TS Lê Thống Nhất chia sẻ kinh nghiệm thi cử

TS Lê Thống Nhất chia sẻ kinh nghiệm thi cử

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Chỉ còn hơn 1 ngày nữa là các thí sinh bước vào đợt I của kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011. Để làm các bài thi trọn vẹn và đạt điểm cao, các thí sinh cần phải chuẩn bị tốt về tâm lý, cũng như lưu ý và tuân thủ một số điều ở từng môn thi.

TS Nhất lưu ý các thí sinh sau khi nhận được đề thi, cần dành 15 phút để làm hai việc. Thứ nhất là đọc kỹ từng câu hỏi. Nếu trong đề có câu hỏi “lạ” (khó), với các thí sinh có học lực từ khá trở xuống thì không nên băn khoăn và đừng quá quan tâm. Bởi nếu thí sinh quan tâm quá, tự dưng thí sinh sẽ bị hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng làm bài.

Trong trường hợp này, thí sinh nên củng cố tinh thần bằng việc tập trung vào làm những câu hỏi ở dạng cơ bản. Bởi thông thường, một đề thi sẽ chỉ có 1 câu hỏi “lạ” với thang điểm là 1, dùng để phân loại thí sinh. Và, kinh nghiệm cho thấy, thông thường thí sinh bị trượt môn Toán là do làm sai các câu cơ bản, chứ không phải không làm được các câu hỏi khó.

TS Lê Thống Nhất

Thứ hai, các thí sinh cần làm trong 15 phút đầu tiên, đó là, khi đọc các câu cơ bản thì phải nghĩ ngay kiểm tra những kiến thức và công thức gì. Thế rồi, ghi ngay ra giấy nháp các công thức đó, để sau này khi làm bài sẽ không bị nhầm. Đồng thời ghi luôn những nhầm lẫn hay quên đối với các loại bài toán cơ bản.

Một kinh nghiệm các thí sinh nên lưu ý: khi đang làm bài thì phát hiện mình bị sai, nhiều thí sinh chép lại phần làm đúng vào tờ giấy thi khác, rất mất thời gian. Bởi vậy, thay vì chép lại, thí sinh nên gạch chéo toàn bộ phần làm sai đó và đề chữ “làm lại” ở ngay phía dưới, rồi tiếp tục làm.

Thí sinh nên làm bài thi môn Toán ở tốc độ vừa phải, chắc chắn từng câu để đảm bảo tính chính xác. Không nên làm tốc độ nhanh quá để thừa thời ngồi gian xem lại. Vì những điều thí sinh viết ra, rất khó để biết mình sai khi đó. Thậm chí, có nhiều thí sinh đi thi về cả ngày sau mới biết mình bị nhầm chỗ nào. Vì vậy làm chắc chắn từng câu một hơn là làm vội để rồi dành nhiều thì giờ để xem lại. Có xem lại, nhưng khả năng tự biết mình sai là rất khó.

Đối với loại bài hình học, thí sinh cần bố trí vẽ hình ở vị trí dễ quan sát nhất. Nếu vẽ hình ở cuối trang, rồi làm bài giải trang bên, quá trình lật giở nhiều lần để xem lại hình vẽ rất dễ bị nhầm các ký hiệu.

Nếu thí sinh làm một bài toán nào đó chưa trọn vẹn (làm được nửa chừng) thì vẫn ghi đoạn chưa trọn vẹn đó vào giấy thi, và ở phía dưới ghi thêm một câu: “xem tiếp ở phần sau”. Bởi vì, khi giáo viên chấm thi, họ vẫn điểm cho đoạn thí sinh đang làm dở trong bài.

Lưu ý, khi làm những câu đầu tiên, thí sinh cần phải thể hiện hết khả năng của mình. Và phải chinh phục người chấm bằng cách trình bày rõ ràng. Bởi vì, theo tâm lý, người chấm thi thường đánh giá thí sinh ngay từ những bài đầu tiên là có nắm chắc kiến thức Toán hay không. Nếu sau đó, trong quá trình làm bài, thí sinh mắc lỗi nhỏ, giám thị sẽ dễ bỏ qua.

Để đạt điểm Toán tối đa, bên cạnh việc làm bài thi đúng, các thí sinh cần phải trình bày bài rõ ràng, mạch lạc.

TS Lê Thống Nhất sẽ đồng hành cùng bạn đọc Nguoiduatin.vn và Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Bachkhoa - Aptech trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011, với lời giải đề thi môn Toán.

Phan Chính