nhập viện vì quá... hiếu động

Theo TS. Chiền kể trường hợp cậu bé tên Tuấn Anh, 8 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) được gia đình đưa đi khám, ngồi trước mặt bác sĩ mà Tuấn Anh vẫn loay hoay nhìn ngang nhìn dọc. Bác sĩ phải hỏi đến lần thứ 3, cậu bé mới trả lời, thậm chí có lúc bác sĩ phải cao giọng thì Tuấn Anh mới tập trung lắng nghe, bởi còn đang mải nghịch. Mẹ bé Tuấn Anh cho biết, ở nhà bé thường có biểu hiện nghịch ngợm, chạy nhảy, luôn tay luôn chân, không lúc nào chịu ngồi yên. Bé nghịch nên xao nhãng, không tập trung học. Vừa ngồi vào bàn học 10 phút là bé lại ngọ nguậy, bỏ ra ngoài. Cô giáo chủ nhiệm phàn nàn với gia đình là bé Tuấn Anh đến lớp rất nghịch, hay mất tập trung, không theo dõi bài giảng và khuyên gia đình nên đưa con đi khám tâm lý. Mẹ bé tâm sự: "Khám xong, tôi "ngã ngửa" vì con mắc ADHD và phải điều trị ở viện 2 tuần theo phác đồ mà bác sĩ đề ra".

Trao đổi với PV, TS. Chiến cho biết: "Bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị ADHD. Những trẻ phải nhập viện điều trị thường rơi vào thể nặng. Được điều trị đúng phác đồ, ADHD sẽ được cải thiện. Những trẻ này cần được theo dõi thường xuyên vì ở nhiều trẻ, chứng rối loạn bất kỳ nào đó vẫn giúp trẻ phát triển".

Phòng khám Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) "chứng kiến" nhiều trẻ "đặc biệt" đến khám. BS. Quách Thúy Minh - trưởng khoa Tâm bệnh cho biết, mỗi ngày một bác sỹ của khoa khám cho ít nhất 5- 10 trẻ bị căn bệnh này. Dịp hè, số trẻ đến khám nhiều hơn, phần lớn là trẻ 6-7 tuổi. BS. Minh cho biết, cách đây không lâu, cậu bé Lương Văn Minh (10 tuổi, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) phải nhập viện vì mắc chứng ADHD và chậm phát triển trí tuệ. Lúc nào cậu bé cũng ở trạng thái lo âu, bối rối, kém linh hoạt, không tập trung làm bất kỳ việc gì và không tuân theo chỉ dẫn của cha mẹ, thầy cô. BS. Minh cho biết, cậu bé này học 4 năm mà không qua được lớp 1. Giờ đây đã 10 tuổi nhưng nhận thức của cậu bé chỉ như đứa trẻ lên 6; đến lớp, công việc ưa thích của Minh là phá rối các bạn trong giờ học.

Ngoài hành lang, chị Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), mẹ của cháu Đức rầu rĩ nói: "Ở nhà cháu rất hiếu động, ít khi ngồi yên một chỗ, làm việc gì cũng lâu vì không bao giờ tập trung. Nhiều khi đang làm việc này lại bỏ dở nhảy sang làm việc khác. Bài tập cô giáo giao, phải mất cả tối mới học xong. Tôi thấy lo lắng nên đưa cháu đi khám. Kết quả khám cho thấy cháu mắc bệnh ADHD. Chẳng ai có thể ngờ con vì quá hiếu động lại phải nhập viện điều trị".

Cần được điều trị kịp thời

TS. Chiến phân tích: “Trẻ mắc chứng ADHD không phải là trẻ ngỗ nghịch. Đó là vấn đề ở trong não, có nghĩa là một đứa trẻ không thể điều chỉnh hành vi hoặc cảm xúc của chúng, chúng không rút được kinh nghiệm sau những vi phạm, không thể lập kế hoạch hay tổ chức việc gì và gặp khó khăn về bộ nhớ ngắn hạn". Theo TS. Chiến: "Chỉ có những người không hiểu rõ điều này mới dán nhãn "ngỗ nghịch" cho những em bé đó”.

Trẻ em đang tuổi đến trường, tỷ lệ có hội chứng ADHD dao động từ 2% - 16% và tỷ lệ trong cộng đồng (từ lứa tuổi trẻ em đến vị thành niên) là 10% - 30%. Tỷ lệ nam mắc bệnh cao gấp 3-4 lần so với nữ. Tuổi dễ nhận thấy nhất là từ hơn 4 tuổi đến trước 7 tuổi vì đây là tuổi đi học, cho dù tình trạng này có từ trước đó nhiều năm.

BS. Minh cho hay, một trong những biện pháp cải thiện tình trạng này là cho các em học tập tại các trường mẫu giáo, tiểu học bình thường. Đặc biệt, tránh cho trẻ chơi game, không chơi trò chơi bạo lực, không chế giễu trẻ, không nên bắt trẻ làm việc gì đó kéo dài quá lâu. Thiết lập lịch sinh hoạt để nhắc nhở trẻ những việc gì cần làm và làm trong thời gian bao lâu. Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều ở con. Vì như thế vô hình trung sẽ càng đẩy con ra khỏi cái bình thường. Đòi hỏi con quá cao cũng tạo sức ép lên trẻ, trẻ lại càng dễ mắc ADHD.

Biểu hiện nhất trong độ 9-10 tuổi

Theo BS. Minh, phần lớn cha mẹ đưa con đi khám ở độ tuổi 9 - 10 với lý do học hành ngày càng sút kém, không tập trung học, nghịch quá. Ở độ tuổi này những bất thường ở trẻ thể hiện rõ nhất. Khi còn nhỏ, mắt bé có thể ngó nghiêng, chân tay đập nhưng khi lớn biểu hiện bệnh của trẻ phong phú hơn. Chẳng hạn ngồi trong lớp trẻ thường không tập trung, khó kiềm chế việc nghịch, nói liên mồm, quay sang cấu véo bạn, đang học thì bỏ ra ngoài. Trẻ thường học tốt các môn tự nhiên nhưng các môn khác như xã hội và tiếng Việt thì kém vì các môn này yêu cầu sự lôgíc. Bài hôm nay làm được nhưng hôm sau đã không biết làm. Trí nhớ dài hạn của trẻ cũng kém vì thiếu tập trung nên không nhớ.

Ngân Giang

* Tên nhân vật đã được thay đổi!