"Cần có luật cho việc mang thai hộ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Nhiều chuyên gia pháp lý thừa nhận việc mang thai hộ trên thực tế vẫn xảy ra, vì vậy cần phải siết chặt để tránh hiện tượng tranh chấp, lạm dụng và đi ngược lại bản chất xã hội.

Trước đây, khi xây dựng Nghị định 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc sinh con theo phương pháp khoa học, các nhà làm luật đã nghĩ đến vấn đề mang thai hộ và băn khoăn chuyện có nên đưa vào luật hay không. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, câu chuyện này là rất nhạy cảm vì nhiều lý do, nên mang thai hộ đành "đứng ngoài" Nghị định.

Pháp luật - 'Cần có luật cho việc mang thai hộ'

TS-BS Lê Vương Văn Vệ cho biết, các cặp vợ chồng hiếm muộn nên tìm đến biện pháp y tế hiện đại thay vì nhờ mang thai hộ

Cũng chính vì vậy, luật HN&GĐ hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ; Nghị định số 12 về sinh con theo phương pháp khoa học cấm mang thai hộ nên tất nhiên những hậu quả pháp lý do hành vi này mang lại cũng không được pháp luật đề cập tới. Trong khi đó, thực tế cuộc sống đã và đang diễn ra rất nhiều cuộc thỏa thuận mang thai hộ, đẻ thuê và đã có không ít vụ dẫn đến những tranh chấp "dở khóc dở cười". Vấn đề mang thai hộ vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong việc có nên được pháp luật công nhận hay không.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Trong luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam không có một điều khoản nào quy định về việc mang thai hộ và vấn đề này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Sở dĩ vậy vì nó không phù hợp với truyền thông và đạo đức của người Việt Nam, gây ra những tranh chấp dân sự về quyền nuôi con, thừa kế tài sản, gene di truyền, họ của đứa trẻ...

Luật sư Tiến phân tích, thực tiễn đang xảy ra nhiều trường hợp lén lút mang thai hộ, có nhiều ý kiến cho rằng nên kiểm soát bằng cách đưa vào luật hơn là để nó xảy ra trên thực tế rồi sau đó phải công nhận hậu quả (dưới hình thức hợp thức hóa thủ tục để đứa con được sinh ra là con nuôi hoặc con đẻ của người nhờ mang thai hộ). Vì vậy, nếu mang thai hộ tiềm ẩn nhiều phát sinh phức tạp đáng lo ngại nên việc cấm là cần thiết. Tuy nhiên, mang thai hộ cho những trường hợp hiếm muộn, không có yếu tố thương mại thì cần được xem xét hợp lý.

Thực tế đã cho thấy, mang thai hộ vẫn tồn tại và gây ra nhiều hậu quả pháp lý phát sinh không giải quyết được. Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần có những quy định cụ thể theo hướng cho phép mang thai hộ trong những trường hợp đặc biệt và cấm tuyệt đối việc "đẻ thuê".

Pháp luật - 'Cần có luật cho việc mang thai hộ' (Hình 2).

"Vấn đề mang thai hộ sẽ phát sinh nhiều phức tạp", luật sư Nguyễn Hoàng Tiến chia sẻ

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc cho phép mang thai hộ sẽ kéo theo hiện tượng nhiều phụ nữ vì những lý do không chính đáng khác mà áp dụng biện pháp này, ví dụ như sợ sinh con cơ thể xấu đi, sợ tốn thời gian. Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ sẽ nở rộ không kiểm soát được. Qua các cuộc thảo luận sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều ý kiến mong muốn luật hóa việc mang thai hộ. Phần đông, hầu hết các ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép trong phạm vi gia đình, tức người được nhờ mang thai hộ là chị hoặc em của người nhờ mang thai hộ để tránh những tranh chấp phức tạp về sau. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhân bản nên các nhà làm luật phải thật thận trọng.

"Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này. Nếu cha mẹ hiếm muộn muốn có con thì các biện pháp y tế hiện đại có thể hỗ trợ sinh con. Hoặc trường hợp không thể có con thì có thể đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ không xác định được bố mẹ đẻ (trẻ bị bỏ rơi) để làm thủ tục theo pháp luật việc nhận con nuôi. Xã hội Việt Nam đã quá phức tạp trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, đừng sinh thêm các tranh chấp con do việc đẻ thuê sinh ra", luật sư Tiến bày tỏ.

Cao Tuân


Cùng chuyên mục

Bắt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và nhiều đối tượng liên quan

Thứ 6, 26/04/2024 | 17:53
Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng nhiều đối tượng bị bắt giữ vì liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Vụ khai thác khoáng sản trái phép ở Bình Thuận: Thu hơn 90 lượng vàng

Thứ 6, 26/04/2024 | 16:25
Hiện Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với Viện KSND tỉnh Bình Thuận để triển khai hoạt động tố tụng, mở rộng điều tra vụ án.

Bắt giữ gã trai sát hại mẹ con “người tình” vì bị ngăn cấm

Thứ 6, 26/04/2024 | 15:37
Cho rằng bị mẹ người tình ngăn cấm không cho lấy mình, Hồ đã lấy dao sát hại chị L. và bà Sùng Thị Ch. (mẹ chị L.).

Kiên Giang: Bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu

Thứ 6, 26/04/2024 | 14:25
Đối tượng Dương Hồng Hiếu bị bắt về tội danh Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Buôn hàng giả, chiếm đoạt tài sản khách hàng, 2 giám đốc bị khởi tố

Thứ 6, 26/04/2024 | 11:31
Buôn bán hàng giả, chiếm đoạt số tiền lớn của khách hàng, 2 giám đốc công ty vừa bị Công an tỉnh Hà Giang khởi tố, bắt tạm giam.
     
Nổi bật trong ngày

Hải Dương: Tiêu hủy 10.000 con vịt giống

Thứ 5, 25/04/2024 | 22:47
Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.