Xôn xao “công nghệ” táng mộ độc đáo ở Đồng Nai

Xôn xao “công nghệ” táng mộ độc đáo ở Đồng Nai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Loại hạt “lạ” kỳ bí đã tuyệt chủng được rắc đều trong ngôi mộ đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học.

Sau khi khảo sát sơ bộ về ngôi mộ cổ Cầu Xéo (tổ 23, khu Cầu Xéo, huyện Long Thành, Đồng Nai), các chuyên gia lịch sử, nhà khảo cổ cho rằng, ngôi mộ khá hoành tráng và bề thế. Điều này có thể nhận thấy qua những kiến trúc mang tính quy mô và cầu kỳ ở dương phần.

Mộ tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 40m2. Vòng ngoài có tường thành bao quanh cao gần 1m và còn khá nguyên vẹn. Cửa mộ mở chếch theo hướng mặt trời mọc. Theo kết quả đo đạc, mộ dài 8,5m, ngang rộng chừng 4,5-5m, dương phần hình voi phục (voi nằm chầu), biểu trưng cho sự quyền uy. Phần mui luyện hình đầu voi cao đến 1,3m, hai bên có cặp phù điêu được xây đắp theo mô- típ “lưỡng long triều dương” hoặc “lưỡng long chầu phúc” (hai con rồng chầu). Theo quan niệm thời phong kiến, tất cả tượng trưng cho sự uy nghi, linh thiêng kể cả khi họ đã thác về cõi vĩnh hằng.

Xã hội - Xôn xao “công nghệ” táng mộ độc đáo ở Đồng Nai

Bộ cối giã trầu và cúc bằng vàng được táng theo ngôi mộ cổ

“Khối bê tông” làm bằng hợp chất bí hiểm

Từ những cấu trúc đường nét hoa văn và diện tích lộ thiên, những nhận định ban đầu cho rằng, người dưới mộ phải là một vị quan tước nào đó, rất có uy quyền trong triều đình phong kiến. Cho đến nay, lớp bụi thời gian và sự vô tâm của con người đã xóa nhòa phần lớn nội dung ghi ở tấm bia đá đó. Chính vì thế, hậu thế không thể biết rõ thân thế và niên đại người thác dưới mộ là ai. Tuy nhiên, vì người dân cho rằng, có thể một bậc “đức cao vọng trọng” đang nằm trong đó nên vào những ngày lễ lạt, họ vẫn thường đến hương khói, hoa quả kính dâng.

Trở lại câu chuyện khai ngôi mộ kỳ bí. Với phần lộ thiên bằng khối bê tông rắn, những nhà khảo cổ cho rằng, mộ Cầu Xéo thuộc loại mộ hợp chất (từ đây chúng tôi sẽ thống nhất gọi là mộ hợp chất Cầu Xéo - PV). Đây là một dạng mộ mà lâu nay chúng ta vẫn thường gặp ở các vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ hoặc Nam Bộ.

Trao đổi với PV Người đưa tin, chuyên gia mộ cổ Đỗ Đình Truật (TP.HCM) cho biết, mộ hợp chất là chỉ những khối hợp chất được đúc ra để bao bọc bảo vệ phần quan tài bên trong. Thông thường, mộ được cấu tạo hai phần (trong quan, ngoài quách) và khối hợp chất là yếu tố quan trọng bảo vệ xác người bên trong quan tài. Tất nhiên, cái quyết định vẫn là kỹ thuật ướp xác nữa.

Cũng theo chuyên gia mộ cổ này, mộ cổ Cầu Xéo khiến các chuyên gia phải khâm phục. Bởi người xưa nắm rất chắc kỹ thuật pha trộn hợp chất. Đến nỗi những người thuê đào dùng búa bổ vào thì lưỡi dội ra, vỏ mộ vẫn im ỉm như pháo đài bất khả xâm phạm. Đến lúc này, đám thợ phải dùng máy khoan và xà beng làm đòn bẩy. Suốt hai ngày cật lực khoan dùi, khối “bê tông” bí hiểm kia mới chịu di chuyển.

Điều khiến các nhà khảo cổ bất ngờ là riêng lớp “vỏ” ngoài cùng này cũng được cấu tạo đến ba phần theo tỉ lệ từ ngoài vào là 8cm-10cm. Trong đó, lớp ở giữa là cứng và dai nhất. Sau này, khi các nhà khoa học phân tích mẫu hợp chất mới phát hiện ra, trong lớp vỏ này chứa lẫn lộn rơm, vỏ sò, san hô biển. Tất cả được thợ xưa nghiền nát đem trộn với cát, nước và loại nhựa cây ô dước hoặc cây bời lời. Đây là những loại cây được xem là “xi măng” của thời kỳ phong kiến cổ. Chúng sống ở miền Trung và Nam của nước ta. Những nhà khảo cổ cho rằng, đối với mộ hợp chất bình thường thì chỉ được đổ một lớp nhưng mộ Cầu Xéo có đến ba lớp. Chính vì thế, đây là trường hợp đặc biệt, thể hiện sự “kỹ tính” của người thợ xưa.

Theo một người dân chứng kiến cuộc khai quật mộ kể lại, sau khi bóc được lớp “áo” bên ngoài, khối quách sừng sững hình chữ nhật lộ ra. Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì không hề có sự rò rỉ nước vào bên trong. Trong khi các ngôi mộ cổ, phần quách thường chỉ làm bằng gỗ thì ở ngôi mộ này lại đúc bằng hợp chất. Thành hợp chất dày 40-50 cm, tương đương với độ dày hai viên gạch thông thường nối tiếp nhau.

Có người cho rằng, sở dĩ người xưa xây kiên cố như vậy vì họ đã tính đến phương án chống sự xâm phạm của bọn trộm mộ. Như vậy, để chạm tay được vào quan tài, các nhà khảo cổ phải mở đến năm lớp “áo”. Tất cả đều kiên cố và nguyên vẹn như lúc vừa được táng. Có lẽ đây là một bí quyết xây hầm mộ hết sức kỹ lưỡng và cầu kỳ, chỉ những người quyền quý hay quan tướng triều đình mới có được.

Xã hội - Xôn xao “công nghệ” táng mộ độc đáo ở Đồng Nai (Hình 2).

Đã trải qua hơn 200 năm nhưng bộ xương vẫn còn nguyên vẹn

Ngôi mộ của dòng dõi hoàng tộc?

Khi các nhà khảo cổ phá được hết quách, phần quan lộ ra với tấm minh tinh (lụa quý) có thêu hoa, dệt gấm phủ toàn phần quan. Tấm thiên gỗ hình trụ bằng gỗ đặc hình bán nguyệt, úp xuống miệng quan tài. Họ hồi hộp cạy nắp quan tài để mục sở thị tử thi nằm trong đó. Khi nắp quan vừa được lật thì cũng là lúc các nhà khảo cổ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Phần xác người bên trong về cơ bản vẫn còn giữ được nguyên trạng. Các phần xương sọ, thân và chi cũng như những di vật táng theo vẫn ở nguyên vị trí. Đó là xác một người phụ nữ nhỏ nhắn đang ngập trong khối hỗn hợp nhão màu đen, đặc sánh. Và như thế, không như dự đoán bấy lâu, ngôi mộ bề thế, uy phong tưởng chỉ dành cho bậc quan tướng kia lại cất cho nữ giới. Đây là một sự hiếm thấy từ trước tới nay.

Theo một chuyên gia khảo cổ trực tiếp khai quật mộ cho biết, mặc dù phần thịt tiêu biến nhưng xương vẫn nguyên bộ. Từ hộp sọ cho đến các chi đều vàng óng màu mật ong. Việc này cho thấy, cái hỗn hợp đặc sánh đó đã có tác dụng bảo quản xương cốt tốt đến mức nào. Chính nhân được khâm liệm với hơn mười lớp áo bằng lụa nhiều màu. Tuy y phục chủ nhân bị mục nát kết dính nhau thành khối, nhưng vẫn còn có thể nhận rõ nhiều lớp lụa, gấm thêu, in hoa rất cầu kỳ. Quan sát kỹ, còn thấy có cả lụa màu hồng (màu phổ biến của giới quý tộc dùng thời trước).

Không những thế, người nằm trong mộ vẫn còn tóc, chân gác trên gối vuông, bọc da thú màu đen. Bàn chân mang đôi hài mũi thon cong, có hoa thêu chỉ vàng. Hình ảnh mà ta thường thấy ở người phụ nữ quyền quý thời phong kiến. Và điều khác biệt so với các ngôi mộ cổ từ trước đến nay là suốt toàn thân của xác được phủ đầy một lớp lá sen. Không hiểu sao hàng trăm năm qua, loại lá mềm tựa lá khoai môn ấy vẫn còn y nguyên cả gân lá.

Nhưng điều khiến các nhà khảo cổ tiếc nhất là không thu được bất cứ thông tin gì để xác định được người dưới mộ là ai. Họ chỉ có thể suy đoán, đó là người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, cao khoảng 1,63m, răng nhuộm đen và thọ khoảng 60 tuổi. Manh mối duy nhất là chữ “Hoàng” và dòng chữ “Phu nhân chi mộ” trên tấm bia đá màu đen bị đục khuyết gần hết. Đây là căn cứ để các nhà khảo cổ xác định đây không phải là mộ của thường dân. Chữ “Hoàng” chỉ được gắn với người quyền quý. Thường ngoài vua ra thì vợ hoặc con của vua mới có được.

Còn cụm từ “Phu nhân chị mộ” có nghĩa là mộ của phu nhân. Như thế người nằm trong mộ chắc chắn là vợ của một vị quan tướng nào đó rất lớn trong triều đình, gần gũi với vua. Những vật dụng cũng như trang phục đều quý (cúc áo cũng được xác định là làm từ vàng Tây, chân đi hài vểnh mui, kèm theo áo gấm lụa là). Một thường dân bình thường khi chết chẳng thể nào có được. Các nhà khảo cổ cho rằng, ngôi mộ có niên đại khoảng hơn 200 năm. Nếu xét lịch sử miền Nam mới có hơn ba thế kỷ thì đây là ngôi mộ giai đoạn đầu của công cuộc khẩn hoang Nam Bộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Du, giám đốc Bảo tàng Đồng Nai cũng suy đoán rằng: “Rất có khả năng người nằm trong mộ có liên quan đến hoàng tộc của Nguyễn Ánh. Thời kỳ xiêu bạt phương Nam do quân Tây Sơn truy đuổi vào cuối thế kỷ 18”.

Mộ cổ từng bị trộm “viếng thăm”?

Những người sống quanh ngôi mộ cổ cho biết, người ta từng đồn đoán dưới ngôi mộ cổ có chôn theo tài sản quý. Trước đây đã từng có nhóm người lạ đến hỏi dò về ngôi mộ này. Những khảo sát ban đầu của các nhà khảo cổ cũng cho thấy, mộ không còn nguyên vẹn. Phần mui luyện bị băm nát, bên hông mộ có rãnh đào ngang hòng xâm phạm huyệt mộ. Một phần đầu của ban thờ thổ địa và tượng linh thú chầu bên hông mộ đã bị mất. Kiểm tra kỹ hơn, các nhà khảo cổ nhận thấy, cách đó không xa có dấu tích một ngôi mộ cổ bị phá. Bởi vì có còn đó những hợp chất vương vãi quanh bãi đất. Rất có thể bọn trộm mộ đã cố tình đào bới ngôi mộ. Tuy nhiên, vì hợp chất bảo vệ quá cứng nên đành bỏ cuộc.

Kỳ Anh