Vì sao chạy việc, khám bệnh đứng đầu danh sách phải phong bì?

Vì sao chạy việc, khám bệnh đứng đầu danh sách phải phong bì?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Bôi trơn công việc bằng phong bì, đi khám chữa bệnh không được quên lót tay cho bác sĩ lâu nay đã được nhiều người coi như "luật bất thành văn". Nó đã trở thành hành vi ảnh hưởng đến lối ứng xử của số đông trong xã hội ngày nay.

Mỗi năm, cả nước có tới hàng triệu sinh viên tốt nghiệp ra trường song vị trí công việc họ có thể chen chân vào chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, để được việc, người ta bắt buộc phải đi "cửa sau" và vượt qua các "cửa ải phong bì".

Những ngày gần đây, nhiều cái chết bất đắc kì tử ở các bệnh viện như Hóc Môn, Đăk Lắc, Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng, rúng động. Bên cạnh lí do về chuyên môn, không ít người cho rằng, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các y, bác sĩ do không được "quan tâm, chăm sóc" là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những kết quả đau lòng.

Nhịp sống - Vì sao chạy việc, khám bệnh đứng đầu danh sách phải phong bì?

Xin việc, chữa bệnh đứng đầu danh sách "cần đưa hối lộ"

Mới đây, theo công bố của hội thảo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), có 31% người tham gia khảo sát cho biết đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh, xin việc trong khu vực nhà nước. Trong lĩnh vực giáo dục, có 17 % người được hỏi cho biết phải hối lộ để con em được quan tâm hơn. Cụ thể, trung bình mỗi học kỳ các phụ huynh phải chi 1,2 triệu đồng tiền bồi dưỡng cho giáo viên, có người phải chi tới 10 triệu đồng. Còn mức chi cho bác sĩ thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng một năm.

Hành vi nhũng nhiễu của y, bác sĩ thường xuyên xuất hiện tại các bệnh viện tuyến quận, huyện. Cuộc khảo sát với những con số giật mình, một lần nữa cho thấy thực trạng hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở nước ta còn nhiều bất cập. Sự rườm rà, phức tạp trong thủ tục quản lý Nhà nước vô tình đã tiếp tay cho tốc độ gia tăng của nạn hối lộ này.

“Lót tay” là hành động đáng lên án. Nhưng trong nhiều trường hợp, khó có thể trách người dân. Bởi khi sức khỏe, công việc bị đặt lên bàn cân, họ phải tìm đủ cách để bảo đảm sự an toàn và thuận lợi cho mình. Nạn phong bì tràn lan, len lỏi vào mọi nơi chốn, ngóc ngách của cuộc sống, xã hội. Nguy hiểm hơn, nó trở nên phổ biến, mặc định ở những nơi thuộc môi trường Nhà nước. Ai có thể lí giải điều này? Các cơ quan chức năng sẽ làm gì, và đã làm đến đâu để đẩy lùi tệ nạn khủng khiếp này? Hay, trong cơ chế và đặc thù về nhu cầu việc làm ở một đất nước có dân số trẻ, dư luận nên có cái nhìn linh hoạt, đa chiều? Xung quanh vấn đề này, dư luận vẫn còn rộng đường tranh luận …

Tư tưởng xin việc của người Hà Nội còn nặng nề

Bà PhạmThị Loan - ĐBQH thành phố Hà Nội chia sẻ: "Phong bì khi đi xin việc và khám bệnh là căn bệnh thâm niên của xã hội hiện nay. Nhiều người biết nhưng không phải dám nói, hoặc có nói cũng chả làm gì được. Hà Nội là địa phương có tỉ lệ hối lộ, tham nhũng cao nhất hiện nay (50,66%-PV). Tuy nhiên, theo tôi, dư luận nên có cái nhìn linh hoạt, đa chiều hơn. Bởi đây là nơi có mật độ dân cư dày đặc nhất, các hệ thống y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Tư tưởng xin việc còn nặng nề khi luôn lấy cơ quan nhà nước là tiêu chí hàng đầu".

Không xử lý tận gốc, dân sẽ mất lòng tin

GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: "Nạn hối lộ phong bì tràn lan, phổ biến là do người ta nói nhiều, làm ít, cán bộ lãnh đạo không gương mẫu. Thượng bất chính, hạ tắc loạn là quy luật. Tôi từng biết đến chuyện xin đi dạy học ở một huyện miền núi, thuộc một tỉnh cách Hà Nội rất xa. Để trở thành con số chính thức của sở giáo dục, giáo viên nọ phải bỏ ra 100 triệu đồng để lót tay cho cấp trên, chỉ để sở hữu số tiền lương vài trăm ngàn hàng tháng. Như thế thì đến bao giờ mới có thể hoàn vốn.

Qua sự việc này, chúng ta dễ nhận thấy, bộ máy Nhà nước khó có thể tuyển dụng được những người công tâm thực sự. Nhiều người nói phụ huynh đút tiền cho giáo viên vài ba trăm ngàn chả thấm tháp vào đâu so với con số tham nhũng hàng chục nghìn tỉ đồng. Nhưng theo tôi đã là bệnh thì phải chữa trị một cách triệt để. Nếu không người dân sẽ mất lòng tin vào chính quyền, luật pháp, hệ thống giáo dục của nước nhà".

Thích vào cơ quan nhà nước là một tín hiệu đáng mừng

Theo ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm VP Quốc Hội: "Xét ở một góc độ nào đó, việc nhiều người thích vào cơ quan nhà nước là một tín hiệu đáng mừng. Vì như thế có nghĩa là họ tin tưởng vào nhà nước. Nhưng mặt khác, cần đặt ra câu hỏi, vì sao người ta sẵn sàng bỏ ra một số tiền hàng trăm triệu đồng chỉ để được ngồi ở một vị trí có mức lương vài triệu đồng mỗi tháng. Phải chăng, họ biết, vị trí đó sẽ có một cơ chế riêng, những khoản thu nhập riêng cao hơn nhiều lần so với lương cơ bản. Cho nên, nhiều công chức nhà nước, miệng lúc nào cũng kêu thu nhập thấp nhưng nhà lầu, xe hơi rất đàng hoàng. Ngoài ra, một lí do nữa để người ta chạy vào cơ quan nhà nước, đó là để có hộ khẩu tại nơi làm việc. Khi có hộ khẩu, họ sẽ hợp thức hóa được mọi tài sản ở đó".

Nạn phong bì mang lại siêu thu nhập

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ tịch ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội nhận định: "Không phải thành phố nào lớn cũng có chỉ số quản trị và hành chính tốt. Khám bệnh và xin việc là hai lĩnh vực gây bức xúc nhất hiện nay. Bây giờ đi khám bệnh, ốm đau mà không “lót tay”, đồng tiền không đi trước thì có khi tính mạng còn không giữ được. Đã có nhiều trường hợp như thế xảy ra. Chen chúc để tìm một vị trí công việc trong môi trường Nhà nước cũng là một thói quen bất cập của người Việt hiện nay.

Tuy thu nhập có khi không bằng làm ngoài nhưng không ít người vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu chỉ để đổi lấy một công việc hành chính nhàng nhàng trong một bộ ngành nào đó. Điều này bắt nguồn từ tâm lý muốn ổn định, muốn con em mình bằng bạn bằng bè. Khi việc ít, người nhiều thì tình trạng hối lộ, lót tay phong bì là điều không thể tránh khỏi. Nạn phong bì, đút lót mang lại siêu thu nhập cho nhiều người".

Lương thấp nên phải kiếm cớ nhũng nhiễu

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Hà Tuấn Trung, nguyên ủy viên ủy ban Kiểm tra T.ư khóa VII cho rằng: "Nguyên nhân của tình trạng này là do lương cơ bản của các cán bộ, công nhân viên chức còn thấp. Những người làm công ăn lương chưa có thu nhập tốt để đảm bảo cho đời sống nên phải tìm cách làm thêm. Và một trong những cách làm thêm ấy là nhũng nhiễu để kiếm cớ nhận phong bì. Có những người còn trắng trợn đòi hỏi, hoặc khéo léo đặt ra cửa ải phong bì trên lộ trình giải quyết công việc. Nhiều nguời dù không đưa ra bất cứ đòi hỏi gì nhưng khi có tiền họ cũng không ngần ngại từ chối. Cả người đưa và người nhận đều có nhu cầu, một bên muốn nhanh được việc còn một bên thì tranh thủ chút chức tước, quyền lực của mình để kiếm thêm tiền".

Chỉ kêu gọi sẽ không hiệu quả

T.S Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng đánh giá: “Giải quyết vấn nạn “phong bì” hiện nay không phải dễ, nếu chỉ giáo dục, chỉ kêu gọi mọi người thay đổi hành vi thì chưa đủ mà phải thật sự thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước ở tất cả các khâu. Thứ nữa là việc thực thi pháp luật phải nghiêm hơn. Mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, pháp luật dành cho mọi công dân, ai vi phạm cũng phải xử đúng người đúng tội. Cuối cùng điều quan trọng nhất phải giải quyết là mọi “công bộc” của dân phải đủ sống bằng đồng lương của mình chứ không thể như hiện nay “lương là phụ, phong bì là chính”. Chúng ta phải làm sao như Singapore hiện nay mỗi “công bộc” đều “không dám” và “không thể” tham nhũng.

Bích Đào - Phạm Hạnh