Videoclip “thảm họa” - hình thức phi văn hóa lên ngôi

Videoclip “thảm họa” - hình thức phi văn hóa lên ngôi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Càng bị lên án, các videoclip “thảm họa” lại càng có sức hút kỳ lạ, song cái giá phải trả cho những videoclip “thảm họa” này cũng quá đắt: khi mà văn hóa bị đánh cắp và thay bằng một thứ phi văn hóa đáng sợ lên ngôi.

Con số 8,4 triệu lượt người xem “thảm họa” “Nụ hôn đồng tính” trong một videoclip của nhóm nhạc HKT tại cộng đồng mạng không có gì là lạ,nó phản ánh thực trạng cộng đồng mạng đang bị mê hoặc bởi thứ phi văn hóa đáng lên án này.

Những “thảm họa” nối tiếp

Có thể gọi đó là “dư chấn” mà nhóm nhạc HKT để lại, khi minh họa trong videoclip của mình và chuyện “nổi tiếng” này vượt qua mức tưởng tượng của họ, thậm chí còn được chú ý hơn sau những tuyên bố lẫn đe dọa hành hung đồng nghiệp.

Ảnh minh họa

Các “thảm họa” khác cũng nhờ báo mạng, nhờ Youtube phát tán đi trong nháy mắt với tốc độ chóng mặt, thêm vào đó là các bài phỏng vấn chính người gieo “thảm họa” trên báo mạng được post lên khắp nơi. Không cần quảng cáo, các “thảm họa” có đất sống nhờ tính câu khách giật gân lẫn sự vô tình của cộng đồng mạng lẫn sự tiếp tay của những tờ điện tử dễ dãi.

Bằng chứng là “thảm họa” “Da nâu” tưởng đã bị chặn đứng sau những chỉ trích, tẩy chay không thương tiếc, lẫn phần giễu nhại của nghệ sĩ Thành Lộc, chẳng ai ngờ lại tiếp tục xuất hiện với mức độ báo động hơn, đầy “hào hứng” hơn.

“Thảm họa” “Teen vọng cổ” qua phần hát nhái của du học sinh Việt Don Nguyễn lại càng có sức... lan tỏa nhanh hơn với 3 triệu lượt người xem. Người ta xem, rồi cười và còn... học nhại theo nữa. Chưa bao giờ các “thảm họa” lấy được nhiều tiền lẫn sự quan tâm của công chúng mạng như thế trên các trang web âm nhạc trực tuyến, thậm chí xếp hạng “hot”.

“Nói dối”, “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”, “Mượn xe nhớ đổ xăng”,“Người ấy và con cha phải chọn” hay “Bất ngờ anh yêu người cùng phái”, “Trái tim siêu nhân Gao”, “Chàng ngố cầu hôn”, “Kiếp đánh đề”, “Kẻ cá độ”, “Đời vợ bé”... đều thuộc cấp độ 5 của “thảm họa” với ca từ nhảm nhí, nhố nhăng. Liệu người xem cười đó rồi quên, hay bị nhiễm lúc nào không biết loại nhạc độc này? “Nổi tiếng” hôm nay nhưng biết đâu hôm sau lại trở thành “tội đồ” của âm nhạc? Những câu hỏi này chỉ người góp phần cho thảm họa có đất sống trả lời được mà thôi!

Có bị lên án?

VN, chỉ trừ những kẻ phát tán băng sex bị lên án, còn những kẻ lan truyền “thảm họa” vẫn chưa bị ai đụng đến. Thậm chí càng ngày càng có nhiều những thảm họa nối tiếp nhau.

Với những trang web tiếp tay cho “thảm họa”, vẫn có cách xử lý như phạt tiền hoặc ngừng cấp phép hoạt động. Song có vẻ như nhà quản lý mạng vẫn chưa mặn mà chú ý đến lĩnh vực này, mà chỉ mải nhìn sang lĩnh vực blog. Nhưng nếu cứ để lâu dài, những “thảm họa” đủ sức tạo sang chấn về tinh thần cho một bộ phận lớp trẻ, làm hỏng thị hiếu của họ. Và khi đó, cái giá phải trả cũng quá đắt... khi văn hóa bị đánh cắp và thay bằng một thứ phi văn hóa đáng sợ khác.

Hơn ai hết, cũng cần chỉ ra những người phát tán và người xem ủng hộ hết mình với những bài hát nhí nhố phản cảm mới có thể sửa sai bằng cách ngừng ngay hoạt động trên và lên tiếng xin lỗi mọi người cũng như cộng đồng mạng.

Công Tú