'Chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử lý hình sự'

'Chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử lý hình sự'

Thứ 7, 06/04/2013 | 11:43
0
Thời gian qua, hiện tượng gian dối, lừa đảo, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng trong hoạt động công chứng có chiều hướng gia tăng với mức độ tinh vi và ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan chức năng.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Trên thực tế, đối với tội danh làm giả giấy tờ, con dấu của Nhà nước, vi phạm hoạt động công chứng, mức độ xử phạt còn rất nhẹ. Liên quan đến vấn đề này PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Việt Hùng, phó vụ trưởng vụ 1A, VKSND Tối cao để cùng "mổ xẻ" vấn đề.

Khó khăn trong việc tìm chứng cứ

Ông có bình luận gì khi xuất hiện nhiều luồng ý kiến cho rằng, văn phòng công chứng tư là "sân sau" của các văn phòng luật sư?

Nói văn phòng công chứng tư là "sân sau" của các văn phòng luật sư tôi cho là chưa hoàn toàn chính xác, bởi văn phòng công chứng công hay tư, đều phải tuân thủ pháp luật. Hiện nay do nhu cầu về giao dịch bất động sản, những hợp đồng kinh tế ngày càng gia tăng. Để giảm sự quá tải đối với cơ quan Hành chính Nhà nước, luật Công chứng ra đời và có hiệu lực ngày 1/7/2007, cho phép thành lập văn phòng công chứng tư, nhằm giảm tải và góp phần thuận lợi cho người dân.

Mặt khác sự ra đời của công chứng tư cũng tăng tính cạnh tranh giữa các văn phòng công chứng, tạo điều kiện cho người dân giao dịch được thuận lợi. Dù là "sân sau" hay thế nào thì tất cả đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Vì luật cho phép thì họ làm, điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên việc muốn biết văn phòng công chứng tư có phải là "sân sau" của văn phòng luật sư hay không, việc chứng minh không phải dễ dàng.

Trên thực tế đã xảy ra nhiều hiện tượng nhân viên công chứng tư thẩm định sai các văn bản. Tuy nhiên dường như mức độ xử phạt còn quá nhẹ đối với tội danh này, thưa ông?

Những văn bản công chứng được luật cho phép là chứng cứ không cần phải chứng minh. Tuy nhiên một thực tế hiện nay, một số văn phòng công chứng đã công chứng hồ sơ giả mạo, gây thiệt hại không nhỏ, nhưng chưa có một văn phòng nào, một nhân viên nào bị xử lý hình sự. Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công chứng viên, các cơ quan điều tra phải chứng minh được sự thông đồng, cũng như mức độ thiệt hại mà công chứng viên và người đến công chứng gây ra.

Có thể dẫn chứng cụ thể trường hợp, một công chứng viên công chứng bản dịch từ ngôn ngữ Việt sang ngôn ngữ nước bạn bị sai một số từ chuyên môn, dẫn đến thiệt hại, nhưng chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Theo tôi, các tổ chức hành nghề công chứng phải đặt tiêu chí "phục vụ" và "chất lượng" lên hàng đầu vì sự tồn tại và phát triển của chính mình.

Luật sư - 'Chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử lý hình sự'

Ông Vũ Việt Hùng, phó Vụ trưởng Vụ 1A. (Ảnh Liễu Đức)

Tùy tiện và thiếu an toàn

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều bất cập trong hoạt động công chứng tư, trong đó phải kể đến sự rủi ro và thiếu an toàn. Ông có nhận định gì về ý kiến này?

Phải nói thẳng rằng công chứng tư bên cạnh những tiện ích thuận lợi nhanh gọn, có thể làm tại nhà, vẫn còn nhiều điều mà người dân bấy lâu nay kêu rất nhiều. Một trong những tồn tại là không xác định được hồ sơ giả mạo bằng mắt thường. Một minh chứng cho thấy: Năm 2010, đã xảy ra trường hợp một công chứng viên tự tử do công chứng phải hơn 200 hồ sơ giả mạo, ước tính thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng. Điều này chứng tỏ một điều công chứng tư không thể là không có rủi ro.

Mặt khác, mức phí thu rất tuỳ tiện, mỗi văn phòng thu một giá, hoá đơn chứng từ lộn xộn. Thậm chí xuất hiện thực tế một số văn phòng đưa những người thân trong gia đình làm nhân viên tại phòng công chứng. Do đó việc đào tạo không được bài bản, chuyên sâu, dẫn đến trình độ chuyên môn còn non yếu. Chất lượng nguồn bổ nhiệm công chứng viên chưa cao, tiêu chuẩn thấp nên số lượng công chứng viên tăng cao nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều này khiến cho người dân lựa chọn công chứng công nhiều hơn.

Phải chăng chế tài xử phạt đối với những hành vi gian lận làm giả giấy tờ, con dấu của Nhà nước mức độ xử phạt về tội danh này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Điều 267, Bộ luật Hình sự đã quy định chế tài xử phạt đối với tội danh làm giả con dấu giấy tờ tài liệu của Nhà nước. Tuy nhiên việc công chứng viên, công chứng tài liệu giả thì mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Như đã nói ở trên, hiện chưa có một cá nhân, hay tổ chức nào công chứng sai mà phải xử lý hình sự, mặc dù mức độ thiệt hại không phải là nhỏ. Hiện nay VKSND tối cao đang tham gia góp ý về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Đối với công chứng viên công chứng hồ sơ tài liệu giả nhưng các cơ quan điều tra chứng minh được có sự thông đồng, xem xét mức độ thiệt hại. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng sẽ phải xử lý hình sự.

Xin cám ơn ông!

Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng

Theo Thanh tra bộ Tư pháp, một số Văn phòng công chứng chạy theo lợi nhuận, thực hiện công chứng chưa đúng pháp luật đã gây rủi ro cho hoạt động công chứng và làm ảnh hưởng đến uy tín nghề. Từ năm 2007 đến hết tháng 7/2012, các sở Tư pháp đã phát hiện và xử lý khiển trách, cảnh cáo 24 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng. Thanh tra Bộ tổ chức bảy cuộc thanh tra đối với 66 tổ chức hành nghề, ban hành 29 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 tổ chức và cá nhân vi phạm, phạt 63 triệu đồng.  

Liễu Đức (thực hiện)

'Công chứng góp phần quan trọng phòng ngừa tranh chấp'

Thứ 2, 01/04/2013 | 10:40
“Trong thời gian qua, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật trong việc giao kết những hợp đồng về bất động sản” - bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định.

Công chứng là 'thẩm phán phòng ngừa' hành vi phạm luật

Thứ 2, 18/03/2013 | 09:14
Lâu nay, người ta vẫn coi công chứng là “thẩm phán phòng ngừa” bởi công chứng có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm được gánh nặng cho cơ quan xét xử.