Từ vụ 1 triệu USD bị nhuộm đen ở sân bay Tân Sơn Nhất: Được mang tối đa bao nhiêu tiền ra nước ngoài?

Thứ 7, 17/09/2022 | 12:54
0
Khi ra nước ngoài để du lịch, chữa bệnh, học tập, công tác…nhiều người thường mang theo nhiều tiền mặt để tiện giải quyết công việc và sinh hoạt. Điều khiến họ băn khoăn là được mang tối đa bao nhiêu tiền khi ra nước ngoài?

Ngày 15/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ xuất lậu 1 triệu USD được nhuộm đen ra nước ngoài của 2 hành khách đi chuyến bay VJ803 khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok - Thái Lan.

Mỗi hành khách mang theo một va li, trong đó mỗi va li có 6 cọc tiền USD phủ bằng hóa chất đen. Số ngoại tệ này gồm 12 cọc (mỗi cọc gồm 10 tét, tổng cộng 10.518 tờ tiền mệnh giá 100 USD).

Số ngoại tệ nhuộn đen của 2 hành khách bị phát hiện

Sau vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, người dân khi ra nước ngoài được mang bao nhiêu tiền mặt? Nếu mang quá thì bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc của độc giả, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, tại Điều 9 Pháp lệnh ngoại hối 2005 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh ngoại hối 2013 quy định rất rõ về việc mang ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ.

Theo luật sư Thanh, theo quy định trên, cá nhân khi ra nước ngoài chỉ được mang một lượng ngoại tệ, tiền đồng Việt Nam nhất định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu mang nhiều hơn quy định thì phải khai báo với Cơ quan hải quan.

Về lượng ngoại tệ, tiền đồng Việt Nam, cá nhân được phép mang ra nước ngoài không cần phải khai báo là 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị đương đương 15.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.

“Nếu người nào mang nhiều hơn 5.000 USD hoặc nhiều hơn 15.000.000 đồng Việt Nam thì phải khai báo với hải quan cửa khẩu và xuất trình giấy tờ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, luật sư Thanh nói.

Luật sư Thanh cho hay, cá nhân vi phạm quy định về khai báo sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Nếu bị xử phạt hành chính, người vi phạm sẽ bị áp dụng Điều 10 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Cụ thể, trong trường hợp hành khách mang 1 triệu USD qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất mà không khai báo, họ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo Điều 189 hoặc Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật hình sự tùy thuộc vào hành vi của họ là vận chuyển hay buôn bán số ngoại tệ bị phát hiện.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, nhu cầu sử dụng tiền mặt khi ra nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, việc mang số lượng bao nhiêu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Tiền, nếu như cá nhân, tổ chức mang trên 15 triệu đồng hoặc trên 5.000 USD ra nước ngoài, cá nhân phải xin giấy xác nhận của ngân hàng, sau đó xuất trình giấy này để làm thủ tục khai báo với hải quan theo quy định tại Công văn 6521 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Quản lý ngoại hối.

Trường hợp mang quá số tiền mặt theo như quy định, tuỳ vào tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm có thê bị phạt tiền từ 1.000.000 – 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Ngoài ra, nếu số ngoại tệ có nguồn gốc hợp pháp thì được trả lại, trường hợp không có nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu sung công quỹ. 

Còn nếu xuất cảnh mang theo ngoại tệ vượt quá mức quy định cho phép có giá trị lớn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới theo Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có thể đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng và cao nhất là 10 năm. Tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sẽ phạt tiền thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất là 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Quỳnh An

Cùng chuyên mục

"Người đẹp Việt ngàn năm có một" nổi bật trên sân tennis với trang phục gợi cảm

Thứ 5, 16/05/2024 | 10:27
Tiểu Vy nhận được nhiều chú ý với gu ăn mặc đơn giản, cuốn hút của mình khi đi tập thể thao.

Mỹ chặn thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD vì lo ngại chống độc quyền thời trang

Thứ 5, 16/05/2024 | 10:00
Coach và công ty mẹ Kate Spade Tapestry đã công bố kế hoạch mua lại Capri vào năm ngoái.

Yamaha MT-03 2024 trình làng, giá 137 triệu đồng

Thứ 5, 16/05/2024 | 09:55
Yamaha tại Thái Lan mới đây đã chính thức trình làng MT-03 phiên bản 2024 Dark Blash, với việc cập nhật màu sắc mới tăng độ mạnh mẽ và phong cách, khẳng định chất riêng của người sử dụng.

Đột nhập mỏ kim cương "khủng", biến một quốc gia nghèo đói thành nước thịnh vượng bậc nhất châu lục

Thứ 5, 16/05/2024 | 09:52
Ước tính mỗi năm mỏ này cung cấp ra thị trường khoảng 2.100 kg kim cương.

Ths. Bác sĩ Bùi Minh Việt – “Bàn tay vàng” trong lĩnh vực tái tạo “tiểu eva”

Thứ 5, 16/05/2024 | 09:52
Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành thẩm mỹ, Ths. Bác sĩ Bùi Minh Việt đã có kinh nghiệm thực hiện hàng nghìn ca tân trang “cô bé” giúp chị em tự tin, hạnh phúc trong cuộc sống và hôn nhân.