Người mẹ dạy con câm, điếc thành thủ khoa đại học

Người mẹ dạy con câm, điếc thành thủ khoa đại học

Thứ 3, 05/03/2013 | 08:13
0
Người phụ nữ này đã có gần cả cuộc đời sống cùng thế giới của những người điếc, câm. Xuất phát từ nỗi đau cậu con trai duy nhất của bà bị câm sau cơn bạo bệnh, bà bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu để có thể trò chuyện cùng con.

Sống vì thế giới câm lặng của con

Trong căn hộ chung cư nhỏ ở quận 3 (TP.HCM), bà Phạm Cao Phương Thảo (55 tuổi) đón tôi bằng nụ cười hiền lành và những câu chuyện không dứt về suy nghĩ, tình cảm của những người điếc, câm. 55 tuổi, tóc bà Thảo đã bạc nhiều. Đó là dấu ấn của những năm tháng nhọc nhằn lo cho người con trai Đoàn Phạm Khiêm (SN 1982) bị khuyết tật. Bà sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, từng là một trong lớp những nữ sinh áo tím của trường Gia Long nổi tiếng một thời (nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM). Tốt nghiệp phổ thông, bà theo học ngành luật, ngoại ngữ và cả kinh tế. Sau đó, bà về công tác ở công ty phát hành và chiếu bóng. Rồi bà cũng tìm được người đàn ông của đời mình. Ngày dẫn chồng về nhà, gia đình bà một mực phản đối vì chồng nghèo. Thế nhưng, hai người trẻ với tình yêu phơi phới, họ cũng đã có những tháng ngày thực sự hạnh phúc dù nghèo khó, cho đến khi cậu con trai đầu lòng ra đời năm 1982.

Xã hội - Người mẹ dạy con câm, điếc thành thủ khoa đại học

Bà Thảo đang nói chuyện với một học viên.

Đoàn Phạm Khiêm là kết quả và cũng là minh chứng cho tình yêu của vợ chồng bà. Bất hạnh ập đến với vợ chồng trẻ khi con trai vừa tròn một tuổi. Ngày ấy, Khiêm mắc bệnh tiêu chảy nặng. Khiêm giữ được tính mạng bằng thuốc kháng sinh liều cao, với những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến thính giác đã được các bác sĩ cho biết trước. Không nghe được, đồng nghĩa với việc con trai bà mất luôn khả năng nói. Sau mấy năm đưa con đi khắp nơi chữa trị mà không có kết quả, vợ chồng bà gần như tuyệt vọng. Nghèo khó không khiến vợ chồng bà đầu hàng. Nhưng trước bất hạnh này, chồng bà đã không vượt qua được. Ông tìm quên lãng trong men rượu, "hóa giải" những đau đớn, thất vọng, bất lực, buồn lo của mình lên thân thể vợ bằng những trận đòn tàn bạo trong cơn say. Không ít lần bà muốn buông xuôi, muốn đến một nơi mà bà sẽ không phải chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng, bà không làm được. Cậu con trai mà ngay cả nỗi sợ hãi, hay sự yêu thương cũng không thể thốt ra thành lời, tất cả chỉ hiện lên ánh mắt và những cử chỉ ấy đã cho bà thêm sức mạnh để sống tiếp. Khiêm cần bà hơn bất kỳ đứa trẻ bình thường nào khác. Vì vậy, bà quyết định ly hôn với chồng, một mình nuôi con trong cảnh khó khăn.

Ngày ấy, để có thu nhập nuôi nấng và chữa bệnh cho con, bà nhận làm bảo vệ cho cơ quan vào buổi tối, rồi bán thuốc lá, quần áo, giày dép. Cậu bé Khiêm cũng lăn lóc theo mẹ như thế mà lớn lên. Bà tự dạy cho con học bằng cách bắt con nhìn theo khẩu miệng mình, với mong muốn con có thể hòa nhập cộng đồng. Nhưng, thế giới của con vẫn quá xa cách đối với bà. Những giao tiếp của bà với con chủ yếu qua cảm nhận và cậu bé Khiêm cũng không thể nói ra được những gì mình nghĩ, cũng không lĩnh hội được gì nhiều từ sự cố gắng không mỏi mệt của mẹ.

Sau đó, bà gửi con đi học ở trường cho trẻ điếc, câm Lái Thiêu (Bình Dương). Được học ngôn ngữ giao tiếp bằng tay dành cho người điếc, câm, cuộc đời cậu bé Khiêm bước sang trang mới. Về nhà, Khiêm dạy lại cho mẹ những ký hiệu, thủ ngữ mà mình đã học được. Người mẹ háo hức tìm hiểu và học loại ngôn ngữ ấy từ con. Có thể giao tiếp được với con, bước vào thế giới câm lặng của con mình, người làm mẹ như bà hạnh phúc đến trào nước mắt. Bà Phương Thảo kể: "Dạy Khiêm hiểu một câu tục ngữ tôi phải mất bốn tiếng, với đủ mọi hành động, cử chỉ. Để giúp con viết tốt hơn, tôi cố gắng mua nhiều sách báo về cho con đọc, kiên nhẫn giảng giải những điều con chưa hiểu".

Sau rất nhiều nước mắt, khó khăn và nỗ lực của người mẹ, cậu bé Khiêm ngày nào đã là sinh viên của trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, trở thành thủ khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2009 của khoa Hội họa, là thí sinh điếc, câm duy nhất tại Việt Nam trúng tuyển vào một trường đại học chính quy. Thành quả này thể hiện nghị lực phi thường của Khiêm và cũng là nhờ tình yêu thương bao la của người mẹ.

Xã hội - Người mẹ dạy con câm, điếc thành thủ khoa đại học (Hình 2).

Bà Thảo phiên dịch trong buổi giao lưu Văn hóa Việt  Nhật với các học viên.

Vị "đại sứ" của người điếc, câm

Bắt đầu từ khi mở được cánh cửa vào thế giới của con mình, bà nhận thấy có rất nhiều trẻ em điếc, câm quá nghèo khổ, không có tiền để được đến những trường dành cho trẻ khuyết tật. Nhiều em 16 - 17 tuổi vẫn không biết thủ ngữ là gì, cả ngày không nói một lời, chỉ lủi thủi một mình. Thương chúng, bà cạy cục đi khắp nơi xin hỗ trợ mở lớp dạy miễn phí. Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua, giờ đây, phòng học chính là căn phòng trên lầu hai chung cư Nguyễn Thiện Thuật, do một "mạnh Thường Quân" cho mẹ con bà tá túc không lấy tiền. Nơi đây, cũng chính là cơ sở sinh hoạt của tổ chức Cộng đồng điếc, câm TP.HCM, do chính các em điếc, câm lập nên và điều hành.

Bà Phạm Cao Phương Thảo cũng chính là cầu nối của các thành viên trong tổ chức Cộng đồng điếc, câm TP.HCM trong vai trò một cố vấn. Tất cả các buổi giao lưu, sự kiện, bà đều trở thành người phiên dịch cho họ. Mỗi lần, họ cần gặp người bên chính quyền liên quan đến hoạt động của tổ chức, đòi hỏi quyền lợi cho người điếc, câm đều thông qua bà làm cầu nối. Thậm chí, có một vài thành viên trong tổ chức được bà xin việc  làm, mỗi khi cần hoàn tất giấy tờ liên quan đến hồ sơ, công ty đều gọi bà, nhờ bà giúp thay vì liên lạc với gia đình họ.

Hiện nay, tại những lớp học cho người khuyết tật này, Khiêm đảm trách việc dạy thủ ngữ, còn mẹ dạy các môn về kỹ năng sống, làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử và pháp luật. Bà Phương Thảo tâm sự: "Khó khăn lớn nhất khi dạy cho người điếc, câm là họ hoàn toàn không có kiến thức, sự nhận biết về xã hội cũng rất kém. Nếu dạy một lần mà không nhắc lại thường xuyên, họ nhanh quên, vì các em đâu có gặp những điều đã học hàng ngày. Hơn nữa, cách suy nghĩ của người điếc, câm rất khác với người bình thường. Họ sống trong một thế giới khác chúng ta hoàn toàn, chỉ nhìn và suy luận, không hề nghe được, giao tiếp được nên rất khó để giúp họ hiểu được. Khả năng về ngôn ngữ của họ cũng rất hạn chế, khó diễn đạt những điều sâu xa, nhiều tầng ý nghĩa.

Để giúp tôi hiểu rõ hơn, bà Phương Thảo đưa ra ví dụ, có lần, một học viên lấy cắp đồ trong siêu thị bị công an bắt giữ. Về lớp, học viên đó không nhận lỗi với lý do: "Người nghe nói được có việc làm, có nhà cửa, có tiền mua thức ăn mà còn tham nhũng không bị ai bắt. Những người điếc, câm không có việc làm, không có tiền mua thức ăn bị đói, mà còn bị bắt trói". Với lối suy nghĩ như thế, bà rất khó để giải thích cho họ hiểu một cách thấu đáo. Vì vậy, mọi vấn đề, bà đều phải lấy ví dụ cụ thể họ mới hiểu được. Vậy nhưng, có vấn đề tưởng như rất đơn giản, bà giải thích từ 7h sáng đến quá trưa mà vẫn còn tranh cãi. Những lúc như thế, bà muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại nghĩ nếu dừng lại thì những người điếc, câm sẽ lại sống như trước đây, cô lập với thế giới, không hề có chút kiến thức về xã hội, bà không đành lòng. "Khi đó, tôi ra ngoài hành lang, bịt chặt tai lại, không còn nghe thấy thanh âm nào xung quanh để thử hiểu cảm giác của họ. Họ khổ lắm, tôi bật khóc, rồi lại tiếp tục", bà Thảo tâm sự.  

Biên soạn cách ra dấu cho người điếc, câm

Sau nhiều nỗ lực của bà Thảo, tổ chức Cộng đồng điếc, câm TP.HCM đã ra đời. Tổ chức này đã giúp người điếc, câm có nhiều cơ hội hòa nhập với xã hội hơn. Bà Thảo còn cùng con trai mình biên soạn thêm những cách ra dấu để làm phong phú cho ngôn ngữ của họ. Vậy nhưng, bà vẫn cho rằng, những gì mình làm cho người điếc, câm còn quá ít ỏi. Bởi hơn ai hết, bà Thảo hiểu những khó khăn mà người điếc, câm đang phải chịu đựng. Họ cần vượt qua để hòa nhập với xã hội. Bà rất thương những đứa trẻ bị điếc, câm bởi thậm chí ngay cả người thân cũng không biết về thứ ngôn ngữ của họ nên họ luôn phải sống trong một thế giới cô độc. Tuổi đã cao, mắt đã mờ dần, nhưng trong bà vẫn đau đáu những trăn trở cho cuộc sống của người điếc, câm.

Hương Lam

Bi hài chuyện người mẹ 37 tuổi có tới 10 con

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Sống ở thành phố đất chật người đông, bình thường người ta lam lũ nuôi hai đứa con đã mệt mỏi nhưng với chị Uyên Phương thì lấy việc nuôi nhiều con là niềm tự hào. Chị lần lượt cho ra đời 10 đứa con bằng phương pháp sinh thường.

Chuyện người đàn ông 'yêu' mẹ kế

Chủ nhật, 30/12/2012 | 22:28
Không ít những vị vua đã cậy vào quyền lực tột đỉnh của mình mà gây ra những chuyện loạn luân tai tiếng tới ngàn năm…

Đẫm nước mắt trước nỗi niềm của người mẹ mất con

Thứ 5, 28/02/2013 | 14:03
Cuộc sống quá khó khăn khiến chị phải bỏ con ở cổng trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật tại xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội.

Điều kỳ diệu từ cô bé mù thủ khoa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Trong buổi lễ tôn vinh 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm nay, Đào Thu Hương, sinh năm 1985 là gương mặt được khá nhiều người chú ý. Hương là cô gái khiếm thị bẩm sinh, hiện đang làm phiên dịch viên cho tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.