Trực tuyến: Mưa lớn, bão to, các địa phương lo sốt vó

Trực tuyến: Mưa lớn, bão to, các địa phương lo sốt vó

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Chúng tôi đang thực hiện tường thuật trực tuyến diễn biến của cơn bão số 3 trên các địa bàn miền Bắc và miền Trung. Tin bài do phóng viên, cộng tác viên tại một số địa phương nơi bão đi qua.

Ngày hôm nay, Báo Người đưa tin - www.nguoiduatin.vn - sẽ cập nhật liên tục diễn biến bão số 3, độc giả có thể cung cấp tin bài về cơn bão theo số điện thoại của phóng viên phụ trách tin bão lụt: 0936 38 9896. Độc giả từ miền Bắc và miền Trung hãy đồng hành cùng tòa soạn làm báo. Hãy cùng chúng tôi ghi nhận và lắng nghe nhịp sống của đồng bào trong cơn giận dữ của thiên nhiên.

* Độc giả ấn F5 để tiếp tục cập nhật....

Tin liên quan cơn bão số 3: Sáng 30/7, Hà Nội âm u, đón bão/ 30 tàu gặp nạn trên đường tránh bão/ Bão đổ bộ với tốc độ nhanh vào đất liền

19h: PV Nguoiduatin.vn thường trú tại Nghệ An cho biết, mưa to gió lớn làm đứt dây điện khiến một người thiệt mạng do bị điện giật.

17h: PV Nguoiduatin.vn thường trú tại miền Trung vừa báo về, TP. Vinh đang mưa rất to, nhiều tuyến đường đã ngập băng, đâu đâu cũng thấy biển nước, lượng mưa đo được là 94mm. Vùng ven biển gió cấp 4, cấp 5. Riêng tại đảo Hòn Ngư, gió giật cấp 7, cấp 8.

Ảnh: Tuấn Phong (CTV Nghệ An)

Ảnh: Thành phố Vinh chìm trong "biển nước"

Tỉnh Nghệ An có 4.482 phương tiện tàu thuyền với 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Theo báo cáo của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, đến 15 giờ ngày 30/7/2011, toàn bộ người và phương tiện của tỉnh Nghệ An đã về nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, có 62 phương tiện với 293 lao động các địa phương khác vào tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại các địa phương, lực lượng đã tổ chức sơ tán dân được 4.947 hộ với 17.999 người.

Từ sáng ngày 30/7/2011, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo tại Thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc, Thành phố Vinh, đê Tả Lam.

16h30: Theo tin mới nhận được, từ lúc khoảng 16h chiều nay, TP. Thanh Hóa mới bắt đầu có mưa và mưa đang rất to. Ở các tỉnh Thái Bình Nam Đinh, cũng đang có mưa trên diện rộng.

Riêng tại Thái Bình, trao đổi với Nguoiduatin.vn, chiều nay ông Nguyễn Quang Phúc - Phó chi cục trưởng chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biêt : Hiện nay tại Thái Bình đang có mưa rất lớn. Thời điểm này, các lãnh đạo gồm chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy, các phó bí thư, cùng một số lãnh đạo sở ban nghành đều đang có mặt trực tiếp xuống chi huy công tác di dân và ứng phó với cơn bão số 3.

Tỉnh Thái Bình có tất cả là 1323 phương tiện tàu bè/3397 lao động hiện đã neo đậu trong tỉnh là 1320 phương tiện/3381 lao động, neo đậu tại Hòn Gai là 2 phương tiện/12 lao động và Cô Tô là 1 phương tiện/4 lao động.

Về cơ bản, công tác sơ tán đã hoàn tất.

Được biết, từ chiều hôm qua, ông Phạm Văn Sinh – Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ông Nguyễn Hồng Diên – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hữu Rong – Giám đốc Sở NN – PTNT đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với bão số 3 tại huyện Thái Thụy, huyện Kiến Xương, tại Đông Hưng, kiểm tra việc xử lý và hoành triệt các điểm xung yếu trên triền đê sông Trà Lý.

Ảnh do PV Đài PT&TH Thái Bình chụp.

Toàn huyện Thái Thụy có 431 phương tiện tàu thuyền và 1.494 lao động đánh bắt thủy hải sản trên biển. Đến 15h hôm qua, toàn bộ số tàu thuyền đã liên lạc được với các đồn biên phòng và đang trở về nơi neo đậu. Đến nay đã có gần 300 phương tiện vào bờ trú ẩn an toàn.

Huyện Thái Thụy đã lên phương án và tổ chức rà soát danh sách 826 hộ và trên 1.200 lao động nuôi trồng thủy hải sản, 1.584 hộ với trên 6.400 nhân khẩu đang sinh sống ngoài đê chính vào nơi an toàn.

Các đơn vị biên phòng Đồn 72 Cửa Lân, Đồn 68 Thái Đô và Đồn 64 cảng cửa khẩu Diêm Điền, Hải đội 2 ứng trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động giúp dân phòng chống bão. Tại Cửa Lân đến chiều qua đã có 25 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cùng thuyền của ngư dân Tiền Hải vào neo đậu an toàn. Trên 420 chủ đầm tôm và ngao đã chủ động vào bờ tránh bão. Tại Cảng cửa khẩu Diêm Điền, đã có 293 phương tiện tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu.

15h45: Ảnh mưa gió mịt mù tại Hà Tĩnh

Chùm ảnh do phóng viên VP đại diện tại miền Trung thực hiện.

Độc giả click tại link này để xem chi tiết chùm ảnh.

14h55 tại Nghệ An: Theo thông tin từ ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, lượng mưa đo được tại Vinh từ sáng nay tính đến 13h chiều ở khu vực Bến Thủy là 85mm.

Nhà chức trách tại các cơ quan, ban ngành tại Nghệ An đang chủ động đối phó với cơn bão số 3. Tính đến thời điểm này, cơ bản đã tổ chức sơ tán, di tản ngư dân ven bờ biển chịu ảnh hưởng của bão về nơi trú ẩn an toàn.

14h: Nam Định, Hải Phòng đón bão số 3

Từ sáng, gió mạnh cấp 8 giật cấp 9, cấp 10 đã xuất hiện tại huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Nước biển chưa dâng cao và chưa có thiệt hại gì về người và tài sản ở huyện đảo trong cơn bão số 3.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ sẵn sàng lực lượng, phương tiện phòng, chống bão; chuẩn bị đầy đủ lượng lương thực, thực phẩm; dự trữ 7,5 tấn gạo, 650 thùng mỳ tôm và các loại thực phẩm thiết yếu khác.

Ngư dân Nghệ An neo thuyền chống bão. Ảnh: Dân trí

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Hiện toàn bộ số tàu đang hoạt động tại khu vực huyện đảo đã về nơi trú ẩn. Những nhà dân ở vùng xung yếu đã được chằng, chống cẩn thận; sơ tán hơn 10 hộ dân và các hộ kinh doanh ở khu vực đường dạo gần mép nước về nơi trú bão, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Nam Định: Tỉnh đang thực hiện khẩn cấp lệnh cưỡng chế đối với toàn bộ các phương tiện đánh bắt, các đối tượng cố tình đánh bắt, khai thác này. Theo đó, đến 10 giờ ngày 30/7, toàn bộ các phương tiện đánh bắt, ngư dân ở khu vực lều vạng sẽ buộc phải vào bờ, rời lều tránh bão.

Theo thường trực Phòng Tham mưu Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định, cùng thời gian đó, tỉnh thực hiện lệnh cấm biển; yêu cầu các đơn, trạm kiểm soát biên phòng không cho bất cứ một tàu, thuyền nào ra khơi; thiết lập và tổ chức hướng dẫn các phương tiện vệ nơi neo đậu an toàn tại các cống, khu vực cảng cá, cảng Hải Thịnh, âu neo đậu tàu thuyền Quất Lâm thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.

12h trưa: Bão bắt đầu đến Vinh ( Nghệ An) và Thanh Hóa)

Dọc quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình sáng nay đã có mưa vừa nhưng trưa nay đến Thanh Hóa thì tạm thời tình hình đang tương đối yên ả.Tin tức các cộng tác viên của Nguoiduatin.vn từ một số tỉnh miền Trung báo về.

Hiện tại, TP.Vinh đang có mưa vừa từ 9h sáng nay. Trong khi đó, sáng nay, một tổ công tác của Nguoiduatin.vn đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa báo cáo: 9 - 10h sáng nay, khi đi trên Quốc Lộ 1A qua đoạn tỉnh Ninh Bình đã có mưa rải rác.

Tuy nhiên vào đến Thanh Hóa thì đến hơn 12h trưa nay, tình hình đang khá yên ả, trời chưa mưa. Mặc dù vậy, đã có gió thổi mạnh dần, chiều nay bão sẽ đổ vào khu vực này.

Theo hình ảnh hướng đi của cơn bão số 3 do TT KTTV TW cung cấp thì có thể thấy, trung tâm cơn bão số 3 sẽ đổ bộ trực diện vào Thanh Hóa và Nghệ An.

Một số hình ảnh mưa do CTV tại Vinh cung cấp:

Chùm ảnh: Tân Thành - Nguyên Văn

Theo dự báo của TT KTTV TW, hồi 10 giờ ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Đến 22 giờ ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 31/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 - 5m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Phóng viên và CTV