Cuộc tái hôn hy hữu trong lịch sử Trung Quốc

Cuộc tái hôn hy hữu trong lịch sử Trung Quốc

Thứ 2, 06/05/2013 | 15:31
0
Câu chuyện xảy ra vào thế kỉ thứ 9, lúc đó miền Bắc Trung Quốc chịu sự thống trị của nhà Tuỳ mạnh mẽ, ở miền Nam thì cùng lúc tồn tại nhiều nước nhỏ, nước Trần với đô thành ở Kiến Khang (thành phố Nam Ninh hiện nay) là một trong những nước nhỏ này.

Chính quyền nhà Tuỳ nhìn chằm chằm vào các nước nhỏ ở miền nam, sẵn sàng thống nhất cả Trung Quốc.

Từ Đức Ngôn là quan thị tùng của nhà vua Trần Thúc Bảo nước Trần, ông lấy công chúa Lạc Xương- em gái của nhà vua làm vợ, hai người đằm thắm với nhau. Nhưng được một thời gian, triều chính nước Trần ngày càng hủ bại, Từ Đức Ngôn dự đoán và nhìn thấy trước sự diệt vong của nhà Trần nên hết sức lo lắng. Ông hết sức khuyên nhủ Trần Vương chăm lo cho chính sự nhưng không thành.

Một hôm, thấy thế sự loạn đã đến tới chân, Từ Đức Ngôn mới buồn rầu nói với vợ: "Tai hoạ thiên hạ rối loạn có thể xảy ra nay mai, khi đó anh phải bảo vệ nhà vua, vợ chồng chúng mình buộc phải ly tán. Nếu chúng ta sống, thế nào cũng có dịp gặp nhau. Chúng ta nên để lại một đồ làm chứng để sau này gặp lại".

Luật sư - Cuộc tái hôn hy hữu trong lịch sử Trung Quốc

Tích truyện "Gương vỡ lại lành" là bài học răn dạy người đời về tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung không thay đổi.

Công chúa Lạc Xương đồng ý với nhận xét và đề nghị của chồng, bèn lấy một chiếc gương đồng yêu thích hằng ngày vẫn dùng để trang điểm, đưa cho người thị tì đi bổ làm đôi, một phần giữ lại cho mình, một phần đưa cho chồng. Từ Đức Ngôn còn cẩn thận dặn vợ: "Nếu chúng ta ly tán, cứ đến ngày rằm tháng riêng hằng năm, thì anh sẽ đi dò la tin tức của em, lấy nửa cái gương của anh làm bằng chứng, đoàn tụ với em".

Quả như dự đoán của họ Từ, mấy năm sau, Tuỳ Văn Đế Dương Kiên đã thống nhất miền bắc Trung Quốc, chuẩn bị mở một cuộc tấn công lớn vào đô thành Kiến Khang của nước Trần. Nước Trần bé nhỏ nhanh chóng bị tiêu diệt, Từ Đức Ngôn hộ tống Trần Thúc Bảo trốn khỏi kinh thành nhưng không thoát. Trong lúc rối loạn, vua bị bắt và giết, ông may mắn được một người có ơn trước đó cứu thoát nhưng phải chịu cảnh trốn chạy, mai danh ẩn tích trong thiên hạ.

Về phần công chúa Lạc Xương, sau khi đô thành gặp loạn, nàng bị bắt. Để khen thưởng cho những người có công đánh chiếm nước Trần, nàng bị Tuỳ Văn Đế thưởng cho đại thần Dương Tố làm vợ lẽ. Nàng một mực không chịu nhưng đến giờ lành, vẫn bị đám thị nữ khiêng lên kiệu về nhà chồng ở kinh đô Đại Hưng nhà Tùy (nay thuộc Tây An, tỉnh Thiểm Tây ngày nay).

Từ Đức Ngôn tuy chạy trốn nhưng vẫn thường xuyên dò la tin tức của vợ. Khi có tin nàng đã bị ép gả cho Dương Tố rất lấy làm đau buồn nhưng khi nhìn mảnh gương đồng vẫn mang theo mình liền thấy tin trở lại, lặn lội đường dài đến đó và dò la chỗ ở cụ thể của vợ.

Phần Lạc Xương, tuy sống xa hoa trong quan phủ nhưng ngày ngày vẫn rầu rĩ như cánh hoa úa, chẳng buồn chăm chút dung nhan, vò võ trong khuê phòng. Lúc buồn, lúc vui nàng đều lấy tấm gương ra để soi lại cảnh mặn nồng vợ chồng trước đó. Dương Tố vốn cũng là kẻ quân tử nên tuy đã được làm lễ vợ chồng trước sự chứng kiến của Tuỳ Văn Đế và bá quan đồng hạng, thấy người đẹp ủ rũ mày hoa cũng không ép chuyện chăn gối, lại còn cho nàng được tự do đi lại trong thành, cất cử người đi theo hầu hạ.

Nhớ lời dặn của chồng cũ, đến ngày rằm tháng giêng năm đó, nàng mới dắt thị nữ đi chơi hội. Đến nơi, mới đưa cho người thị nữ mảnh gương đồng rồi bảo bày bán cùng nhiều thứ đồ trang sức khác. Thấy mảnh gương chẳng lành, khách khứa đều bỏ qua không thèm ngó. Nàng cứ đứng lặng lẽ một góc quan sát kín đáo.

Từ Đức Ngôn cũng y lời, vào trong hội, thấy có người bán một nửa tấm gương với giá đắt bèn hỏi mua. Người bán gương mới bảo: “Vật này không bán, chỉ để tặng cho người có thuỷ có chung". Đức Ngôn cầm tấm gương trong tay quan sát kĩ thì thấy quả nhiên giống phần còn lại của mảnh gương mình có, khi lấy ra ráp lại thì khớp nguyên. Suy nghĩ hồi lâu, Đức Ngôn mới lấy trong tay áo ra một mảnh vải lụa, viết mấy dòng gửi cho người bán hàng. Lạc Xương công chúa đứng từ xa quan sát, phần nào đã nhận ra chồng cũ, nước mắt lưng tròng nhưng chưa rõ lòng người thế nào đành cứ đứng nguyên vậy mà không dám ra nhận mặt.

Tan hội, người thị nữ mới đưa cho công chúa tấm thư của khách. Công chúa mới mở ra thì thấy đề: "Kính dữ nhân câu khứ, kính quy nhân vị quy. Vô phục Thường Nga ảnh, không lưu minh nguyệt huy". Ý than trách móc, gương và người cùng đi mất, bây giờ gương trở về rồi mà người thì vẫn chẳng thấy đâu. Giống như vầng trăng không có bóng Thường Nga mà chỉ có ánh sáng lạnh lẽo.

Đọc xong, công chúa cứ khóc mãi mà chẳng chịu ăn uống gì mấy ngày liền. Dương Tố mới lấy làm lạ, gạn hỏi sự tình, nàng chân tình kể lại chuyện xưa. Xúc động vì nghĩa vợ chồng qua loạn lạc không thay đổi, Dương Tố mới cho người đi tìm Từ Đức Ngôn đến trao trả lại người. Lại còn cho thêm kinh phí để vợ chồng về quê làm ăn sinh sống. Vợ chồng Từ Đức Ngôn, Lạc Xương vái tạ ơn đức của Dương Tố rồi trở về chốn cũ sống cuộc đời bình dân.       

Luật sư - Cuộc tái hôn hy hữu trong lịch sử Trung Quốc (Hình 2).

Tuỳ Văn Đế tuy là bậc đế vương nhưng lại không thấu đáo tình người, đem vợ người gả cho kẻ khác, âu cũng là một cái tội.           

Luật nay: Tuỳ Văn Đế phạm tội cưỡng ép kết hôn

Từ câu chuyện vợ chồng công chúa Lạc Xương, Từ Đức Ngôn hợp rồi lại tan, người đời sau mới có câu "gương vỡ lại lành" để nói về tình nghĩa vợ chồng phải trải qua những biến cố, loạn lạc mà vẫn giữ nguyên kiên trung. Kể ra cũng là một điển tích hay để răn dạy người đời sau sống trọn đạo với nhau, không vì những hiềm khích, những khó khăn mà chia loan sẻ phượng, thậm chí đã chia lìa rồi cũng phải tìm cách nối lại cho uyên ương liền đôi, thư cưu trọn lối.

Đấy là chuyện xưa, ở một đất nước cách chúng ta hàng ngàn cây số, nếu soi vào xã hội của chúng ta hiện nay, bài học về đạo nghĩa vợ chồng ấy cũng vẫn mang nghĩa tích cực. Tuy nhiên, nếu xét theo luật, cũng có những điều khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ.

Tuỳ Văn Đế là bậc đế vương, là kẻ chiến thắng trên chiến trường. Vì để cổ vũ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ của mình, ông đã đem vợ con của những kẻ bại trận ép gả cho những kẻ có công, bất chấp những tiếng than khóc, sự chống đối của những người đàn bà chân yếu tay mềm. Là bậc nam nhi đại trượng phu, đến một cánh hoa cũng không nỡ vùi dập, vậy mà đứng trước những bậc nữ nhi, cả đời chỉ quanh quẩn trong cung cấm, đâu biết cuộc đời xô bồ hỗn tạp bên ngoài, ông vẫn lạnh lùng ra quyết định. Với người xưa, việc chia rẽ vợ chồng đã là một việc vô đạo, bị phán xét trên khía cạnh đạo đức. Kẻ chồng chết thì phải thủ tiết chờ chồng, huống hồ gì chồng người ta đang còn sống lưu lạc trong thiên hạ đã đem ép gả cho người khác, việc làm của Tuỳ Văn Đế không khỏi khiến người dân bất bình.

Nếu xét theo luật ngày nay ở Việt Nam, hành vi của Tuỳ Văn Đế sẽ bị khép vào Điều 146 BLHS về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Theo điều luật này, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Như vậy, nếu khép theo đúng luật hiện nay của nước ta, Tùy Văn Đế có thể phải chịu mức án tới ba năm tù giam về hành vi cưỡng ép hôn nhân. Rất may cho ông vua này bởi có được một kẻ bề tôi sáng như Dương Tố. Nhờ có kẻ bề tôi ấy không nỡ ép uổng vợ người, lại còn hiểu sự tình cho vợ chồng nàng Lạc Xương được đoàn tụ, cũng là một cách để đền đáp đạo lý mà bậc quân vương của ông đã lỡ phạm, cái tội của Tuỳ Văn Đế mới được giảm nhẹ đi.

Nghe chuyện ta lại nhớ chuyện mình, mừng cho nàng Lạc Xương được trở về đoàn tụ cùng chồng cũ bao nhiêu, cũng lại ngậm ngùi cho nàng Kiều của nước Nam ta bấy nhiêu. Sau 15 năm lưu lạc, Kiều trở về sum họp cùng gia đình, nhưng duyên tình đã trao cho em từ trước, nghĩa cầm sắt đổi thành cầm kỳ. Nàng mang tiếng có chồng (Kim Trọng) mà "có tiếng không có miếng", duyên vợ chồng hoá ra cũng chỉ là cái danh, càng ngẫm càng thương, càng xót. Câu thơ của Nguyễn Du cứ đau đáu lòng người cho kiếp hồng nhan bạc phận: "Những là ràng ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình/ Bây giờ gương vỡ lại lành/ Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi/ Còn duyên nay lại còn người/ Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa"...           

Hón Thỵ

'Cần xây dựng Hiến pháp trên cơ sở truyền thống lịch sử'

Thứ 2, 06/05/2013 | 11:04
Đó là ý kiến của viện sỹ Valery Yevdokimov chủ tịch Hội Luật gia Ucraina, đồng chủ tịch Hội Luật gia thế giới trong chuyến thăm và làm việc với Hội Luật gia Việt Nam từ ngày 7 - 13/4/2013.

Tử hình, hình phạt chết trong lịch sử nhân loại

Thứ 2, 15/04/2013 | 12:03
Loạt bài về thi hành án tử hình sau đây của thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an nói về án tử hình dưới nhiều góc độ.