Có bậc trí giả không nếu mãi luẩn quẩn kiểu học trò?

Có bậc trí giả không nếu mãi luẩn quẩn kiểu học trò?

Thứ 4, 08/05/2013 | 16:30
0
Giáo dục Việt Nam đã đổi mới, đã cải cách không biết bao nhiêu lần nhưng dường như chưa đủ để tạo nên một bước đột phá.

Và nền giáo dục, theo đó, vẫn tồn tại nhiều hạt sạn! Ngay cả việc tìm ra những học giả chân chính ở thời đại vẫn coi bằng cấp là tất cả như hôm nay cũng thật khó lắm thay! Cứ nhìn vào cách làm bấy lâu nay thì từ cấp học thấp nhất đến cao nhất, từ danh vị nhờ học mà có được đến học hàm được công nhận do cống hiến đều có vẻ được đánh giá theo kiểu học trò. Trong khi khoa học và cuộc sống cần đến những học giả đích thực.

Học sinh tốt nghiệp THPT, trước lúc đi thi đại học, cao đẳng phải đi xem bói, cầu cúng, sờ đầu rùa ngoài Văn Miếu vì e sợ trượt đã đành. Nhưng, cả đến những cử nhân, thạc sỹ dù đã đứng tuổi đời và thâm niên tuổi nghề trước lúc vượt vũ môn có cao như núi vẫn sẽ rất sợ. Vậy điều gì đã khiến họ quan ngại trước những cuộc sát hạch, đánh giá đó? Trước hết, về mặt năng lực làm việc, đa số những người đáng đảm nhận các cương vị khoa học thực sự đều tỏ rõ năng lực ở mức độ khác nhau. Thế nhưng, cái điều họ sợ là sợ không "thuộc bài" với  cách đánh giá kiểu kiểm tra khả năng nhớ chứ không phải khả năng hiểu và vận dụng. Sau bao lâu đi làm trở lại với kỳ thi vẫn là bài học thuộc lí thuyết mà nhẹ về vận dụng.

Xã hội - Có bậc trí giả không nếu mãi luẩn quẩn kiểu học trò?

Nếu chỉ xét về bằng cấp và bảng điểm sẽ rất khó tìm thấy học giả đích thực

Nhìn lại kiểu chọn sinh viên có chất lượng nhằm bồi dưỡng và bổ sung vào đội ngũ giảng viên ở một số ngành học hiện nay ở các trường cao đẳng, đại học trên cả nước cũng thật đáng ngại. Đặc biệt là những ngành khoa học xã hội. Bảng điểm đỏ chói dày những con số 9, 10 luôn là một chứng cứ hùng hồn cho chất lượng đào tạo các lớp chất lượng cao và tài năng của người học. Nhưng thử hỏi, đó là điểm số đánh giá kĩ năng gì? Điểm số đó có nói lên được tất cả năng lực và mức độ cống hiến của người học hay không lại cần một thực tế trải nghiệm để kiểm chứng. Không phải cứ bỏ công làm một cái đề cương dày dặn, sát với yêu cầu trả bài của thầy là trở thành sinh viên giỏi. Hay việc viết một tiểu luận theo cái sườn mà thầy gợi ý thì chắc hẳn sẽ có được một kết quả tuyệt vời như thế. Nhưng chúng ta đã nhầm.

Chúng ta cần tìm những học giả để bổ sung vào đội ngũ làm khoa học. Vậy thì phải là những người được chủ động tìm tòi, va vấp trong khoa học và chỉ chịu ảnh hưởng ở mức tối thiểu nhất từ người thầy. Thậm chí, khi đã cứng cáp ở mức nào đó còn có thể phản biện, đánh giá lại những công trình của thầy thay vì hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ "chỉ đâu, đánh đấy", hay "tập tô" theo những gì thầy bảo.

Tôi có một người bạn dạy ngoại ngữ ở một trường THPT. Hàng ngày anh rất nhiệt tình bảo ban học trò của mình. Ấy thế mà khi các em đã thi đỗ vào trường đại học sư phạm thì chính anh lại từ chối giúp đỡ các em về chuyên môn. Bởi lẽ, biết mình vẫn được học trò cũ tin tưởng về năng lực nhưng anh không muốn cái bóng của mình làm các em không lớn được. Sẽ không thoát ra khỏi những quan niệm của thầy để làm một đồng nghiệp độc lập và có ngày tiến bộ hơn thầy. Tiếc rằng, không phải người thầy nào cũng suy nghĩ như vậy. Không phải người thầy nào cũng bỏ qua  hai tiếng danh vọng mà đẩy học trò của mình lên thành một học giả đích thực trong xã hội hiện nay.

Cũng chính bởi cách đánh giá, tuyển chọn học giả theo tiêu chí "học trò" đó mà cổng trường đại học sẽ khó rộng mở cho những học giả thực sự. Một người làm nghiên cứu giỏi đang sở hữu kiến thức đáng nể nhưng chót có thành tích học tập khiêm tốn, học vị không cao sẽ khó cơ hội lên bục giảng truyền đạt kiến thức. Trong khi người khác ôm một bộ sưu tập điểm 9, 10 lại chỉ biết "đọc giáo án" cho sinh viên nghe thay vì tường minh những điều đó bằng vốn sống nghiên cứu và năng lực làm việc thực sự. Nhìn đi nhìn lại, vẫn là một kiểu học trò như đã nói.

Phải chăng, cách đánh giá trình độ ở các cấp học  của chúng ta lâu nay là khá cẩn thận. Chỉ tiếc là cách thức tiến hành chưa phù hợp và còn nhiều điểm máy móc nên rất khó tạo cơ hội cho những học giả đích thực?! Đi tìm học giả bằng con đường đào tạo theo kiểu học trò, chạy đua với điểm số, với bảng thành tích đẹp... sẽ rất khó để thấy được những học giả đích thực. Hạt sạn nằm ở những điều luẩn quẩn như thế!                                                                     

Bảo Vy

Giáo dục Việt Nam chưa chú trọng học như thế nào?

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:51
Nền giáo dục nước ta tuy rộng nhưng chưa sâu, chưa chú trọng học như thế nào là đủ, đó là nhận của độc giả Phạm Quốc Sử, 71/86A, Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nói về nền giáo dục Việt Nam trong bài viết gửi báo Người đưa tin.

Việt Nam còn nặng vấn đề bằng cấp

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Tiếp theo Đà Nẵng, mới đây là tỉnh Nam Định đã gây xôn xao dư luận khi công bố không tuyển công chức là những sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Thông tin này ngay lập tức đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Bằng cấp với bạn có quan trọng không?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Các anh chị khóa trên, những người đã ra trường và đi làm từng an ủi chúng tôi: “Bằng cấp không quan trọng đâu em ơi, chủ yếu do năng lực của mình thôi”.

'Sản phẩm giáo dục ở các 'lò' chỉ để lấy thành tích'

Thứ 6, 12/04/2013 | 12:05
Mới đây, dư luận cả nước "dậy sóng" vì sự việc một học sinh lớp 9 ở trường tiểu học Đăk Kôi (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) không giải được phép tính chia cấp tiểu học.