Vị tướng phi công bắn rơi nhiều máy bay địch trong lịch sử Việt Nam

Vị tướng phi công bắn rơi nhiều máy bay địch trong lịch sử Việt Nam

Thứ 6, 23/12/2016 | 16:52
0
Nhắc đến Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, không chỉ trong nước, mà ngay cả báo chí nước ngoài cũng phải thán phục về chiến công lừng lẫy của vị tướng không quân này.

Ông trở thành một biểu tượng với hàng loạt kỷ lục của lịch sử không quân thế giới, trong đó phải kể đến chiến thuật “Chim cắt số 2” với MiG 21 trở thành huyền thoại.

“Chim cắt số 2” của không quân Việt Nam

Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1942 (quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những phi công Việt Nam từng được báo chí Nga ca ngợi là phi công huyền thoại. Ông là một phi công xuất sắc của Việt Nam với thành tích kỷ lục bắn hạ 9 máy bay Mỹ (gồm 3 F-4, 3 F-5, 1 F-102, 2 UAV tầng cao AQM-34A). Ông được vinh danh Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

 Cụ thân sinh của ông là Nguyễn Văn Bảy- Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Việt Yên. Trong một trận đánh tại quê hương năm 1947, cụ bị giặc Pháp bắt và hành hình tại TX. Bắc Giang (nay là TP.Bắc Giang). Mẹ ông cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, làm dân công gánh gạo cho chiến trường. Ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Cốc đã tâm niệm là lớn lên sẽ giết giặc báo thù cho cha.

Năm 1961, khi đang theo học trường Ngô Sĩ Liên tại thị xã Bắc Giang, Nguyễn Văn Cốc trúng tuyển kỳ thi chọn đào tạo phi công. Ông nhập ngũ và được đưa đi huấn luyện tại trường dự khóa máy bay ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Tháng 9/1961, ông cùng đoàn huấn luyện phi công 120 người đáp chuyến tàu hỏa từ Hà Nội sang Mạc Tư Khoa, để tham gia lớp đào tạo tại trường Không quân ở Liên Xô (cũ). Sau khi về nước, Nguyễn Văn Cốc về Đại đội 1, Trung đoàn 921 (đoàn Không quân Sao Đỏ).

Tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 921 không lâu, ông lại được chọn đi học chuyển loại máy bay MiG ở Liên Xô (cũ) một năm nữa. Kết thúc khóa học chuyển loại máy bay MiG. Giữa tháng 5/1966, Nguyễn Văn Cốc trở về nước tham gia chiến đấu cùng lực lượng không quân.

Và chỉ một tháng sau, ông đã có tên trong phiên đội chiến đấu ở sân bay Nội Bài, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào. Trong các phi đội, hai chiếc máy bay tham gia không chiến, ông được phân công ở vị trí số 2 với mục đích bảo vệ cho số 1, tiêu diệt đối phương.

Xã hội - Vị tướng phi công bắn rơi nhiều máy bay địch trong lịch sử Việt Nam

 Những thành tích của vị tướng phi công được báo cáo trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của quân chủng Phòng không Không quân

Năm 1967 đã đi sâu vào ký ức và sự nghiệp của ông như một mốc son. Ông bắn rơi 6 chiếc máy bay trong năm này, trong đó có những trận đã đi vào lịch sử của không quân Việt Nam.

Gần 9h sáng ngày 30/4/1967, có tin địch từ hướng Sầm Nưa - Tuyên Quang - Tam Đảo vào, biên đội của Nguyễn Văn Cốc được lệnh cất cánh chiến đấu. Hai chiếc MiG-21 bay vút lên vùng trời Hòa Bình, Sơn La bám đuôi địch. Phi công Nguyễn Ngọc Độ ở vị trí số 1, Nguyễn Văn Cốc ở vị trí số 2 bay lên độ cao 4.000m, cao hơn máy bay địch 1.000m. Chẳng mấy chốc đã phát hiện 4 chiếc F105 màu đen bay theo hình thang cách nhau từ 1,5 - 2 km phía dưới, phía sau là các tốp cường kích có nhiệm vụ oanh tạc mục tiêu.

Sau khi quan sát địch từ phía trên, phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ lệnh “công kích” và ra lệnh cho Nguyễn Văn Cốc tụt lại phía sau để quan sát. Ông vừa quan sát địch vừa theo dõi số 1 tăng lực vào công kích. Khi quả tên lửa từ máy bay của người đồng đội phóng ra hạ một máy bay địch, tranh thủ lúc địch chưa phát hiện, ngay lập tức ông cũng rút ngắn cự ly vào công kích.

Khi cự ly còn khoảng 2km, phi công Nguyễn Ngọc Độ ra hiệu lệnh “tốt rồi đấy, bắn đi”. Đúng lúc đó thì tên lửa ở máy bay ông cũng cho tín hiệu bắt nhiệt, Nguyễn Văn Cốc nhấn nút, quả tên lửa phụt đi, trong tích tắc ông thấy chiếc F105 bùng cháy cùng tiếng reo của biên đội trưởng “cháy rồi”. Cả hai nhanh chóng thoát ly, tập hợp đội hình và trở về sân bay.

Đó là trận đầu tiên mở màn cho những trận đánh lập công của Nguyễn Văn Cốc trong năm đó. Ông cũng là người lập công nhiều nhất ở vị trí số 2, làm thay đổi cách đánh của không quân ta khi đó. Trên nguyên tắc chiến thuật, số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát địch giúp cho số 1 vào công kích, nhưng Nguyễn Văn Cốc không những đã làm tốt điều này mà còn cùng tham gia tiêu diệt địch, vì thế hiệu suất của trận đánh rất cao, có trận hạ được tới 3 máy bay Mỹ. Để đạt được điều đó phải cực nhanh để chớp được thời cơ, nhưng đồng thời cũng phải thật chắc chắn, vì thế mọi người đã đặt cho ông biệt danh “chim cắt số 2”.

Trong thành tích bắn rơi 9 máy bay Mỹ có tới 6 chiếc được ông bắn hạ ở vị trí số 2. Cách đánh của ông không hề được dạy trong nhà trường. Thành tích của ông được ca ngợi trên nhiều báo chí phương Tây thời bấy giờ.

Nghị lực can trường của người lính Cụ Hồ

Với thành tích trên, năm 1969, ông đã được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của quân chủng Phòng không Không quân. Sau khi chiến sĩ Nguyễn Văn Cốc lên  báo cáo thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, Bác Hồ liền gọi Nguyễn Văn Cốc lên ôm hôn và nói vui: “Năm nay Bác mong muốn có nhiều “Cốc” hơn nữa!”

Ngày 18/6/1969, Đại úy Nguyễn Văn Cốc - phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 - đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Sau năm 1969, ông được yêu cầu không tham gia chiến đấu nữa mà chuyển sang huấn luyện cho các phi công mới.

Xã hội - Vị tướng phi công bắn rơi nhiều máy bay địch trong lịch sử Việt Nam (Hình 2).

 Trong cuộc sống đời thường vị tướng phi công luôn thể hiện được nghị lực can trường của người lình Cụ Hồ

Năm 1988, ông làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, hàm Thiếu tướng. Năm 1996, ông giữ chức quyền Tư lệnh Quân chủng Không quân. Tới năm 1997, ông được điều sang làm Phó Tổng Thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và sau này ông là chánh Thanh tra bộ Quốc phòng, hàm Trung tướng (từ 1999).

Và tới năm 2003, thì ông nghỉ hưu. Năm 2004, ông không may bị ngã cầu thang, cú ngã đã khiến ông bị chấn thương dây thần kinh sọ não, bị liệt toàn thân phải nằm một chỗ. Nhưng người anh hùng năm xưa vẫn kiên cường. Ngày ngày ông vẫn luyện tập. Nhờ nghị lực, sự tập luyện phi thường nên từ chỗ nằm liệt giường giờ đây ông đã có thể ngồi xe lăn, đi lại được. Ông xứng đáng với danh hiệu người lính cụ Hồ trong cả chiến đấu và trong cuộc sống thường ngày.

Trong cuộc sống thường ngày, ông luôn luôn sống giản dị, hòa đồng với mọi người. Nếu ai gặp ông mà không được giới thiệu từ đầu, có lẽ khách đến chơi không thể hình dung được, ông lão phong cách bình dị, nụ cười đôn hậu này là Anh hùng, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, nguyên Tư lệnh quân chủng Không quân, nguyên Tổng Thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam với chiến công lẫy lừng và thành tích bắn hạ  máy bay Mỹ.

 N.Mạnh