Ứng dụng CNTT vào giáo dục, vừa mừng lại vừa lo

Ứng dụng CNTT vào giáo dục, vừa mừng lại vừa lo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
– Trong những năm qua, nhiều chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học đã đem lại những tín hiệu vui mừng cho nhiều cơ quan trường học trong cả nước. Tuy nhiên, đi kèm với những tín hiệu vui cũng có không ít… nỗi lo.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ra công văn số 6756 về việc "xóa sổ" sổ gọi tên và ghi điểm truyền thống và thay thế bằng sổ điện tử. Công văn của Bộ GD&ĐT được coi như một sự “giải thoát” cho các nhà quản lý giáo dục khi họ được tiếp cận cách quản lý hiện đại, khoa học. Thay vì trước đây giáo viên phải chép tay điểm của hàng ngàn học sinh vào sổ vừa tốn kém thời gian, công sức lại dễ sai sót thì nay nhà quản lý giáo dục chỉ việc nhập tất cả vào các phần mềm quản lý và lưu giữ.

Ngoài ra, công văn số 8773 của bộ chỉ đạo, hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra với nội dung khoa học, logic và thực tế cũng mang lại nhiều tiện lợi cho giáo viên và học sinh.

Công văn chỉ đạo đã có nhưng cái khó của trường học là việc sử dụng phần mềm nào cho "sổ điện tử", cho "ngân hàng câu hỏi". Giải quyết vấn đề này không dễ khi mà lĩnh vực giáo dục được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” cho sự ra đời của các phần mềm.

Xã hội - Ứng dụng CNTT vào giáo dục, vừa mừng lại vừa lo(Ảnh minh họa)

Chỉ xét riêng về phần mềm quản lý trường học và thống kê phổ cập giáo dục đã có đến gần 20 phần mềm khác nhau, đủ chủng loại, nền tảng công nghệ. Ngoài ra, còn hàng chục phần mềm liên quan đến giáo án điện tử, hỗ trợ giảng dạy... Tuy nhiên, đáng quan tâm là những phần mềm này đều không theo một mực nào, thậm chí không rõ nguồn gốc khiến giáo viên như rơi vào ma trận.

Một thực tế khác cũng đang diễn ra tại các trường học là việc nhiều phần mềm được đầu tư không ít tiền bạc, công sức đang bị “bỏ xó”, mà nguyên nhân của sự lãng phí này lại xuất phát từ việc phần mềm chưa phù hợp với cơ sở, chất lượng quá thấp, làm thủ công bằng tay còn nhanh hơn dùng phần mềm…

Để giải quyết tình trạng “bất đồng” này, đã có không ít những chỉ đạo của cấp trên nhưng tình trạng “mỗi vùng một phách” vẫn tiếp tục tái diễn bất chấp sự cố gắng của các cấp.

Được biết, trong suốt nhiều năm qua, mạng EduNet của Bộ GD&ĐT được coi là diễn đàn mạng mang lại hiệu quả nhất, tuy nhiên, diễn đàn này lại nhanh chóng biến mất mà chưa rõ nguyên nhân.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã mở gói thầu rộng rãi "Hệ thống phần mềm quản lý phổ cập giáo dục – chống mù chữ" nhằm xây dựng một phần mềm triển khai toàn quốc đến tận các cấp xã - huyện - tỉnh và toàn quốc. Đây được coi là tín hiệu khả quan cho ngành giáo dục, tuy nhiên, trước khi phần mềm này ra đời cũng đã có không ít câu hỏi nghi ngờ về “sức sống” của nó.

Theo ý kiến từ Bộ GD&ĐT, bộ sẽ tổ chức triển khai trong nhiều năm trước khi đưa đến từng trường học để tránh tình trạng phần mềm không thể sử dụng ở các đơn vị, chuyện đã không còn quá xa lạ trong ngành giáo dục.

Nói về chuyện đổi mới phần mềm trong giáo dục, các trường học đang mong mỏi nhận được những phần mềm chất lượng nhất từ Bộ GD&ĐT để khi ứng dụng vào thực tế những phần mềm này thực sự mang lại hiệu quả trong công tác giảng dạy, quản lý, tránh tình trạng đi vào “vết xe đổ” của những lần thử nghiệm trước đó.

Bùi Tuấn Anh