Xuân ý nghĩa về trên 'ấp hiến máu' cứu người ở Hậu Giang

Xuân ý nghĩa về trên 'ấp hiến máu' cứu người ở Hậu Giang

Thứ 5, 19/01/2017 | 16:14
0
Ở cái ấp quê ven sông, từ bác nông dân, chị đưa đò, anh công nhân xa nhà… đều xem việc hiến máu như một nhiệm vụ “gọi là sẽ đi”.

“Ấp hiến máu” bên dòng Xà No

Ấp hiến máu” (ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) những ngày cận Tết nhộn nhịp với vụ mùa bội thu. Thời điểm này, trên các cánh  đồng, ngoài niềm vui được mùa, người dân ấp 4A râm ran với nhau kỷ niệm sau những lần đi hiến máu.

Bên ấm trà buổi sáng, ông Huỳnh Văn Có, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ ấp 4A (Thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) chia sẻ: “Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, chài lưới, làm thuê, đưa đò… Trình độ cũng không cao nên nhận thức về việc hiến máu thực sự rất hạn hẹp”.

Vì nhận thức còn hạn chế, nhiều người trong ấp nghĩ hiến máu sẽ bị bệnh. Thế nên, những cán bộ như ông Có, anh Thạch Út (Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên dân tộc ấp 4A) dành nhiều thời gian động viên, tuyên truyền. Với ông Có, những ngày đầu vận động người dân trong ấp đi hiến máu thật nhiều kỷ niệm.

“Lúc gặp bà con, tôi lấy mình ra làm ví dụ. Tôi nói, tôi ốm tôi già nhưng vẫn đi hiến máu được. Thế nên, bà con cứ yên tâm cho con em, thanh niên trai tráng đi hiến máu giúp người. Để tạo niềm tin, ngay đợt đầu, tôi đăng ký hiến máu cùng bà con”, ông Có nhớ lại.

Xã hội - Xuân ý nghĩa về trên 'ấp hiến máu' cứu người ở Hậu Giang

 Anh Thạch Út chia sẻ kinh nghiệm hiến máu với người dân.

Ông Có gầy còm, xét về tiêu chuẩn cân nặng là không thích hợp để hiến máu. Nhưng để thuyết phục bà con, ông nhét đá vào túi quần cho đủ cân nặng. Bà con thấy ông cho máu thật, ai cũng vỗ tay. Về nhà, người này nói người kia nghe. Tự khắc, mỗi người đều có nhận định hiến máu không nguy hiểm. Thế nên, đến đợt thứ hai, ông Có đi vận động nhẹ nhàng nhưng thu được kết quả ngoài sức mong đợi. Cũng như ông Có, anh Thạch Út cho biết: “Trước đây, anh tôi bị bệnh hiểm nghèo. Hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn nên ba mẹ không có tiền mua máu. Mọi người chỉ biết đứng nhìn anh lâm vào nguy kịch”.

Trong lúc thắt ngặt, cả nhà anh Út bắt đầu suy sụp thì nhiều người trong bệnh viện tình nguyện hiến máu. Từ đó, anh Út rất cảm kích, ngưỡng mộ hành động hiến máu cứu người.

Đến năm 2004, Xã đoàn Tân Hòa (nay là thị trấn Bảy Ngàn-PV) thành lập Chi hội Thanh niên dân tộc ấp 4 (hiện nay là Chi hội Thanh niên dân tộc ấp 4A-PV), anh Út được bầu làm chi hội trưởng. Chi hội được thành lập nhằm vận động thanh niên trong xóm ấp tham gia hiến máu nhân đạo.

Anh Út nhớ lại: “Ban đầu, tôi đến đâu vận động bà con đều đuổi về. Họ sợ hiến máu sẽ bị lây bệnh. Máu là huyết mạch của con người, sợ thay đổi sẽ mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi thường lấy trường hợp của anh trai để mọi người đồng cảm. Từ đó, mọi người thấy ý nghĩa của việc hiến máu, cũng như lợi ích của việc hiến máu mà chủ động, vui vẻ tham gia. Nhiều người thấy tôi và một số bà con tham gia hiến máu đều khỏe mạnh, họ mạnh dạn hưởng ứng ở đợt hiến máu kế tiếp”. Riêng anh Út, tính đến nay, anh đã 25 lần hiến máu.

Thông qua vận động của anh, 35 thanh niên trong chi hội chủ yếu làm ruộng, làm thuê, đưa đò, công nhân… đều tham gia hiến máu. Mỗi người ít nhất cũng 6 lần, còn đa số đã cán mốc 10-20 lần hiến máu. Gom góp từ các đợt vận động của ông Có và anh Út, ấp 4A có hơn 50 hộ gia đình có người thường xuyên tham gia hiến máu. Trong đó, 5 người đăng ký làm thành viên cho ngân hàng máu sống. Bất kỳ lúc nào cần, họ đều có mặt và cống hiến những giọt máu hồng quý giá, giúp người vượt qua cơn nguy kịch. Thành tích này đưa ấp 4A đứng đầu huyện Châu Thành A và trở thành “ấp hiến máu” thân thương.

Xã hội - Xuân ý nghĩa về trên 'ấp hiến máu' cứu người ở Hậu Giang (Hình 2).

 Ông Có, người cán bộ tích cực trong công tác vận động hiến máu.

   

Tấm lòng của người hiến máu

Tình thân thương của “ấp hiến máu” không chỉ ở cán bộ tận tâm, nhân ái mà còn đẹp đẽ hơn ở những con người bình dị tham gia hiến máu cứu người. Như trường hợp chị Thạch Thị Marina (ngụ ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang), mưu sinh bằng nghề đưa đò qua kênh xáng Xà No. Cái nghề nghe thôi đã biết không đủ ăn và dạn dày mưa gió, trùng điệp nguy hiểm. Mỗi ngày, chị đưa đò chỉ đủ trang trải bữa cơm, chiếc áo cho con đến trường. Bữa nào nghỉ đưa đò, chị “mất” bữa no. Ấy vậy, khi nghe anh Út vận động, chị hào hứng tham gia.

Chị nói: “Mình nghèo, cái quý nhất là sức khỏe. Người ta giàu, bệnh có tiền chữa. Mình nghèo nằm xuống lấy ai lo cho con. Bởi vậy, tôi nghĩ hôm nay mình hiến máu cho người cần. Mai sau, mình có bệnh tật, ắt sẽ có người thương mà san sẻ lại. Nói thật, lúc đầu, khi anh Út vận động, tôi cũng lo, sợ. Hơn nữa, nếu tôi bỏ một bữa đưa đò, biết lấy tiền đâu mà mua gạo. Anh Út nói anh hiến máu nhiều lần nhưng vẫn khỏe mạnh. Tôi thấy cũng yên tâm. Lần đầu, tôi mang tâm lý là đi thử. Mấy lần sau, nghe anh Út kêu là tôi đăng ký đi liền”.

Đến nay, chị Marina cũng hiến được 9 lần và sức khỏe vẫn dẻo dai. Lâu lâu, người dân trong xóm thấy người khác đưa đò thì ai cũng biết chị lên bệnh viện huyện hiến máu. Có đợt, thấy chị tiều tụy, anh Út không nhắc chị đi hiến. Biết tin, chị giận anh Út mấy ngày liền. Với anh Kiên Nhựt (ngụ ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang), hiến máu lại là kỷ niệm đẹp của mỗi lần về thăm quê.  Anh cho biết: “Tôi làm ở TP.HCM, tiếp xúc nhiều phương tiện thông tin đại chúng nên biết hiến máu là việc tốt. Tôi đăng ký tham gia nhưng mẹ tôi không cho”.

“Mẹ sợ tôi hiến máu sẽ không đủ sức đi làm nữa. Mẹ làm căng lắm. Tới ngày hiến máu, tôi nói với mẹ là đi chơi với bạn. Tôi ra cổng chùa, các anh lấy xe chở tôi với bà con lên huyện hiến máu. Lúc trở về, tôi nhẹ nhàng thuật lại cho mẹ nghe. Mẹ tôi không giận mà còn nói “mẹ già rồi chứ không cũng đi hiến máu cùng bà con”, anh Nhựt hồ hởi chia sẻ thêm. Từ đó, mỗi lần về quê mà trùng đợt bà con đi hiến máu, anh Nhựt lại đăng ký tham gia. Anh Nhựt luôn mong muốn những giọt máu quý giá của mình được tiếp sức cho những người cần nó.

Còn với anh Trần Thế Nhân (SN 1974, ngụ ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang), hiến máu trở thành một phần không thể thiếu. Anh Nhân cho biết: “Tôi quanh năm chỉ biết làm thuê cho vườn, đâu biết tới mấy việc hiến máu có ích, có hại thế nào. Nhưng từ hồi chú Có sang vận động, tôi đi thử, thấy sức khỏe bình thường. Đi hiến máu còn được khám bệnh miễn phí, tôi thấy việc này vừa thuận tiện lại ý nghĩa. Bỏ một bữa làm vườn mà cứu được một mạng người, tôi thấy còn gì bằng. Lâu lâu, tôi phải được hiến máu, chứ không thấy thiếu thiếu, khó chịu lắm”.

Xã hội - Xuân ý nghĩa về trên 'ấp hiến máu' cứu người ở Hậu Giang (Hình 3).

 Anh Trần Thế Nhân, một người nông dân chân chất, tích cực trong hoạt động hiến máu cứu người.

Sau một vòng dạo quanh “ấp hiến máu”, ngồi tựa gốc bàng, anh Thạch Út nhìn ra dòng kênh xáng Xà No, rồi bộc bạch: “Tôi hiểu cảm giác hạnh phúc người thân vượt qua nguy kịch là như thế nào. Nên, mỗi ngày, tôi cố gắng vận động thêm nhiều người dân tham gia hiến máu. Thêm một người hiến, thêm một cơ hội cho người cần, và thêm cơ hội để người thân, gia đình họ bên nhau thêm vài mùa xuân an lành”.

“Ấp hiến máu” tràn đầy yêu thương

Ông Phạm Văn Mảnh, Trưởng ấp 4A (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: “Nhà nào ở ấp 4A đều có ít nhất 1 người tham gia hiến máu. Ban đầu, nhiều người e ngại nhưng sau đó ai cũng tích cực tham gia. Từ đó, cán bộ không cần nhắc, bà con cũng tự đăng ký tham gia. Hễ trong xóm ấp có ai bị bệnh, những thành viên của “ngân hàng máu sống” đều nhiệt tình hỗ trợ hiến máu. Những giọt máu hồng quý giá không chỉ phục vụ cho bà con trong tỉnh mà còn lan tỏa ra nhiều vùng miền của đất nước”.

Ngọc Lài

Cùng tác giả

Tìm lại trái châu trị giá 350 triệu đồng bị đạo chích lấy trộm bán 13 triệu đồng

Thứ 2, 14/09/2020 | 12:36
Lợi dụng đêm tối, Trần Văn Thọ lẻn vào lăng Ông, trèo lên nóc Bia Đình lấy trộm trái châu quý hiếm trị giá 350 triệu đồng. Tuy nhiên, Thọ đem bán món cổ vật vừa trộm được chỉ với giá 13 triệu đồng cho Trần Hiền Sĩ.

Long An: Xác minh nghi vấn con gái đổ chất thải lên đầu mẹ già

Thứ 2, 07/09/2020 | 11:54
Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định, sự việc con gái nghi xúc phân đổ lên đầu, đánh đập mẹ già xảy ra tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Hỗn chiến trên bàn nhậu, “ma men” rút dao sát hại người đến can ngăn

Thứ 6, 04/09/2020 | 16:14
Trong lúc nhậu, nhóm thợ hồ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Không muốn xảy ra chuyện không hay, người trong nhóm gọi điện cho anh T. đến để hòa giải. Nào ngờ, sau ít phút nói chuyện và tiếp tục tiệc rượu, những người này lại lao vào hỗn chiến. Trong lúc xô xát, Lê Quốc Tuấn cầm dao đâm người đến hòa giải khiến nạn nhân tử vong. Gây án xong, Tuấn trốn về quê.

Mẹ bị cáo vận chuyển gần 64kg ma túy ngã quỵ khi nghe tòa tuyên con trai tử hình

Thứ 2, 24/08/2020 | 11:20
Do ảnh hưởng dịch bệnh covid – 19, mẹ bị cáo Trương Quốc Cường chỉ có thể đứng bên ngoài phòng xét xử theo dõi diễn biến. Đúng ngọ, tòa tuyên bản án tử hình đối với bị cáo Cường vì hành vi vận chuyển gần 64kg ma túy. Biết con không thể thoát án tử, mẹ Cường òa khóc, ngã quỵ.

Gã nghiện sát hại người phụ nữ bị liệt nửa người từng đâm công an bị thương

Thứ 2, 24/08/2020 | 10:59
Nghiện ma túy nặng, Nguyễn Quang Thoại thường xuyên trộm cắp để có tiền “nướng” vào cái chết trắng. Sáng sớm 23/8, Thoại lẻn vào nhà bà Nguyễn Thị Kim Th. để trộm, rồi sát hại nạn nhân. Trước đó, cuối năm 2019, trong lúc trộm vịt bị truy đuổi, Thoại đâm 1 chiến sĩ công an bị thương rồi bỏ trốn.