Võ sư có đẳng cấp vovinam cao nhất thế giới

Võ sư có đẳng cấp vovinam cao nhất thế giới

Thứ 2, 08/04/2013 | 14:49
0
Những tinh tuý của một môn phái danh chấn thiên hạ này đã quện lấy cá nhân ông như thể mối duyên tiền định.

Mang Vovinam ươm mầm ở đất võ

Biết đến danh võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã lâu nhưng chưa từng một lần gặp mặt. Nhân dịp có cuộc thi đấu Vovinam các cấp học sinh, tôi có dịp được trò chuyện với ông và xin một cái hẹn. Ấn tượng khi tôi đến nhà ông là những hình ảnh võ thuật Vovinam và vô số những huy chương, cúp, quà lưu niệm.

Nhìn vào số huy chương ấy đủ biết võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã tâm huyết thế nào với niềm đam mê võ thuật. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tiếp đón tôi rất nhiệt tình, mặc dù chúng tôi biết ông đang bị bệnh dạ dày hành hạ. Tuy nhiên, khi trò chuyện ông vẫn thể hiện một khí lực mạnh mẽ của người có công phu thâm hậu.

Xã hội - Võ sư có đẳng cấp vovinam cao nhất thế giới

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu bên "kho" cúp, huy hiệu.

Đam mê võ học từ nhỏ, ông cùng bạn đi khắp các võ đường để bái sư. Lúc bấy giờ, các môn võ của nước ngoài đang thịnh hành ở Việt Nam bằng các phương thức quảng bá hữu hiệu, nhưng cũng chẳng môn nào khiến ông mê mẩn. Mãi đến khi ông đi qua võ đường Vovinam - Việt võ đạo, nhìn thấy các đòn thế bắt mắt, thanh tao, thân thủ của các võ sinh cùng tư thế xuất chiêu như hút hồn ông. Và linh cảm của ông cho biết, ông đã tìm được môn phái của mình.

Võ sư Chiếu kể lại: "Ngày đó tôi mê các môn thể thao cảm giác mạnh lắm, nhất là võ thuật. Dáng tôi lúc đó vốn thấp bé. Tuy nhiên, Vovinam là môn võ lúc có đòn đánh, thân pháp theo tiêu chí ngoại hình của người Việt nên rất hợp với tôi. Vì đam mê, nên tôi ngày quên ăn, đêm quên ngủ, đầu óc lúc nào cũng mơ màng về chiêu thức và sự ảo diệu của võ học. Với sự miệt mài luyện tập đến năm tôi 19 tuổi, tức năm 1967, tôi đã đạt đến bậc võ sư tam đẳng huyền đai và đã bắt đầu tham gia dạy võ kiếm sống".

Với tầm nhìn xa, đồng thời không chỉ gò bó mình trong phạm vi chỉ dạy võ ở Sài Gòn, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Chiếu quyết định ra đi lập nghiệp. Nơi mà ông chọn để đến lại chính là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam và nổi danh thế giới: Bình Định.

Chia sẻ về quyết định táo bạo này, võ sư Nguyễn Văn Chiếu cho hay: "Lúc đó là năm 1969, tôi nghĩ việc chôn chân một chỗ để dạy môn võ này thì chẳng khi nào phát triển nó được. Yêu phái võ, muốn mọi người biết đến nó nên tôi quyết định mang nó đi dạy ở nhiều nơi khác. Tôi chọn cái nôi của võ cổ truyền là mảnh đất Bình Định để phát triển và học hỏi thêm. Khi ra đi với hai bàn tay trắng, sau năm năm tôi đã đào tạo được 12 câu lạc bộ ở Bình Định. Đây chính là mảnh đất mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm cũng như có thêm nhiều cơ duyên để phát triển môn phái".

Gắn bó với mảnh đất toàn tinh hoa võ học này, nên  khi ông lấy vợ, sinh con, đã đặt tên người con trai là Nguyễn Bình Định. Trong giới võ thuật cổ truyền, Nguyễn Bình Định cũng trở thành một võ sư nổi tiếng.

Để có được những thành công như hôm nay, ít tai biết rằng, trước đó võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã trải qua nhiều phen lận đận. Ngay sau khi đất nước giải phóng, năm 1976 ông về lại TP.HCM để gây dựng sự nghiệp. Bối cảnh lúc đó khiến phong trào học Vovinam gần như tắt lịm.

Ông Chiếu kể lại những năm tháng gian nan: "Sự nghiệp nào mà không có chông gai. Con đường mà tôi cố tâm phát triển Vovinam cũng vậy. Lúc ấy chỉ có một thân một mình, tôi đã phải cố gắng lắm mới vận động được một lượng người tham gia thể dục thể thao. Lúc ấy miếng ăn không đủ, nên việc học võ cũng trở nên xa xỉ với dân. Cả võ đường chỉ lác đác mấy người. Nhưng vì đam mê và quyết tâm nên tôi làm đủ thứ để nuôi bản thân và nuôi sống môn võ. Cuối cùng tôi cũng làm được. Vào thời đỉnh điểm, võ đường của tôi quy tụ cả vài ngàn võ sinh và tham gia tất cả các giải đấu trong nước, quốc tế".

Xã hội - Võ sư có đẳng cấp vovinam cao nhất thế giới (Hình 2).

Nhiều võ sư nước ngoài chụp hình lưu niệm với ông.

Đưa tinh túy Vovinam ra thế giới

Sau chuyến lưu diễn tại Nga vào năm 1990, tên tuổi võ sư Nguyễn Văn Chiếu dần được thế giới biết đến. Một số nước thích thú với môn phái võ thuật của người Việt, nên thường mời các võ sư tên tuổi của Việt Nam đến tham gia biểu diễn. Chuyến đi mở đường cho việc giảng dạy Vovinam trên thế giới là chuyến đi đến Tây Ban Nha của ông. Võ sư Chiếu kể lại: "Năm 1997, nhận được lời mời sang giảng dạy của các võ sinh tại Tây Ban Nha, tôi khăn gói quả mướp lên đường với lòng quyết tâm phát triển môn võ này".

Ngày trở về từ Tây Ban Nha ông thu được sự kính phục và danh tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó là sự chào đón trong nước mắt của gia đình. Ông kể lại trong niềm hân hoan: "Tôi cứ tưởng mình sẽ không tạo được tiếng vang với các nước và trở về trong thất vọng, nhưng tất cả lại trái ngược hoàn toàn. Đó cũng là bởi ở nước ngoài người ta đã lĩnh hội được những tinh túy của võ học Vovinam. Điều này là rất quan trọng đối với mỗi võ sinh, bởi khi có sự lĩnh hội ấy người ta sẽ sống được với nó suốt đời và sẽ thành công. Hiện nay có khoảng trên hai mươi nước tôi đã đến dạy như: Nga, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Pháp, Mỹ, Bỉ, Ba Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Campuchia..., ở đâu tôi cũng truyền đạt cả việc khổ luyện lẫn phần tinh hoa của môn phái".

Xã hội - Võ sư có đẳng cấp vovinam cao nhất thế giới (Hình 3).

Giao lưu với võ sư nước ngoài.

Các thế võ của Vovinam đã bắt mắt, nhưng cái đẹp nhất trong võ thuật Vovinam chính là cái "hồn" của nó. Người học Vovinam phải biết thế mạnh của bản thân kết hợp nó với những đòn thế tạo nên sức mạnh vô song.

Trong suốt những tháng năm giảng dạy, tập huấn ở nước ngoài, võ sư Nguyễn Văn Chiếu ghi nhiều dấu ấn với sự nghiệp truyền bá tinh hoa võ Việt. Ông nói: "Đối với người nước ngoài việc học Vovinam không chỉ là sở thích mà còn là cái khí chất trong từng thế võ. Người nước ngoài có tinh thần khổ luyện trong luyện tập, người ta áp dụng tất cả các công nghệ để hỗ trợ việc học. Có người thì vẽ hình, có người thì ghi chép, có người thì quay phim... và ngoài ra có một chân lý rất quý đó là tôn sư trọng đạo.

Một trong những lần tập huấn ở Angieri, lớp học thì đông mà ai cũng đòi dành hàng đầu để được thấy tôi ở gần hơn làm tôi rất vui. Đến lúc tan học, hầu hết các võ sinh lẫn võ sư đều quây bên tôi xin chụp hình chung, có lúc tôi phải nhờ đến các cộng sự "giải vây". Những lần như thế luôn để lại cho tôi những ấn tượng khó phai và niềm tự hào về một võ phái của người Việt, mà mình đã gắn với nó như một phần máu thịt không thể tách rời".         

Cảnh giới thượng thừa

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trịnh trọng trao danh hiệu kỷ lục: Võ sư có đẳng cấp Vovinam cao nhất Việt Nam cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Đồng thời võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Hồng đai 4 cấp (9 đẳng Vovinam quốc tế) cũng là lãnh đạo tối cao của môn phái Vovinam về tinh thần lẫn đẳng cấp ở Việt Nam và thế giới. Ông hiện là Chánh chưởng quản Hội đồng võ sư, Chưởng quản môn phái Vovinam, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch hội Việt Võ Đạo TP. HCM, Giám đốc kỹ thuật quốc tế.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

 Hoàng Minh

Phái võ lừng danh một thuở và lời đồn yểm bùa ngải

Thứ 2, 04/03/2013 | 20:09
Trong các phái võ cổ truyền Việt Nam, Long Hổ Hội mang nhiều giai thoại và sự thực cuốn hút người trong và ngoài giới. Môn phái này đã từng nổi tiếng với những tên tuổi các võ sỹ thượng đài năm xưa mà đến nỗi, nhiều người thời ấy phải thốt lên, phái võ này dùng bùa ngải. Lý do vì mỗi khi thượng đài, chưa đầy nửa hiệp, các võ sỹ đối đầu đã bị hạ knock out rất ngoạn mục.

Võ sư Sài thành và quãng đời giang hồ khét tiếng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Thập niên 30 40 thế kỷ trước, làng võ Sài Gòn xuất hiện võ đường Long Hổ Hội (ấp Cộng Hòa 5, xóm Võ Ngói, xã Hạnh Thông, Gò Vấp) với võ sư Lâm Hữu Hội môn phái Thiếu Lâm Nững Xị.

Giai thoại về võ sư được mệnh danh “người đẹp Gò Công”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Không chỉ nổi danh với các chiêu thức võ thuật, võ sư Hồng Long còn có hàng trăm người đẹp “xin chết”.

Võ sư Lý Huỳnh, "sát thủ" đấu trường trở thành nghệ sỹ nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Lý Huỳnh được liệt vào hàng "Tứ tú" nổi tiếng, là thế hệ tiếp nối của các võ sư tiếng tăm lừng lẫy một phương như nhóm "Tam nhật" gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa và "Tam nguyệt" gồm võ sư Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai.