“Vớt” thí sinh, nhiều trường đua nhau tiếp thị

“Vớt” thí sinh, nhiều trường đua nhau tiếp thị

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ngoài quảng cáo trên mạng, nhiều trường còn tung người về tận các vùng quê để tiếp thị nhằm thu hút thí sinh.

Từ giữa tháng 7 đến nay, rất nhiều gia đình có con thi rớt đại học đã bị rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” giấy mời nhập học trường trung cấp, cao đẳng nghề. Điều đó báo hiệu thực trạng không mấy vui vẻ trong tuyển sinh của các trường trung học, cao đẳng nghề, những trường từ trước đến nay vẫn bị gọi là top dưới với câu nói cửa miệng là “thừa thầy, thiếu thợ”.

Xã hội - “Vớt” thí sinh, nhiều trường đua nhau tiếp thị

Nhiều trường đua nhau tiếp thị

Tiếp thị về tận vùng sâu, vùng xa

Chuyện các trường đại học tiếp thị tuyển sinh trên mạng không còn xa lạ với nhiều người. Song, ở xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi như Vô Tranh (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), cách Hà Nội hơn 150 km, thí sinh trượt đại học, chỉ đạt điểm từ 10 đến 12 điểm nhận được 1 tập giấy mời nhập học trường trung cấp, cao đẳng nghề là chuyện đáng quan tâm.

Anh Từ Hồng Thái (ở thôn Mai Sưu, xã Vô Tranh) cho biết: “Hai năm trở lại đây, sau khi bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, các thí sinh dưới điểm sàn ở đây thường nhận được rất nhiều giấy tiếp thị, mời nhập học các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Nhiều gia đình không biết hướng con vào học trường nào vì vô vàn lời quảng cáo hấp dẫn.

Đặc biệt, có những tiếp thị viên còn dùng chiêu cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu trường khác để nâng cao vị thế trường mình, gây rất nhiều ác cảm cho thí sinh và gia đình”.

Theo anh Thái, có khoảng hơn 10 trường trung cấp, cao đẳng ở xung quanh địa bàn Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, thậm chí là Hà Nội về Lục Nam tiếp thị. Trong đó, nhóm ngành học liên quan đến thợ cơ khí được mời chào nhiều nhất. Tiếp đến là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, văn thư, nấu ăn, dịch vụ khác...

Thế nhưng, với trình độ dân trí thấp như ở đây, việc tiếp thị học cũng không hề đơn giản. Nhiều bậc phụ huynh còn chưa thạo tiếng Kinh nên không thể hiểu và hướng dẫn cho con chọn trường cho phù hợp. Vì thế, có gia đình ngày nhận đến 3 giấy mời nhập học một ngày nhưng cũng chỉ biết xếp vào một chỗ.

Bác Từ Anh Thắng lại có cách nhìn nhận khác về chuyện tiếp thị tuyển sinh. Theo bác Thắng, tiếp thị càng nhiều thì thí sinh càng có thêm cơ hội lựa để chọn nghề tốt, trường tốt để học. Học trường nào là quyền của thí sinh. Nhưng các bản giới thiệu, quảng cáo là tài liệu tham khảo giúp các bậc phụ huynh định hướng phù hợp hơn cho con. Việc các trường tiếp thị nhiều chứng tỏ họ rất thiếu thí sinh. Điều đó dẫn đến một cuộc chạy đua vô cùng khốc liệt.

Bác Thắng cho rằng: “Ngoài tờ giấy mời nhập học, các nhà trường cần có thêm những thông tin ngắn gọn, giới thiệu về thế mạnh của trường. Như thế, cha mẹ thí sinh sẽ dễ hình dung để gọi điện tư vấn”.

Nỗi khổ của người tiếp thị kiến thức

Anh Lê Tuấn Trương, người từng có một thời gian dài làm ở phòng giáo vụ của trường Cao đẳng nghề V -N, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tâm sự: “Chiến dịch tuyển sinh của các trường trung học, cao đẳng nghề luôn khốc liệt, bắt đầu từ khi thí sinh vừa thi xong đại học. Các cán bộ của trường bị giao chỉ tiêu tuyển sinh, phụ trách vùng tuyển sinh. Tôi đã từng đi vào tận các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa để tuyển sinh cho trường nên thấu hiểu nỗi niềm của người làm tuyển sinh các trường top dưới.

Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã làm cho các trường lâm vào cảnh khó khăn. Đã vậy, nhiều trường lại chỉ tuyển sinh những ngành học mà trường có thể giảng dạy mà không căn cứ trên nhu cầu thực tế. Dù đội ngũ tiếp thị có giỏi, năng động đến mấy mà ngành học của trường nghề không thực tế thì việc tuyển sinh cũng rất gian nan”.

Không chỉ những trường ít được quan tâm mới thực hiện tiếp thị mà năm nay, ngay cả những trường được coi là “hot” ở nhiều miền quê như trung cấp y, dược cũng tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo.

Và, xem ra, ngành y, dược đang xu hướng lựa chọn thức thời của thí sinh. Chiêu tiếp thị này của các trường liên kết đã đánh đúng tâm lý của một bộ phận cha mẹ học sinh có con thi khối B, luôn tâm niệm “nhất y nhì dược”. Họ lý giải rằng, học dược ra, nếu không kiếm được việc làm thì cũng có thể mở cửa hàng thuốc tân dược, kiếm bộn tiền.

Thầy Nguyễn Tiến Mã, nguyên hiệu trưởng trường đại học Sư phạm II, cho rằng: Giáo dục cần sự cạnh tranh nhưng không phải cạnh tranh bằng tiếp thị đơn thuần như thế. Nếu cứ tiếp thị kiểu “thủ công”, người dân sẽ có cái nhìn thiếu nghiêm túc, đúng đắn về giáo dục.

Không thể đánh giá chất lượng qua quảng cáo.

"Các trường tung ra nhiều chiêu để thu hút sinh viên nhưng thực tế thì chất lượng chưa thể khẳng định qua quảng cáo. Một số trường còn chi khá mạnh tay quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nhưng chất lượng giảng dạy thì hoàn toàn không tương xứng. Một số trường lép vế hơn trong quảng bá thương hiệu nhưng lại được đánh giá khá tốt. Vì thế, theo tôi, các thí sinh nên có sự cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn trường để theo học, thậm chí nên thao khảo ý kiến của những người đi trước", ông Nguyễn Tiến Mão, nguyên giảng viên Học viện Báo chí tuyên truyền.

Nhiều chiêu gây ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục.

Nhà trường THPT cần kết hợp với các bên tuyển sinh, đưa ra các thông tin trung thực để các em tìm hiểu và quyết định. Không nên sử dụng chiêu trò trong tuyển sinh. Chất lượng giáo dục vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chất lượng đào tạo và uy tín tấm bằng sau khi ra trường mới là động lực khiến các em đăng ký vào trường đó chứ không phải vì được miễn, giảm hay thưởng gì. Kiểu khuyến mãi và quảng bá như là mua nhà tặng ô tô hay mua điện thoại tặng sim thì chỉ nên dùng trong kinh doanh chứ đưa vào giáo dục, rất phản cảm. Đó là những chiêu rẻ tiền gây ảnh hưởng đến bộ mặt giáo dục", ông Phan Mạnh Tâm, Hiệu phó Trường THPT dân lập Phan Huy Chú (Hà Tĩnh)

NPV (thực hiện)