Vạn Phúc ngàn năm tiếng dệt cửi se tơ

Vạn Phúc ngàn năm tiếng dệt cửi se tơ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Nghề dệt lụa ở Việt Nam có ở nhiều nơi, nhưng không thể không nói tới Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), một vùng dệt lụa thủ công lâu đời và lừng danh của nước ta. Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng.

Nét đặc sắc và độc đáo của lụa Vạn Phúc chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc cho biết: Theo cuốn lịch sử của làng nghề lụa Vạn Phúc, làng xưa còn có tên gọi là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, xã Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Hiện, trên tấm bia đá ở văn chỉ của làng xây dựng từ đời Tây Sơn cũng ghi thôn Vạn Bảo, thuộc xã Thượng Thanh Oai.

Xã hội - Vạn Phúc ngàn năm tiếng dệt cửi se tơ

Sang đến triều Nguyễn, do triều đình phân định lại địa giới hành chính, xã Thượng Thanh Oai có bốn thôn là Cầu Đơ, Kiều Trì, Văn Quán và Vạn Bảo. Riêng làng Vạn Bảo nằm biệt lập bên kia Cầu Am nên đã đổi sang tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Sách các trấn tổng xã do Tổng trấn Đức Thành soạn thảo vào những năm đầu triều Nguyễn đã thấy ghi thôn Vạn Bảo, thuộc tổng Thiên Mỗ.

Đến thế kỷ 19, do kiêng húy tên vua Thành Thái (1889 - 1906) là Bảo Lân nên đổi thành Vạn Phúc như ngày nay. Sự tích còn lưu truyền tại làng kể rằng, vào thời nước ta còn đang thuộc ách đô hộ của nhà Đường (Trung Quốc), tại châu Tụ Long, dao Tuyên Quang, có một gia đình dòng dõi vua Hùng. Ông họ Hùng tên Thụy, là người tài đức kiêm toàn. Bà họ Phạm tên Khương là trang thục đức nổi danh. Ông là người hiền lành trung hậu, chăm làm việc thiện, tiếng lành vang khắp xa gần. Ông bà sinh được một người con gái, mặt hoa ra phấn, thông minh tài trí. Ông bà vô cùng yêu quý, bèn đặt tên cho là Ả Lã.

Khi lớn lên, sắc đẹp của nàng càng thêm lộng lẫy, khiến cho nguyệt thẹn hoa hờn, chim sa cá lặn. Bấy giờ, có viên sứ nhà họ Đường tên là Cao Biền rất ngưỡng mộ danh tiếng của nàng bèn tìm đến kết mối nhân duyên. Ông bà Hùng Thụy vui vẻ chấp thuận. Sau đó, Cao Biền đưa Ả Lã về phủ trị ở La Thành, phong làm Nga hoàng đệ nhị cung phi.

Cao Biền thường hay đưa bà Ả Lã đi thăm thú đất nước. Một hôm, về đến trang Vạn Bảo thấy phong cảnh hữu tình, sông ngòi chằng chịt như gấm thêu, bà liền xin với Cao Biền cho ở lại đây. Sau này, Cao Biền được triều đình phương Bắc điều động về nước, bà Ả Lã ở lại cùng dân làng Vạn Bảo dạy dân canh cửi tầm tang. Đến khi bà mất, về sau này triều đình phong kiến Việt Nam chấp thuận và ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng Hương hỏa ngàn năm không bao giờ tắt.

Hiện nay ở đình làng Vạn Phúc còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong: Đời Lê còn 3 đạo, đời Tây Sơn còn 2 đạo, đời Nguyễn còn 6 đạo. Để ghi nhớ công ơn, dân làng tôn bà làm Thành hoàng, tổ sư nghề dệt, thờ tại đình làng Vạn Phúc, lấy ngày 10 tháng Tám âm lịch (ngày sinh của bà) và ngày 25 tháng Chạp âm lịch (ngày mất của bà) làm ngày tế lễ và giỗ tổ hàng năm.

Những sản phẩm chính của làng lụa bao gồm lụa hoa, sa tanh hoa, sa tanh trơn, lụa Vân. Theo chia sẻ của ông Hùng, trước kia, các sản phẩm lụa, gấm của làng nghề chủ yếu dành cho vua quan nên các hoa văn trang trí chủ yếu là rồng, phượng... là những biểu trưng cho sự cao quý, thành đạt. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm của lụa Vạn Phúc đã tiếp cận được với đông đảo người dân không chỉ ở giá thành chấp nhận được mà ở còn ở các chi tiết trang trí. Các chi tiết trang trí trên lụa giờ đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo sự tinh tế. Thậm chí, nếu người mua có nhu cầu có thể đưa mẫu, các gia đình sẽ nhận dệt theo hoa văn của khách hàng.

Đến nay, làng lụa Vạn Phúc thu hút không chỉ khách tham quan trong nước mà còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều khách nước ngoài. Theo thống kê, mỗi năm, làng lụa Vạn Phúc đón khoảng 10.000 - 12.000 du khách nước ngoài, chiếm khoảng 30% tổng du khách dừng chân ở làng lụa này.

Đỗ Thơm