Trọng bằng trên giấy hay trọng thực tài?

Trọng bằng trên giấy hay trọng thực tài?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
“Nếu các tỉnh chỉ dựa vào bằng cấp mà tuyển vào hoặc loại ra là không đúng. Bởi những người học chính quy chưa chắc đã giỏi hết và những người học tại chức không hẳn đã không tốt”.

Tính từ tháng 12/2010 đến nay, đã có 8 tỉnh từng đưa ra văn bản thẳng thừng nói không với những người có bằng tại chức vào công chức Nhà nước. Mới đây nhất, ngày 3/9/2012, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định sử dụng lao động có hộ khẩu ở Quảng Bình, đã từng tốt nghiệp đại học, có hiệu lực đến ngày 31/12/2015. Theo đó họ không xét những trường hợp có bằng tốt nghiệp hệ tại chức vào các cơ quan đơn vị thuộc Nhà nước.

Xã hội - Trọng bằng trên giấy hay trọng thực tài?

Những học viên cao học bất ngờ vì tỉnh không tuyển hệ tại chức. Ảnh minh họa

Bằng tại chức "bỗng nhiên" thành "giấy lộn"?

Điều đáng nói qua động thái của UBND tỉnh Quảng Bình là, trước đó, Bộ Tư pháp đã từng "tuýt còi" cảnh báo những sai phạm về mặt pháp lý cũng như tính nhân văn về tình trạng này. Chủ trương của Nhà nước , Bộ GD&ĐT là không phân biệt bằng tại chức hay chính quy, miễn có năng lực là được xét tuyển vào công chức. Như vậy, bất cứ một sự từ chối nào từ phía tuyển dụng đều là sự đi ngược lại với chủ trương chính sách.

Ở Quảng Bình, sau khi được thông tin UBND tỉnh sắp tổ chức thi tuyển công chức, nhiều sinh viên đã có bằng đại học rất háo hức mong chờ đến ngày nộp hồ sơ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu cụ thể họ mới tá hỏa vì tỉnh chỉ tuyển bằng chính quy. Vậy là bao nhiêu công sức ăn học, cố gắng của những người "trót" mang bằng tại chức coi như đổ sông, đổ biển. Anh Nguyễn Văn Triển (SN 1983, ở Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), sinh viên vừa tốt nghiệp hệ tại chức của một trường đại học ở Hà Nội tỏ ra lo ngại: "Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi đã không thể thi vào một trường đại học chính quy khi hết thời trung học. Sau này đi làm mấy năm mới có chút vốn liếng, tôi chọn học tại chức để vừa có thời gian kiếm tiền lo chi trả cho việc học. Học trường này vừa rút ngắn thời gian học mà vẫn có được những kiến thức cơ bản làm cái vốn cho mình sau này đi xin việc. Vậy mà giờ đây người ta "chê", không thèm nhòm ngó đến chúng tôi. Chẳng lẽ cái bằng mà mấy năm tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt chỉ là vật "kỷ niệm", tờ giấy lộn?".

Anh Triển tỏ ra bức xúc, nếu biết các tỉnh "hắt hủi" tại chức thì sao Bộ GD&ĐT còn tổ chức đào tạo làm gì. Không thể để người dân bỏ bao nhiêu tiền của ra giờ chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Chắc chắn sự việc này sẽ ảnh hưởng đến con đường mưu sinh của các học viên tại chức. Như vậy liệu có công bằng không? "Tại sao không để chúng tôi cùng tham gia thi tuyển để biết khả năng thực sự. Nhiều người học tại chức nhưng lại có thể làm được việc hơn là những người tốt nghiệp bằng chính quy loại giỏi", anh Triển nhấn mạnh.

Chất lượng đào tạo kém là nguyên nhân của sự kỳ thị?

Đã từ lâu, xã hội luôn dành cho những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức một sự kỳ thị nhất định. Chính vì thế, mặc cảm đeo đuổi sinh các sinh viên này từ trước khi họ bước chân vào trường học. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà trong xã hội hiện nay vẫn không ít người lựa chọn tại chức làm con đường vào đời của mình. Lối đi cho "tại chức" ngày càng hẹp lại mặc dù lượng đào tạo vẫn không ngừng tăng l

Đồng quan điểm với anh Triển, chị Vũ Thu Nga (SN1975), hiện đang là nhân viên văn phòng tại một công ty tư nhân ở phường Bắc Lý (Đồng Hới, Quảng Bình) cho rằng: Việc tỉnh không cho người có bằng tại chức tham gia thi tuyển là trái luật. Nếu không có đầu ra thì không nên tuyển đầu vào. Còn nếu đã cho đào tạo thì các trường cao đẳng, chính quy phải công bằng trong cơ hội nghề nghiệp. Được biết, chị Nga trước đây từng là một học sinh khá giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà chị không thực hiện được ước mơ học đại học. Sau này khi lấy chồng có con, chị đi làm cho một công ty tư nhân. Nhưng vì muốn vợ có công việc ổn định và có nhiều thời gian chăm sóc chồng con nên chồng chị Nga đã khuyên chị đi học đại học tại chức. Sau khi tốt nghiệp, chị Nga đã chờ đợi hơn một năm ở nhà chờ tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng. Nhưng không ngờ lần này tỉnh lại chủ trương không xét bằng hệ tại chức. Cả chị và chồng đều rất thất vọng và cảm thấy khó hiểu.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 12/9/2012, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cẩm Sơn, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình. Ông Sơn cho biết: Không hề có việc tỉnh thi tuyển công chức viên chức vào các cơ quan nhà nước mà không lấy bằng hệ tại chức. "Chúng tôi chỉ tuyển dụng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Đây là chính sách riêng của tỉnh Quảng Bình. Có nghĩa là chỉ dành cho con em tỉnh Quảng Bình. Còn việc thi tuyển công chức, viên chức chúng tôi vẫn thực hiện bình thường theo quy định của Bộ Nội vụ. "Tôi nói lại một lần nữa, việc tuyển dụng lần này, chúng tôi tuyển riêng theo chỉ tiêu của tỉnh, dựa trên nguồn ngân sách hiện có. Như thế không có gì là trái với quy định", ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, hiện nay, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường chưa có việc làm trên địa bàn tỉnh rất lớn. Nếu có nhiều ngân sách tỉnh sẽ tuyển dụng hết. Tuy nhiên, vì ngân sách có hạn nên UBND chỉ tuyển những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy với mục đích không để mất nhân tài của tỉnh.

Không nên để thành làn sóng "chê" tại chức

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho biết: "Luật Giáo dục của ta quy định bằng tại chức hay chính quy đều bình đẳng. Tuy nhiên trong từng đợt thi, ở mỗi địa phương lại có những cách nhìn nhận khác nhau. Những lần trước đây, chúng tôi cũng đã có ý kiến với Bộ Nội vụ nên xử lý căn chỉnh tình trạng trên không được phép tạo thành làn sóng ở nhiều tỉnh và gây tranh cãi trong dư luận".

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Sơn đã từng đưa ra quan điểm rằng, những tỉnh nói không với tại chức là cực đoan. Trong khoảng 20 người tốt nghiệp hệ chính quy thì có thể chỉ có 7-8 người đạt chất lượng và ngược lại. Bên cạnh đó, trong hệ tại chức, cũng có những người có khả năng thực sự. Tấm bằng chỉ là sự ghi nhận của xã hội về trình độ của người đó. Vấn đề mà nhà tuyển dụng cần phải làm được đó là nghĩ cách lựa chọn khách quan, công bằng những người có trình độ thực sự. Có thể người tốt nghiệp tại chức thì vào được cơ quan Nhà nước còn người tốt nghiệp đại học chính quy, thì phải đứng ngoài. Tất cả nên dựa vào năng lực.

Đưa ra quan điểm về vấn đề trên, ông Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, phía tuyển dụng đã quá nặng về vấn đề bằng cấp. "Nếu các tỉnh chỉ dựa vào bằng cấp mà tuyển vào hoặc loại ra là không đúng. Bởi những người học chính quy chưa chắc đã giỏi hết và những người học tại chức không hẳn đã không tốt. Việc tuyển dụng dựa vào những tiêu chí bằng cấp là quá hình thức. Tôi hoàn toàn không tán thành việc làm này", ông Quân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quân, tình trạng các tỉnh đồng loạt quay lưng với tại chức phần nào phản ánh thực trạng chất lượng đào tạo loại hình này ở nước ta hiện nay. Đó là sự cảnh báo hết sức đáng lưu tâm. Tuy nhiên, xét về mặt quản lý Nhà nước, cách làm của các tỉnh trên là không đúng. Để xóa bỏ tâm lý "nhất bên trọng nhất bên khinh" đối với bằng tại chức hay chính quy, khi xây dựng tiêu chí tuyển dụng nhân viên vào các đơn vị Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân… chúng ta cần dựa trên năng lực thực để chọn lựa nhân tài.

Không nên cứ thấy khó là "buông"

Liên quan đến vấn đề nên hay không duy trì loại hình đào tạo tại chức, ông Quân phân tích: "Gần đây hàng loạt tỉnh thành quay lưng với hệ tại chức. Việc làm này khiến nhiều người cho rằng không nên duy trì loại hình đào tạo này nữa. Theo tôi nghĩ, đây là lối suy nghĩ không phù hợp. Xét một cách khách quan, chất lượng đào tạo tại chức hiện nay nhìn chung còn kém và chưa đồng đều. Tuy nhiên, chúng ta đang tiến tới một xã hội học tập, học liên tục, học suốt đời. Chúng ta nên cố gắng rút ngắn quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, để thời gian còn lại, mỗi người có thể vừa đi làm, vừa tiếp tục trau dồi kiến thức cho mình". Cũng theo ông Quân, những loại hình đào tạo như tại chức, vừa học vừa làm, hệ đào tạo từ xa cần phải được đổi mới, cải tạo để đảm bảo chất lượng. Chúng ta không nên vội vàng vừa thấy chất lượng nó kém đã nghĩ đến việc xóa bỏ. Những loại hình như thế "rất nên tồn tại", chỉ có điều chúng ta làm chưa tốt mà thôi.

Dương Thu - Phạm Hạnh