Vị Tết xa

Vị Tết xa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Vị tết tôi thích nhất là vị mứt gừng, làm bằng gừng già, củ to bằng bàn tay xòe ra, có lóng có đốt như những ngón tay mũm mĩm. Tôi không biết làm, chỉ thấy gần tết dì tôi thường ngồi cả ngày xâm gừng, chốc chốc lại phải ngừng, ngâm hai bàn tay đỏ au vào nước vo gạo cho đỡ nóng.

Hồi xưa chưa có bao tay bảo hộ. Làm mứt gừng gầm như hy sinh bàn tay. Gừng già rất cay. Dì có một bàn xâm lỉa chỉa kim nhọn và nhỏ như kim may. Phải xâm sao cho gừng nhả bớt chất cay ra mà không dập nát, sao cho khi sên thành mứt gừng vẫn còn nguyên củ, mũm mĩm vàng tươi, xé ra có sớ, vị cay cay ngọt ngọt. Tết nhất khách tới nhà, thường nhìn vào mâm mứt mà biết trong nhà có đàn bà con gái khéo tay.

Ấy là nói chuyện hồi xưa. Bây giờ đàn bà con gái có bao nhiều việc khác để bận rộn, thì giờ đâu mà ngồi cả ngày xâm mứt, rồi cả ngày sên mứt, rồi cả ngày phơi mứt? Nếu thất nghiệp hoặc dư dả khỏi cần bươn chải, thì đã có khối trò vui chơi giải trí, nội đi shopping cũng hết cả ngày. Vả lại ở siêu thị bây giờ cái gì không có? Ở một cái “chợ Việt Nam” hay “chợ Tàu” ở Seattle chẳng hạn, có từ mứt hạt sen đến hột dưa nhuộm đỏ, mè xửng, chè kho. Gần ngày Tết có ê hề dưa hấu, xoài, thơm, đu đủ, mãng cầu… Chỉ thiếu mứt gừng nguyên củ như ở quê tôi, có chăng là mứt gừng xắt lát kiểu mứt Tàu, hoặc xắt từng cục vuông kiểu Mỹ.

Xã hội - Vị Tết xa

Hễ xoay sở được thì tôi về Sài Gòn ăn tết. Nhưng có mấy năm bị ăn Tết ở Bellingham. Ai chưa từng biết xứ đó thì tôi tóm tắt thời tiết vào dịp Tết như vầy: 7 giờ sáng: tối thui, 8 đến 11 giờ sáng: tối mờ mờ, 12 giờ đến 2 giờ trưa: âm u, 3 giờ trưa: le lói chút nắng, 4 giờ chiều: nắng tắt, 5 giờ chiều: tối hù. Đó là một ngày đông lý tưởng, không lạnh đến đóng băng mọi thứ, không tuyết rơi, cũng không mưa rỉ rả. Nhớ sáng mùng một năm con chó, tôi đi một vòng trong xóm, nhà ai cũng có vườn, mà không tìm được một chồi non lộc nõn nào nhu nhú trên những cành cây khẳng khiu cho có vẻ xuân về. Tết mình thường nhằm cuối tháng giêng hay đầu tháng hai dương lịch, Bellingham còn ngủ vùi dưới tấm chăn xám mùa đông.

Nếu Tết nhằm cuối tuần, được nghỉ làm, người Việt ở Bellingham cũng ăn Tết, bằng cách lái xe qua Canada, thành phố Vancouver bên ấy có đông người gốc Hoa nên không khí Tết tưng bừng, hoặc đi Seattle, có khoảng một hai vạn người Việt. Có múa lân, đốt pháo. Chủ yếu là rủ nhau “ăn” một bữa no nê ở nhà hàng. Rồi vô casino thử thời vận đầu năm. Để dụ dỗ người ta vô casino, dịp Tết họ có những chương trình biểu diễn của những nghệ sĩ Á Đông và tăng cường một số món ăn Á đông trong thực đơn của nhà hàng tự chọn. Năm tết con gì đó quên rồi, người ta dắt tôi đi “ăn Tết” ở casino Tulalip, có mấy ca sĩ ở Việt Nam qua biểu diễn, tên gì tôi không nhớ, nhưng nghe nói ở Việt Nam cũng nổi tiếng lắm. Tết đó không vui, tôi kéo máy bị thua hết 100 đô.

Có những gia đình đông anh chị em, hoặc có bà con sinh sống quanh vùng vịnh Bellingham này, người ta cũng có những bữa tụ họp quây quần, cũng ăn uống chuyện trò, cũng gầy sòng đánh bạc cho vui. Thường thì ăn tết vào cuối tuần trước Tết hay cuối tuần sau Tết, nếu Tết nhằm ngày thường. Đúng ngày Tết, tính theo giờ Việt Nam, hoạt động mang ý nghĩa Tết duy nhứt là gọi điện về người thân bè bạn ở quê nhà để chúc Tết và được chúc Tết.

Vào lúc giao thừa ở Sài Gòn, Bellingham mới 9 giờ sáng. Nếu không phải ngày đi làm thì chồng tôi thường ngủ nướng đến 11, 12 giờ. (Mùa đông ở đây chỉ được mỗi cái ngủ nướng là sướng.) Một mình tôi thức dậy trước 9 giờ, thắp một nén nhang trên bàn thờ mẹ tôi, đã có bày chút đỉnh hoa trái từ hôm trước. Rồi nếu không bị bão tuyết hay đợt gió lạnh thổi từ bắc cực sang, tôi đóng bộ xuất hành.

Xã hội - Vị Tết xa (Hình 2).Ảnh minh họa

Không có đình hay chùa ở Bellingham. Tôi nhắm hướng nhà thờ Assumption. Không phải mình ba trợn về tôn giáo, đạo nào cũng theo. Chẳng qua ngày đầu năm đầu tháng tôi nhớ má tôi. Thuở sanh tiền má tin trời Phật, gọi Jesu là ông Phật Tây, Bổn đầu công ở chùa ông Bổn là ông Phật Tàu, ai cứu nhơn độ thế đều là Phật của má. Tôi vô nhà thờ bằng cánh cửa hẹp bên hông, ngồi một mình trên chiếc ghế cứng ngắc trong thánh đường trống vắng lạnh ngắt. Không cầu nguyện, không kinh kệ gì cả. Ngồi nghe tâm hồn mình một lát rồi đi.

Ông chồng thức dậy, biết hôm nay là Tết , thấy mặt tôi dàu dàu, bèn chở vô tiệm tạp hóa Á Đông, một cái tiệm nhỏ xíu dưới phố, bày mấy hộp thèo lèo bánh mứt, có mấy đòn bánh tét lấy ở Seattle về. Anh hỏi tôi mua gì về ăn Tết? Tôi nói không ăn Tết có khi đỡ buồn hơn. Nhưng rồi cũng mua một hộp mứt gừng, loại xắt lát mỏng, tráng đường, để trong hộp kiếng, nhãn in chữ Tàu. Trời lạnh giá mà có nguyên củ mứt gừng, dùng răng xé sợi, chắc ăn ngon đã đời. Nhưng kiếm đâu ra? Mấy lát gừng làm mứt kiểu công nghiệp cũng cay cay ngọt ngọt. Tới giao thừa, giờ Bellingham, vợ chồng ngồi gặm mứt gừng. Anh dỗ tôi là để xem hội sinh viên gốc Việt và cộng đồng người Việt có làm cái gì ăn tết không, mình đi ăn ké.

Có một năm, sinh viên gốc Việt trường Western Washington mượn nhà thờ Assumption làm chỗ tổ chức lễ hội văn hóa Việt Nam, không đúng chóc ngày Tết, nhưng mấy người Việt rủ đi tới đó nói là “đi ăn tết”. Màn trình diễn ấn tượng nhất là thời trang và áo dài. Phần hay nhất là lì xì và “ăn tết”. Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở địa phương, tuy ít ỏi, không giàu có, không có gì nổi bật, nhưng “em cháu” nó nhờ thì không nỡ từ chối. Lì xì chỉ dành cho con nít, trong mỗi phong bì đỏ có một đô la thôi.

Bữa cơm Tết thì có bánh tét, chả giò, mì, bún, gà quay, bò xào. Những thức ăn của người Việt bình dân, nêm nếm theo khẩu vị đại chúng, không có chế biến bày biện cầu kỳ. Thức ăn tự chọn, người nào cũng chọn mỗi thứ một chút, rồi ngồi quây quần ăn với nhau, hỏi thăm nhau. Không khí thân mật, hơi trầm lắng, hơi ngậm ngùi, nhưng trẻ con vẫn hồn nhiên cầm bao lì xì đỏ chạy lăng quăng, mấy đứa sinh viên ra sức biểu diễn văn nghệ giúp vui, cuối cùng có xổ số lấy hên.

Cũng vui chứ, phải không? Ở xứ người ta, được vậy cũng là Tết rồi. Vậy mà năm nào được về ăn Tết trong không khí tưng bừng náo nhiệt của Sài Gòn, tôi lại nhơ nhớ vị Tết xa.

Nhà văn Lý Lan

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!