Vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục lạm thu

Vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục lạm thu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập, bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo...

Theo kết quả giám sát việc giải quyết một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị của Ban Dân nguyện nhận thấy, mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, song tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm.

Xã hội - Vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục lạm thu
Nhiều trường học vẫn diễn ra tình trạng lạm thu mặc dù biết sai quy định

Theo báo cáo của UBND 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả làm việc trực tiếp của Ban Dân nguyện với 12 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện nay, ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh ở các trường phổ thông, nhất là ở thành phố, thị xã, thị trấn, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền khác nhau để phục vụ cho các công việc như: tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh trường, lớp học, mua học cụ, mua đồ chơi..., ở các địa phương khác nhau thì các khoản thu và mức thu cũng khác nhau, tùy thuộc vào địa bàn thành thị hay nông thôn, miền núi.

Việc thu, chi các khoản ngoài học phí, lệ thí theo lý giải của Bộ GD&ĐT và một số UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết. Bởi hiện nay, học phí thu được không nhiều nhưng vẫn phải dành 40% để bảo đảm nguồn thực hiện mức lương tối thiểu chung, trong khi đó ngân sách Nhà nước dành cho chi thường xuyên của cơ sở giáo dục phổ thông còn hạn hẹp. Chính vì vậy, để có kinh phí cho các hoạt động của nhà trường, một số địa phương đã phải quy định các khoản thu ngoài học phí, lệ phí.

Riêng đối với khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập, bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo...

Ông Nguyễn Đức Hiền, trưởng ban dân nguyện đánh giá: "Việc thu, chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh”.

Tình trạng lạm thu không được ngăn chặn có hiệu quả, có thể thấy trước hết là do việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hoạt động quản lý, có những nội dung của văn bản chưa phù hợp với quy định của Luật. Điều 105 Luật Giáo dục quy định “Ngoài việc học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 thì các trường được “huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh... hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy – học...”. Mặc dù trong văn bản, Bộ GD&ĐT đã lưu ý việc huy động đóng góp phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện nhưng trên thực tế các cơ sở giáo dục đã vận dụng quy định nêu trên để huy động phụ huynh học sinh đóng góp các khoản ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh.

Các quy định hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quản lý tài chính về giáo dục. Việc quy định tất cả các cơ sở giáo dục đều phải dành 40% học phí để đảm bảo nguồn chi tiền lương tối thiểu chung, không phân biệt cơ sở giáo dục phổ thông hay giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học cũng còn nhiều bất cập. Trong khi cơ sở giáo dục phổ thông do phải thực hiện quy định này dẫn đến thiếu kinh phí cho hoạt động thường xuyên, thì ở một số cơ sở giáo dục khác, khoản trích 40% này còn dư nhưng lại không được chi cho các hoạt động khác.

Hoàng Nguyên