Xây bảo tàng to có làm tròn sứ mệnh giáo dục?

Xây bảo tàng to có làm tròn sứ mệnh giáo dục?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Việc xây bảo tàng cho quá to không quan trọng bằng việc chính ngành bảo tàng phải tự xem xét lại hiệu quả phục vụ của mình để sửa đổi cho tốt hơn.

Như báo Người đưa tin đã nêu, mới đây, Bộ Xây dựng vừa có tờ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với tổng mức đầu tư khoảng 11.277 tỷ đồng. Có nhiều ý kiến trái chiều về triển khai dự án trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và ứng dụng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã đưa ra những kiến giải sâu sắc về vấn đề này.

Xã hội - Xây bảo tàng to có làm tròn sứ mệnh giáo dục?

GS Trần Ngọc Thêm trong buổi hội thảo tại nước ngoài

Xây dựng rồi... bỏ không?

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, trước hết chúng ta phải hiểu rằng bảo tàng là một trong những công cụ đắc lực để góp phần bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa. Thông qua lịch sử, thông qua hiện vật, chúng ta giáo dục lớp trẻ hậu thế về cách sống, về những thang bậc giá trị đạo đức ở đời. Vì sao Khổng Tử lại coi trọng kinh Xuân Thu? Vì trong kinh ấy đặc biệt chú trọng kể về các đấng vua chúa ngày xưa đã ứng xử như thế nào đối với dân chúng.

Tương tự như thế, bảo tàng dạy cho mọi người cách làm người, xây dựng xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là nơi để lưu giữ những kiến thức lịch sử cũ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nói thế để thấy được rằng, muốn xây dựng hệ giá trị cho một đất nước thì bảo tàng chỉ là một phần trong hệ thống đào tạo con người. Sẽ là đèn nhà ai nhà đấy rạng nếu không có sự kết hợp hài hòa giữa bảo tàng và các bên có liên quan, đặc biệt là hệ thống giáo dục. Các bảo tàng cần đẩy mạnh việc phối hợp với nhà trường để tổ chức những chuyến học ngoại khóa cho các em tại bảo tàng.

Điều thứ hai cần đề cập đến đó là tính thực tiễn, hiệu quả hoạt động của các bảo tàng ở nước ta còn rất hạn chế. Điều đó thể hiện rất rõ trong mối quan hệ giữa bảo tàng với công chúng. Các bảo tàng đã thật sự thu hút, thật sự làm hài lòng công chúng Việt Nam hay chưa? Ở Hàn Quốc có khá nhiều bảo tàng và họ hoạt động thật sự tuyệt vời, bảo tàng nào cũng thu hút đông đảo người dân các lứa tuổi đến xem và tìm hiểu. Vào các ngày nghỉ, ngày lễ, họ tổ chức thêm rất nhiều hoạt động thu hút khách, trong khi lại giảm giá vé tham quan, thậm chí là cho tham quan miễn phí. Trong khi ở ta hầu như chưa có bảo tàng nào làm được việc này.

Cách đây ít năm, có nơi vẫn còn áp dụng chế độ hai giá vé (người nước ngoài tính bằng tiền đô la). Áp dụng ý nghĩ kinh doanh đó vào việc quản lý bảo tàng là một việc cực kỳ dại dột. Truyền bá văn hóa không gì tốt bằng việc truyền bá cho trẻ em và người nước ngoài. Trẻ em sẽ là tương lai nước nhà sau này, còn khách nước ngoài sẽ là những tình nguyện viên đắc lực giúp ta truyền bá văn hóa sâu rộng hơn đến bạn bè quốc tế.

Cho đến nay ở Việt Nam mới chỉ có một bảo tàng duy nhất thu hút được khách ở mức độ tương đối tốt là Bảo tàng dân tộc học. Phần lớn các bảo tàng còn lại đều vắng khách, không phát huy được tác dụng như nó cần có. Bảo tàng Hà Nội mới xây hơn 2.000 tỷ đồng, dựng xong rồi bỏ không, vừa vắng khách, vừa ít hiện vật được trưng bày. Đó là một bài học về sự lãng phí không thể xem thường.

Bài học về sự lãng phí

Việc xây một bảo tàng quốc gia xứng tầm là một việc làm rất cần thiết, song theo GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, việc cấp bách hơn là ngành văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng trước hết cần chứng minh được năng lực của mình bằng cách khai thác hiệu quả hơn những bảo tàng hiện có. Điều này đặt ra vấn đề phải nghiên cứu lại cách thức hoạt động của bảo tàng, cải tiến trưng bày sao cho hấp dẫn khách tham quan, chứ nếu xây một bảo tàng thật ro, rồi lại vắng khách thì lãng phí quá. Trong điều kiện hiện nay, khi kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân đang còn chật vật, khó khăn thì chúng ta chưa nên triển khai dự án này.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm chia sẻ, xây dựng bảo tàng là rất cần thiết bởi nó mang giá trị và ý nghĩa văn hóa rất to lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là tính hiệu quả của nó. Bởi vậy, cần phải tính toán xem nên xây dựng vào lúc nào. Hiện nay, trong khi chưa chứng minh được năng lực tổ chức, quản lý và thu hút khách thì cách giải quyết ôn hòa hơn là thay vì bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng bảo tàng quốc gia. Hãy chú trọng việc cải thiện những bảo tàng sẵn có để thu hút được du khách, qua đó làm tròn sứ mệnh giáo dục để mọi người dân đều có thể hiểu được truyền thống lịch sử của dân tộc mình hơn.

Xuân Tiến