Xăng tăng giá, tài xế tính chuyện bỏ nghề

Xăng tăng giá, tài xế tính chuyện bỏ nghề

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Giá xăng tăng cao, nếu không tăng cước vận tải thì lỗ, còn nếu tăng thì hết khách... khiến nhiều tài xế taxi, xe ôm tính chuyện bỏ nghề.

Mấy ngày qua, từ khi giá xăng tăng lên 1.100 đồng/lít, người dân lao động nghèo ở thành thị càng thêm túng quẫn. Xăng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm manh áo của người lao động, khổ nhất là cánh xe ôm và tài xế taxi. Nhiều tài xế chia sẻ, việc xăng tăng khiến thu nhập của họ giảm, cuộc sống cũng bấp bênh hơn, thậm chí có người tính bỏ nghề vì không thể mưu sinh…

Xã hội - Xăng tăng giá, tài xế tính chuyện bỏ nghề

Nhiều lái xe taxi tính chuyện bỏ nghề vì giá xăng "nhảy múa" (Ảnh minh họa)

Chạy thì lỗ, không chạy thì khổ

Tại khu vực đỗ taxi trên đường Giảng Võ (Hà Nội), cánh lái xe taxi và xe ôm ngồi bên quán nước chè ven đường bàn tán xôn xao về giá cước xe. Từ hai hôm nay, đây là chủ đề chính trong câu chuyện hàng ngày của các anh. Mặt ai cũng buồn thiu, thi thoảng mới có người hỏi đi xe. Thế nhưng, những người trả rẻ quá thì các lái xe đều khước từ. Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự.

Bác Bùi Quốc Cường (47 tuổi ở Q1. Phường Tân Bình, TP. HCM) người đã có thâm niên mấy năm chạy xe ôm nói: “Xăng tăng cao thế này mà không tăng tiền xe ôm thì sẽ bị lỗ hoặc không có lãi. Mà lấy giá cao thì rất khó đi khách”. Bác Hùng cũng cho biết, hai hôm nay, bác từ chối nhiều cuốc xe, lý do vì khách trả rẻ quá. Nhiều người chấp nhận cảnh chen lấn để đi xe bus cho đỡ tốn kém.

Tuy nhiên, một số người vẫn tự tăng giá xe ôm để bù lại khoản tiền phải bỏ ra. Trung bình giá xe ôm tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/km. Theo phản ánh của một số người đi xe ôm không thường xuyên, sáng nay mức giá đã tăng thêm từ 10 - 15 nghìn đồng cho một cuốc xe ôm đường dài hơn 10km. Anh Toàn, chạy xe ôm khu vực bến xe Giáp Bát cho biết: “Giá xăng tăng nhưng tôi vẫn phải giữ nguyên mức giá cũ vì sợ họ chê đắt lại mất khách. Bây giờ phải chịu lãi ít đi một tý, nếu trước lãi 10 - 15 nghìn đồng/chuyến thì nay 5.000 đồng cũng phải đi. Muốn tăng cũng phải đợi tháng, tháng rưỡi nữa mới tăng được”.

Cánh xe ôm khổ một thì cánh taxi khổ mười. Xe ôm là nghề tự do, giá cước thế nào là do thỏa thuận giữa khách với lái xe. Còn taxi thì không thế, giá cước do hãng quy định. Mặc dù xăng lên nhưng lái xe vẫn chỉ được hưởng 50% doanh thu hàng ngày, xăng phải tự túc. Anh Lê Văn Hiệp, quê Hà Nam lên Hà Nội thuê nhà làm nghề lái xe cho hãng taxi Sông Nhuệ. Anh Hiệp cho biết: “Xăng tăng giá làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống chúng tôi. Với những người như tôi thì còn khổ hơn rất nhiều, vì tôi phải tính toán chi ly chuyện ăn ở sinh hoạt trên đất Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ”.

Anh Hiệp chia sẻ, tính đơn giản nhất, mỗi buổi sáng cánh taxi đổ từ 200 - 400 nghìn tiền xăng. “Định mức một xe khoảng gần 10 lít/100 cây. Tỉ lệ ăn chia thực tế hiện nay là lái xe khoảng gần 50% doanh thu, còn lại là của hãng. Hiện tại, công ty taxi Sông Nhuệ chưa tăng giá nên chủ tài xế xe phải bù lỗ. Mấy hôm nay, anh em không dám di chuyển để đón khách. Lỡ mà đón hụt một chuyến thì coi như cả ngày làm không công”.

Anh Nguyễn Tấn Hòa (37 tuổi, trú P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tài xế taxi chia sẻ, anh làm nghề lái xe được gần 3 năm nay, cứ mỗi lần giá xăng tăng là lại khiến cho anh lo lắng. “Mỗi lần giá xăng tăng thì thu nhập lại càng giảm, vì chi phí xăng dầu hàng tháng là mình tự lo, thu nhập đã không được bao nhiêu nên cuộc sống càng khó khăn hơn trước”.

Nói về vấn đề tăng giá cước taxi sắp tới, anh Hòa cho biết, việc tăng giá cước thì anh có nghe nói nhưng chưa biết ngày nào thì chính thức áp dụng. Lúc trước khi giá xăng, giá cước chưa tăng thì khách đi lại cũng nhiều, trừ chi phí xăng xe thì thu nhập hàng tháng của anh cũng vào khoảng 6 triệu đồng. Bây giờ, giá xăng tăng, giá cước cũng tăng lượng khách đi lại cũng rất ít khiến cho thu nhập bây giờ của anh chỉ vào khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. “Nói chung là giá xăng tăng, giá cước tăng thì chỉ khiến những người tài xế như mình thêm khó khăn thôi” - anh Hòa tâm sự.

Việc chuẩn bị tăng giá cước taxi trên địa bàn TP.HCM cũng khiến cho nhiều người dân thấp thỏm lo lắng. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (26 tuổi, P.26, Q.Bình Thạnh) là nhân viên văn phòng cho biết, chị thường thường xuyên đi lại bằng taxi. Sau đợt tăng giá cước này, nếu nhẩm tính thì tiền taxi phải trả cho mỗi chuyến đi của chị Anh đội lên trông thấy. Di chuyển từ đường Ba Tháng Hai (quận 10) đến bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) với đoạn đường gần 10 km, thì chị phải trả thêm 20.000 đồng cho hai lượt đi về, còn nếu xa hơn thì số tiền này cứ thế tăng thêm.

Xã hội - Xăng tăng giá, tài xế tính chuyện bỏ nghề (Hình 2).

Tiền công giảm mà cái gì cũng tăng có khi phải bỏ nghề làm việc khác”, Bác Bùi Quốc Cường chia sẻ

Thay đổi cước, doanh nghiệp lỗ tiền tỷ

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu có 5 lần tăng giá và 5 lần giảm giá nhưng 5 lần tăng giá bao giờ cũng cao hơn 5 lần giảm giá. Cứ với mức tăng giá như hiện nay, Nhà nước nên thực hiện Quỹ bình ổn, bởi Quỹ được lập ra là để khi nào xăng dầu tăng giá cao quá Nhà nước sẽ đưa ra. Đại diện một số hãng taxi như Mai Linh, Thủ Đô, Thành Công, Vinasun cũng cho biết, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống anh em lái xe taxi. Hiện tại, họ chưa đưa ra quyết định việc điều chỉnh giá cước vận chuyển.

Một lãnh đạo Taxi Mai Linh cho rằng, hãng có một lượng lớn khách hàng thân thiết nên mỗi lần điều chỉnh cước, hãng phải gửi thư thông báo. Bên cạnh đó, hãng phải xây dựng biểu giá, lập trình hệ thống, điều chỉnh đồng hồ tính cước... Các công việc này vừa tốn kém, vừa rất mất thời gian. Ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá xăng dầu phải kể đến cước vận tải. Bởi, sau khi những đợt tăng giá xăng dầu có hiệu lực, thì nhiều doanh nghiệp vận tải đã lên kế hoạch đối phó bằng cách điều chỉnh giá. Đơn cử việc các hãng taxi tại TP.HCM như Vinasun, Mai Linh, Savico sẽ bắt đầu đồng loạt tăng giá cước từ 500 đến 1.000 đồng/km. Thời gian áp dụng có thể trong 1, 2 ngày tới.

Theo quy trình, mức tăng cụ thể do các hãng quyết định, sau đó đăng ký với cơ quan quản lý và lập trình lại giá cước mới, kiểm định lại đồng hồ mất nhiều thời gian, do vậy dự kiến vài ngày tới mới có thể áp dụng giá cước mới. Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cũng cho biết, chi phí cho mỗi lần kiểm định đồng hồ, lập trình lại giá cước mới tốn khoảng 260.000 đồng/xe, và chỉ riêng 4.500 xe của hãng Vinasun thì tổng chi phí này đã mất khoảng trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ các hãng taxi sắp tăng giá cước, nhiều doanh nghiệp vận tải, xe khách trên địa bàn TP.HCM cũng đang rục rịch tăng giá. Ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc bến xe miền Đông cho biết, đến thời điểm này chưa có nhà xe nào tăng giá cước. Tuy nhiên, sau khoảng vài ngày nữa, các doanh nghiệp cũng sẽ tăng giá cước để bù đắp chi phí nhiên liệu. Ông Hải cũng cho biết thêm, mức tăng có thể từ 10% trở xuống bởi nếu tăng quá cao, nhà xe sẽ mất khách. Việc tăng giá chỉ được thực hiện khi các doanh nghiệp vận tải có bản kê khai gửi Sở GTVT và Sở Tài chính TP.HCM.

Lãnh đạo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cũng cho biết, việc xăng dầu tăng giá bắt buộc các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tăng giá cước để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cũng phải hết sức thận trọng trong việc tăng giá cước, mức tăng phải tính toán kỹ càng và hợp lý tránh mất khách hàng.

Trao đổi với P.V Người đưa tin, ông Tạ Long Hỷ- Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, kiêm giám đốc điều hành hãng Vinasun taxi cho biết, do ảnh hưởng của những đợt tăng giá xăng gần đây nên giá cước taxi của hãng Vinasun dự kiến điều chỉnh trong khoảng vài ngày tới. Theo ông, trong hai lần tăng giá trước đó vào ngày 1/8 tăng 900 đồng/lít, và ngày 20/7 tăng 400 đồng/lít, hầu hết các hãng taxi trên địa bàn TP.HCM đều không điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, sau lần điều chỉnh tăng giá xăng thêm 1.100 đồng/lít vào chiều ngày 13/8 thì các doanh nghiệp kinh doanh taxi, buộc phải tính toán đến chuyện tăng giá cước.

Quyết Thắng - Cao Tuân