Bỏ chấm điểm HS lớp 1: Chuyên gia đồng tình, phụ huynh lo lắng

Bỏ chấm điểm HS lớp 1: Chuyên gia đồng tình, phụ huynh lo lắng

Thứ 6, 16/08/2013 | 16:19
0
Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2013 - 2014. Trong văn bản Hướng dẫn, một nội dung quan trọng, đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội là các trường tiểu học sẽ không được chấm điểm học sinh lớp 1.

Sẽ hạn chế được tình trạng học trước tuổi

Lý giải cho việc không chấm điểm học sinh lớp 1, Bộ GD&ĐT cho rằng, vì hiện nay có nhiều bậc phụ huynh cho con học trước tuổi nên khi các cháu mới vào lớp 1 đã có thể đọc, viết và làm toán tốt hơn những cháu không đi học trước. Chính vì vậy, việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng. Hơn nữa, nếu chấm điểm như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn lên cả học sinh và phụ huynh. Nó rất dễ tạo ra phong trào cho trẻ học trước tuổi.

Đồng tình với quan điểm này của Bộ GD&ĐT, GS.TS Trần Hồng Quân (nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết: "Trên quan điểm cá nhân, tôi hoan nghênh việc làm này của bộ GD&ĐT, bởi năng lực của các cháu không chỉ đánh giá bằng điểm hay bằng thành tích học tập. Đối với học sinh lớp 1, tâm lý đối với các cháu rất quan trọng, nếu chúng ta cứ bó buộc các cháu vào một khung nhất định thì lại trở thành một rào cản khiến cho các cháu không dám suy nghĩ, không dám tự do phát triển ý kiến cũng như ý tưởng". Cũng theo GS Trần Hồng Quân thì việc bỏ không chấm điểm học sinh lớp 1 không có nghĩa là bỏ việc nhận xét, đánh giá học sinh của thầy, cô giáo.

"Tôi cho rằng, tốt nhất các thầy cô giáo nên chấm những điều mà các cháu làm được chứ không nên chấm những lỗi của các cháu trong khi làm bài tập. Có thể, các thầy cô sẽ không chấm điểm mà sẽ chỉ nhận xét vào trong bài tập của các cháu mà thôi. Những điểm đạt sẽ được gạch đậm bên dưới như một phương thức động viên các cháu và tạo điều kiện cho các cháu vươn lên. Cách làm như vậy vừa động viên, vừa làm giảm áp lực học tập cho các cháu và cho các bậc phụ huynh. Tất nhiên, tình trạng cho con học trước tuổi cũng sẽ giảm được rất nhiều" - GS Trần Hồng Quân chia sẻ.

Xã hội - Bỏ chấm điểm HS lớp 1: Chuyên gia đồng tình, phụ huynh lo lắng

Sắp tới sẽ bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)

Còn theo GS.TS. Viện sỹ Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT) thì: "Xu hướng phổ thông hóa mầm non, tức là trẻ em ở cấp này đã được dạy đọc, dạy viết, dạy làm toán... đã xuất hiện ở nước ta từ những năm 1985, 1986 của thế kỷ trước và bộ GD&ĐT lúc đó đã có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Bản thân tôi lúc đó làm trên bộ đã phải đấu tranh chống lại quan điểm sai lầm đó. Cuối cùng đến năm 1987, chúng ta đã phải bỏ đi hết và không thực hiện hướng dẫn sai lầm đó.

Thời gian gần đây, một số trường, đặc biệt là trường mầm non tư thục hay trường có yếu tố nước ngoài lợi dụng tâm lý muốn cho con em mình học sớm nên đã dạy các cháu học đọc, học viết... ngay từ cấp mầm non. Như vậy là xu hướng của những năm 80 của thế kỷ trước đang quay lại. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một biện pháp cụ thể, rất đúng đắn và kịp thời của Bộ GD&ĐT nhằm hạn chế tình trạng phổ thông hóa mầm non".

Rõ ràng hướng dẫn này không chỉ nhận được ý kiến đồng tình của cái chuyên gia giáo dục mà các đơn vị quản lý cấp cơ sở cũng rất ủng hộ. Ông Phạm Xuân Tiến (trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội) khi trả lời báo chí cũng cho biết: "Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Bởi hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy cô giáo để dạy trước cho con mình. Vì thê, nếu chấm điểm cho các cháu sẽ không thể chính xác, công bằng. Đồng thời với những cháu được học chương trình trước, sau này dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lười học và cuối cùng dẫn đến chểnh mảng. Đây là một điều nên tránh".

Cần phải có lộ trình

Trả lời báo chí mới đây, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi ban hành Hướng dẫn có nội dung không chấm điểm học sinh lớp 1, Bộ thấy Hướng dẫn này chưa phù hợp với Thông tư 32/2009/TT - BGDĐT (ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học). Vì thế, bộ sẽ phải hướng dẫn lại theo quan điểm: "Bộ khuyến khích việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1, tuy nhiên nếu giáo viên chấm điểm theo Thông tư thì vẫn cứ chấm. Nhưng dần dần sẽ tiến tới việc không cho điểm học sinh lớp 1".

Tuy nhiên GS.TS Trần Hồng Quân cho biết: "Tôi lại có quan điểm ngược lại là không cần phải có lộ trình mà nên thực hiện sớm. Chúng ta có thể tăng cường năng lực học tập cho các cháu mà không theo cách đánh giá bằng điểm. Điều này dễ tạo ra tâm lý chạy đua thành tích không chỉ đối với các bậc phụ huynh mà ngay cả đối với những trường tiểu học với nhau, từng lớp học với nhau. Những hậu quả xấu có thể dẫn đến là tình trạng chạy lớp, chạy trường...".

Mặc dù các chuyên gia và các nhà quản lý đều lên tiếng ủng hộ Hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT nhưng tại các diễn đàn mạng, nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng vì khó kiểm soát việc học của các con trong khi hướng dẫn ban hành việc không chấm điểm học sinh lớp 1 vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể về sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh ra sao.

Trả lời câu hỏi này, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân cho biết: "Tất nhiên kiểm soát việc học của con cái đối với các bậc phụ huynh là điều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phụ huynh và nhà trường cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát việc học tập của các cháu. Bản thân việc chấm điểm chưa thể đánh giá đúng khả năng của mỗi cháu, nay bỏ việc này đi thì sự phối hợp trở nên cấp thiết".

GS. TS. Viện sỹ Phạm Minh Hạc thì cho biết: "Các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng trong việc kiểm soát năng lực học tập của các con. Thứ nhất, việc bỏ chấm điểm là một điều tốt cho các cháu. Thứ hai, nếu được thực hiện, trường học và gia đình phải có một phối hợp chặt chẽ hơn nữa và điều quan trọng nhất là các đơn vị chuyên môn cần phải làm kiên quyết, thanh tra thật tốt để hướng dẫn này có thể phát huy tốt hiệu quả. Muốn như vậy chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các bậc phụ huynh được rõ".

Chưa thực hiện ngay vì vướng Thông tư 32/2009/TT - BGDĐT

Tại Thông tư 32/2009/TT - BGDĐT có ghi rõ về cách thức đánh giá và xếp loại học lực của học sinh tiểu học. Cụ thể có hai cách đánh giá là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Cả hai hình thức này đều được tiến hành dưới hình thức kiểm tra (kiểm tra thường xuyên và kiểm tra theo từng giai đoạn học tập). Kết quả đánh giá năng lực học sinh dựa vào điểm và nhận xét của giáo viên. Như vậy, nếu bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 nghĩa là đã "mắc" vào quy định trước đó của bộ.   

Phạm Thiệu

Học sinh lớp 11 chế nước rửa bát từ bột trấu và chanh

Thứ 4, 19/06/2013 | 16:39
Nhóm học sinh lớp Hóa K23 (trường THPT chuyên Thái Nguyên) đã kết hợp giữa bột trấu và bột chanh để tạo ra một chất tẩy rửa độc đáo

Chuyện lạ: Vào lớp 1 phải có... chủ quyền nhà ở

Chủ nhật, 21/07/2013 | 08:46
Chuyện lạ là phiếu báo tuyển sinh lớp 1 của Trường tiểu học Quang Trung, P.9, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu buộc phụ huynh đăng ký nhập học phải photo "sở hữu nhà ở của bố, mẹ"...

Có 'sổ đỏ' mới được vào học lớp 1

Thứ 6, 19/07/2013 | 16:43
Các em nhỏ cư trú tại phường 9, TP Vũng Tàu muốn vào học lớp 1 ngoài giấy tờ thông thường phải có thêm… “sổ đỏ”.

Cả nhà mất ngủ chờ... đi bốc thăm cho con vào lớp 1

Thứ 4, 29/05/2013 | 10:51
Lần đầu tiên, một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum tổ chức tuyển chọn học sinh vào lớp 1 bằng hình thức bốc thăm. Lá thăm khiến “kẻ khóc, người cười” nhưng lại khách quan, minh bạch.

Thảm cảnh giẫm đạp nhau nộp đơn cho con vào lớp 1

Thứ 2, 06/05/2013 | 20:07
Cảnh tượng xếp hàng thâu đêm suốt sáng, thậm chí giẫm đạp lên nhau để nộp đơn xin học vào lớp 1 cho con đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh học sinh.

Tranh cãi nảy lửa vì bài kiểm tra Toán lớp 1

Chủ nhật, 07/04/2013 | 11:53
Bài kiểm tra môn Toán của một học sinh lớp 1 đang gây tranh cãi trên mạng khi nhiều người cho rằng, đề bài và đáp án không rõ ràng.