Tình yêu như mơ của người phụ nữ khuyết tật bán vé số

Tình yêu như mơ của người phụ nữ khuyết tật bán vé số

Chủ nhật, 09/06/2013 | 22:31
0
Mới 10 tuổi, mất đi một bên chân trái, tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Cho (SN 1968, Tịnh Hà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) luôn sống trong mặc cảm, tự ti với bạn bè cùng trang lứa.

Cuộc tình trong mơ

Sau khi bị tai nạn, chị Cho đã quyết định xin gia đình rời quê Quảng Ngãi vào TP.HCM đi học nghề may công nghiệp. Gia đình quyết liệt phản đối vì nghĩ rằng chị Cho vừa bị tàn tật, lại là con gái, khi vào nơi đất khách quê người chẳng may ốm đau bệnh tật thì không biết xoay xở thế nào; hơn nữa, đi học nghề xong rồi, liệu có ai nhận người như chị vào làm hay không.

Chị Cho lại nghĩ rằng, nếu ở nhà với gia đình, chị chỉ là người làm tăng thêm gánh nặng cho người thân. Điều quan trọng là chị sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Xã hội - Tình yêu như mơ của người phụ nữ khuyết tật bán vé số

Gia đình hạnh phúc của chị Cho. (Ảnh Ái Minh)

Bởi ở quê chị, những người phụ nữ khuyết tật rất ít có cơ hội để lấy chồng. Chị mong muốn có một cuộc sống tự lập. Trong một lần ở quê mở lớp học cho những người khuyết tật, đưa vào Nam đào tạo, chị hào hứng đăng ký tham gia. Năm 16 tuổi, chị vào Nam tham gia lớp học nghề may dành cho những người khuyết tật.

Trong suốt khóa học hơn một năm, chị cảm thấy cuộc sống của mình thật sự có ý nghĩa. Cho đến cuối năm, chẳng may chị bị một trận sốt thập tử nhất  sinh, bạn bè của chị đều ở quê lên thành phố nên không có phương  tiện đi lại để giúp Cho đi bệnh viện.

 Biết được Cho là người vui vẻ hòa đồng và  đầy nghị lực sống nên anh Trần Trí Thành (SN 1959), lớn hơn chị 10 tuổi, là học viên cùng lớp động lòng thương cho cô gái nhà quê một mình đơn chiếc. Anh Thành ở quận 1 (TP.HCM) nên điều kiện tốt hơn, anh  dùng chiếc xe lăn cà tàng của mình chở chị Cho đi bệnh viện và chăm sóc cho chị từng miếng cháo, anh còn động viên chị trong những lúc khó khăn.

Từ đó, chị Cho cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ anh Thành. Sau lần đó, hai người trở nên quý mến nhau hơn. Chỉ sau ba tháng, cặp tình nhân này nên vợ nên chồng. Hai con người cùng cảnh đến với nhau, cuộc sống của họ cũng đầy sóng gió.

Cưới nhau xong, vợ chồng chị Cho phải sống trong cảnh túng thiếu đủ bề. Không có nhà cửa, không có nghề nghiệp, anh chị díu dắt nhau sống cho qua ngày qua tháng. Anh Thành nhớ lại: "Hồi đó, chân tôi yếu, đi đứng không được, tôi và bà xã học nghề xong nhưng xin việc người ta không nhận. Thời điểm cách đây vài chục năm, người khuyết tật như chúng tôi còn bị xã hội kỳ thị rất nhiều. Không có việc làm, vợ chồng tôi phải đi bán vé số mưu sinh.

Những lúc không có tiền thuê nhà, vợ chồng tôi phải ra ở gầm cầu. Tuy khó khăn nhưng chúng tôi nhất định không chịu làm những việc mà lương tâm mình không cho phép như dìu nhau đi ăn xin, hay lợi dụng khuyết tật để  giở trò lừa đảo...".

Theo anh Thành, có những lúc, cuộc sống vợ chồng anh như đứng bên bờ vực thẳm, không có tiền, không có nơi ở, cũng không còn gì để ăn. Anh chị quyết định tìm mọi cách để kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Anh nghĩ ra kế vay mượn bạn bè một ít tiền để đầu tư việc bán sữa đậu nành, làm thêm nhiều nghề khác để kiếm sống. Hai vợ chồng cứ như thế bám víu nhau cùng lo toan, vun vén cho hạnh phúc gia đình.

Xã hội - Tình yêu như mơ của người phụ nữ khuyết tật bán vé số (Hình 2).

Chị và con gái tranh thủ làm kết cườm áo dài vào buổi trưa để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh Ái Minh)

Lạc quan đối mặt với "thần chết"

 Sau khi có được hai cô công chúa xinh  xắn, anh chị có thêm động lực để bước qua những khó khăn. Đặc biệt, khi biết con mình không dị tật như ba mẹ, hai bên gia đình đều vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Chị Cho nhớ lại: "Lúc con bé Phương mới sinh ra, nhìn thấy đôi má hồng hào, khuôn mặt xinh tươi, cô ruột bế nó đi khoe khắp khu phố, cô nói với mọi người rằng, không ngờ ba mẹ bị dị tật mà lại sinh ra đứa con thật đáng yêu!".

Bốn năm sau, chị cho lại sinh thêm bé Liên. Giờ đây, cả hai cô  con gái của chị đều học giỏi, chăm làm và biết nghe lời ba mẹ.  Ngoài giờ học, hai con gái của anh chị còn biết làm thêm công việc đính hạt cườm cho những chủ cơ sở may áo dài tại địa phương.

Kể về công việc này, chị Cho khoe: "Bé Phương năm nay học lớp 11, nhưng nó giỏi lắm, mỗi khi học bài xong, nó còn phụ mẹ kết cườm cho vài cái áo dài. Tính ra, làm mỗi áo chỉ được 5.000 đồng nhưng gia đình chúng tôi phải tận dụng từng cơ hội để kiếm tiền thì mới trang trải được cuộc sống  cho cả gia đình. Còn bé Liên năm nay lên lớp 8, vừa rồi thi vận động viên điền kinh của huyện được giải nhất".

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng chị Cho vẫn tin tưởng rằng sẽ có tương lai tốt đẹp hơn cho con cái mình. Chị dùng chân giả lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm Sài thành để bán vé số. Chồng chị do chân yếu, đi đứng rất khó khăn nên phụ trách việc bán sữa đậu nành gần nhà.

Chắt chiu lâu năm, vợ chồng chị Cho cũng mua được một căn nhà nhỏ để che nắng che mưa. Giờ đây, khi nghe tin nhà sắp bị giải tỏa, vợ chồng chị Cho đứng ngồi không yên.

Anh Thành cho hay: "Gia đình chúng tôi chỉ mong rằng nhà nước đền bù cho nơi ở tương tự. Nếu không cuộc sống chúng tôi không biết sẽ đi về đâu, khi hai con gái đang tuổi ăn học, vợ tôi đang  bệnh nặng". Hiện, chị Cho đang mang trong mình căn bệnh  ung thư tuyến giáp, chị phải đối mặt với cái chết từng giây từng phút. Những lần đi bệnh viện ung bướu khám, chị được các bác sĩ động viên hết lời.

Hằng ngày, chị vượt qua cơn đau bằng cách thường xuyên chạy xe lăn đến tập thể dục tại trung tâm văn hóa huyện Hóc Môn. Ba năm qua, chị luôn giành giải vận động viên quốc gia về môn ném bóng dành cho người khuyết tật. Đầu tháng 7 này, chị lại khăn gói ra Hà Nội để dự thi vận động viên quốc gia về cử tạ năm 2013 dành cho người khuyết tật. Chị tâm sự, trong gia đình chị  là nhân vật quan trọng, nếu chị bi quan, cuộc sống của mỗi thành viên sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Gương vượt khó tiêu biểu

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Phó chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Cho rất khó khăn, chính quyền xã cũng chia sẻ những khó khăn của gia đình bằng việc cấp học bổng cho các con chị Cho. Gia đình chị chỉ được công nhận là gia đình hậu khó khăn, do hiện nay, hộ khẩu của gia đình chị vẫn chưa nhập về đây. Một cán bộ hội phụ nữ xã cho biết, chị Cho là tấm gương tiêu biểu về vượt khó của xã. Chị vừa tần tảo nuôi chồng con, vừa biết sống ý nghĩa với đời.

Ái Minh

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Đời cay đắng của cô gái khuyết tật theo cuộc chơi ca hát

Thứ 4, 29/05/2013 | 10:44
Là ca sĩ có giọng hát đẹp và giàu cảm xúc, nhưng chẳng may chị lại bị khuyết tật ở đôi môi. Cuộc sống không dành tặng tất cả cho chị, nhưng với Thủy Tiên, sự lạc quan là bí quyết để chiến thắng tất cả mọi thử thách.

Hoa hậu khuyết tật bàn về 32 tỷ và Nick Vujicic

Thứ 2, 27/05/2013 | 20:10
"Sự kiện Nick đến Việt Nam đã khiến cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến những người khuyết tật, đến những rào cản, khó khăn mà họ đang gặp phải", Nguyễn Thị Ánh Ngọc, hoa hậu khuyết tật 2013 chia sẻ.

Hoa khôi khuyết tật ăn cơm muối vừng cũng không bỏ học

Thứ 5, 02/05/2013 | 17:10
Tự mình liên hệ nhờ sự trợ giúp của những tổ chức, những người bạn chưa từng quen biết, sẵn sàng ăn cơm muối vừng một tháng liền để bố mẹ đồng ý cho đi học đại học là bản lĩnh đáng khâm phục của cô hoa khôi khuyết tật xinh đẹp Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

Khát vọng trăng khuyết: Khuyết tật nhưng không khuyết dục

Thứ 2, 15/04/2013 | 16:50
Sáng ngày 15/4 tại hội trường ĐH Sư phạm HN đã diễn ra buổi giao lưu “Khát vọng Trăng khuyết” với chủ đề 'Khuyết tật nhưng không khuyết dục' và vai trò của công tác xã hội.