Từ đường đua xanh đến giảng đường đại học

Từ đường đua xanh đến giảng đường đại học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Không chỉ là vận động viên có thành tích đáng nể, Nguyễn Thị Sary còn là sinh viên ưu tú của Đại học Hùng Vương. Với Sary, chiến thắng trên đường đua xanh là gạch nối đến giảng đường đại học.

Bóng tối khiếm khuyết đè nặng tuổi thơ

Nguyễn Thị Sary (SN 1985, tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An) trong một gia đình nông dân chất phác, nghèo khó nhưng chan chứa tình cảm. Quãng đời thơ bé của Sary luôn kề cận với hình ảnh của mẹ cha và người chị gái chịu thương chịu khó, hết mực cảm thông, bênh vực em gái bé bỏng.

Sary có cái tên giống Sơri vì đơn giản mẹ thích ăn loại trái này khi mang thai chị. Dù sở hữu cái tên không giống ai, nhưng chị rất yêu cái tên này nhất là chữ Y dài lạ lẫm khác biệt.

Nghe/Xem - Từ đường đua xanh đến giảng đường đại học

Sary sinh ra cũng khỏe mạnh và có phần kháu khỉnh, thông minh hơn những đứa trẻ khác. Mới mười tháng tuổi, chị đã có thể chạy khắp nhà, lém lỉnh đuổi theo chị gái. Chị nói vui: "Có lẽ, tôi biết đi sớm quá nên ông trời phạt phần đời còn lại không còn được tung tăng nữa".

Cơn ác mộng đến với Sary khi vừa tròn ba tuổi, căn bệnh sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân vững chãi. Sary cuộn mình trong mặc cảm khiếm khuyết, không đùa vui với bạn bè đồng trang lứa.

Sary nhớ lại mỗi lần đi học, chị Hai phải cõng đi hết con đường sình lầy để đến trường. Suốt con đường ấy, cái chị đối diện không chỉ tấm lưng mỏng manh của chị gái mà còn sự mặc cảm, sự nhòm ngó chọc ghẹo của lũ trẻ quê.

Ngày có được chiếc xe lăn, Sary mừng vui khôn xiết. Từ đó, đôi tay cũng là đôi chân giúp Sary vượt qua con đường ghồ ghề lúc nắng, bùn sình khi mưa đi khắp mọi nơi. Nhớ những ngày lũ lụt, nước trắng xóa không thấy đâu là đường đâu là ruộng, cha luôn đến trường thật sớm để đẩy xe đưa Sary về nhà.

Những cảm tác được Sary chia sẻ viết thành bài, gửi cho báo Long An. Chị nhớ mãi bài viết "Người cha trong trái tim tôi" lần đầu đánh thức bản năng muốn tự khẳng định và muốn vươn lên của một con người bấy lâu giấu mình trong bóng tối.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cha mẹ không có điều kiện cho Sary học tiếp, chị lại quẩn quanh ở nhà, đó là nỗi đau lớn nhất trong hàng ngàn nỗi đau. Chị luôn ao ước, luôn khát khao được học. Một hôm, mẹ chị về nhà trên tay cầm tờ rơi giới thiệu một trường dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật ở TP.HCM. Mẹ khuyên chị nên theo học lấy một cái nghề để có thể tự lo cho bản thân. Chị thấy học nghề là cách duy nhất để chị có thể kiếm tiền lo cho việc học đại học. Vậy là, mẹ và chị gái thu xếp quần áo gửi chị lên Trung tâm hỗ trợ và dạy nghề cho người khuyết tật Hóc Môn học nghề.

Những ngày đầu bỡ ngỡ nơi phố xá phồn hoa, nơi ngoài đôi chân người ta còn vượt lên phía trước bằng mọi cách dù có trái lương tâm là khoảng thời gian khó quên nhất đối với chị. Tốt nghiệp lớp nghề vi tính văn phòng, Sary vác đơn xin việc, gõ cửa không biết bao nhiêu doanh nghiệp nhưng chẳng ai đoái hoài.

Không xin được việc lại phải dọn ra ngoài sống tự lập, sau khoảng thời gian được hưởng trợ cấp miễn phí, chị chới với túm lấy công việc cắt chỉ thêu vi tính như chiếc phao cứu sinh tạm thời. Nhưng nào ngờ, công việc tạm thời này mang đến cho chị một chuỗi ngày vinh quang, cũng như thực hiện được khát khao vào đại học.

Nghe/Xem - Từ đường đua xanh đến giảng đường đại học (Hình 2).

Sary vinh dự nhận cúp của Hoàng hậu Malaysia

Từ đường đua xanh đến giảng đường đại học

Vào một ngày giữa năm 2007, Sary đến nhận hàng về làm tại công ty thêu vi tính thì gặp ông Trần Hoàng Minh, chủ nhân mái ấm Mùa Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM. Sary được đưa về mái ấm, sống chung với mấy chị cùng cảnh ngộ. Có người cảm thông chia sẻ, những mặc cảm của Sary dần dà tan biến. Tự tin vào bản thân, lạc quan vào cuộc sống, yêu thương chăm sóc lẫn nhau là những điều Sary học được từ mái ấm Mùa Xuân.

Nhận thấy, Sary có tiềm năng chơi thể thao và cũng để tìm con đường thoát nghèo, giúp Sary đến trường, ông Minh khuyến khích chị tham gia bơi lội. Tuy từ bé chưa từng học bơi và chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ xuống nước khi cơ thể không còn đôi chân, nhưng khi tiếp nước, Sary nhanh chóng bỏ qua cảm giác sợ hãi ban đầu, chỉ biết vùng lên quẫy đạp để tồn tại, để giữ thăng bằng trên mặt nước.

Chân không thể cử động, chị giữ thăng bằng và nổi lên mặt nước nhờ đôi tay. Chị chia sẻ: "Sức mạnh đôi tay có được là nhờ những ngày tháng đi xe lăn phải lăn nhiều trên những con đường quê đầy sỏi đá và sình lầy, khiến đôi tay trở nên mạnh mẽ và linh hoạt. Những gian khổ khi tập luyện không chỉ tính bằng mồ hôi mà còn là nước mắt, sự chịu đựng, gan lỳ. Nhưng tôi thiết nghĩ tất cả những gì bỏ ra thì đều lấy lại được và hiện nay hạnh phúc đã mỉm cười với tôi".

Cuối năm 2007, chỉ sau 3 tháng tập luyện, Sary bất ngờ giành 3 HCV tại giải bơi lội người khuyết tật toàn quốc diễn ra ở Huế. Một năm sau, tại Paragames 2008 tổ chức ở Thái Lan, Sary đạt 2 HCB trong sự ngỡ ngàng của làng thể thao nước nhà. Số tiền thưởng từ những thành tích đáng nể này, Sary dùng để mua sách vở ôn thi đại học và ngay năm 2008, chị đỗ khoa ngoại ngữ trường đại học Hùng Vương.

"Ở cấp 2 đã được học môn tiếng Anh, nhưng tôi học dở lắm. Thế là tôi quyết đầu tư thật nhiều công sức vào môn tiếng Anh. Đến khi theo đoàn tham dự Paragames, khả năng tiếng Anh chưa tốt lắm nên chưa thể giao tiếp với bạn bè các nước Đông Nam Á. Tôi đặt ra mục tiêu phải đậu vào khoa ngoại ngữ để có thể tự tin trò chuyện bằng ngoại ngữ khi tham gia thi đấu ở nước ngoài", chị tâm sự.

Nghe/Xem - Từ đường đua xanh đến giảng đường đại học (Hình 3).

Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương trao giấy khen cho Sary

Paragames 5 được tổ chức ở Kuala Lumpur (Malaysia) đã vinh danh cô bé vàng Việt Nam với 3 HCV, phá 1 kỷ lục châu Á và 2 kỷ lục Paragames, đoạt cúp dành cho vận động viên xuất sắc nhất Đại hội do chính Hoàng hậu Malaysia trao tặng. Năm 2010, ở đấu trường Asiad, chị cũng xuất sắc giành huy chương đồng. Sary vẫn tiếp tục luyện tập và thi đấu, đều đặn mang về những tấm huy chương quý giá cho thể thao nước nhà.

Bên cạnh việc thi đấu thể thao, Sary được đánh giá là một sinh viên tiên tiến, là tấm gương vượt khó mà các bạn trẻ cần phải noi theo. Ngoại trừ năm thứ nhất đại học, Sary phải đóng tiền học, ba năm còn lại đều nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường. Hình ảnh của Sary được trường mang về treo ở trước cổng như một tấm gương vượt khó.

Huấn luyện viên trưởng của đoàn vận động khuyết tật ở bộ môn bơi lội đã từng khuyên Sary đừng nên tham lam quá nên chọn một trong hai, hoặc là học hoặc là bơi lội. Thế nhưng, Sary đã quyết nắm cả hai dù biết sẽ ảnh hưởng đến kết quả của việc học và bơi lội. Sary luôn tâm niệm: "Bơi lội giúp tôi vượt qua khó khăn, nhưng học tập mới là con đường thoát nghèo và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bản thân và xã hội".

Hiện Sary đã tốt nghiệp đại học và đang ước mong có trường học sẽ đón nhận chị đến làm giáo viên tiếng Anh, để có thể đứng trên bục giảng truyền dạy cho thế hệ sau kiến thức ngoại ngữ lẫn tinh thần vươn lên bất chấp hoàn cảnh. Sary ước mơ tiếp tục học lên cao, bởi chữ học là không có điểm dừng, mà Sary thì thích chinh phục.

Từ năm 2007 đến nay, VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Sary giành được tổng cộng 18 HCV trên đường đua xanh, trong đó có 14 HCV quốc tế. Sary liên tục phá một kỷ lục châu Á và 2 kỷ lục của đại hội thể thao dành cho người khuyết tật các quốc gia Đông Nam Á. Sary là vận động viên nữ duy nhất được Hoàng hậu Malaysia trao cúp vinh danh vận động viên xuất sắc nhất đại hội.

Ngọc Lài - Hà Nguyễn