'Cô bé bán diêm' - vụ án thương tâm đêm giao thừa

'Cô bé bán diêm' - vụ án thương tâm đêm giao thừa

Thứ 2, 18/03/2013 | 15:08
0
Cô bé bán diêm là một trong những chuyện cổ tích nổi tiếng được tác giả Andersen sưu tập, ghi chép và tổng hợp lại trong các tác phẩm của mình.

Truyện kể về cái chết của cô bé bán diêm trong đêm 30 tết. Mặc dù tác giả đã cố gắng lái câu chuyện sang một cái kết thúc nhân văn, nhưng số phận bất hạnh của cô bé bán diêm vẫn khiến người đời nhức nhối. Gạt bỏ câu chuyện đêm giao thừa với những giấc mơ của cô bé nghèo, vẫn còn lại một câu hỏi dành cho những người am hiểu về luật phải quan tâm.

Đêm giao thừa, tuyết rơi dày và lạnh, những người làm công cuối cùng ngoài đường phố cũng đang hối hả hoàn tất công việc để trở về sum họp với gia đình. Có một cô bé nhỏ tuổi vẫn đang bước đi lầm lũi giữa những người đang ngược xuôi. Cô bé đeo một chiếc túi trước ngực, trong túi là những bao diêm mới lấy ngày hôm qua. Ngày cuối cùng của năm nhưng cô bé gần như không bán được hàng. Có một đứa bé gái đi theo mẹ chỉ theo cô bé bán diêm một cách tò mò: "Cô bé kia không có giày kìa mẹ".

Thực ra cô cũng có giày, nhưng nó quá rộng vì vốn là của người mẹ đã mất để lại. Một chiếc giày đã bị cuốn theo bánh cỗ xe song mã lướt nhanh khi đang băng qua phố, chiếc còn lại thì bị thằng bé ngỗ ngược cướp mất. Cô bé bước đi trên tuyết, chân trần lạnh cóng.

Cô bé muốn về nhà nhưng sợ không dám vì cả ngày vẫn chưa bán được bao diêm nào, cũng chẳng có ai để ý bố thí cho mấy hào. Từ sáng đến giờ, cô bé vẫn chưa có cái gì vào bụng. Đói, rét, chân bước không vững, cô bé vẫn cố mời chào những người đi đường nhưng cô quá bé nhỏ, không đủ để gây sự chú ý tới họ. Mệt và lạnh, cô bé cuộn người trong góc giữa hai ngôi nhà rồi để ý ra ngoài phố để tìm khách. Cửa kính các cửa hàng vẫn sáng đèn, những món quà cuối cùng đã rời kệ để theo về các gia đình. Cô bé chợt nhớ tới gia đình của mình.

Em cũng từng có một gia đình ấm áp, có mẹ, bố và bà, còn giờ đây, em chỉ còn người cha vì phá sản, thất bại mà trở thành một kẻ nghiện ngập rượu chè. Hai cha con sống trong một căn phòng áp mái, gió lạnh lùa qua, mớ giẻ rách không đủ để chặn lại. Khi bình thường, cha rất thương em nhưng khi say, ông trở thành một kẻ nhẫn tâm, thường xuyên đánh đập đứa con gái nhỏ. Hàng ngày, em phải đi bán diêm để nuôi cha và chính mình.

Lạnh cóng, cô bé muốn đốt diêm lên để sưởi nhưng sợ lạm vào hàng, về nhà bố đánh nhưng khi que diêm đầu tiên được bật lên, ánh sáng của que diêm khiến em cảm thấy ấm áp hơn được đôi chút. Em gái nhớ tới ngọn lửa của cây nến nhỏ, đặt trước lò sưởi to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Que diêm thứ hai bùng cháy, em thấy hiện lên chiếc bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút mà mẹ vẫn thường chuẩn bị mỗi dịp giáng sinh.

Luyến tiếc với những kỉ niệm ngọt ngào, cô bé bật tiếp que diêm thứ ba rồi thứ tư. Một cây thông noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Trên trời có một ngôi sao rơi xuống, em nhớ tới lời dặn của bà: "Một ngôi sao rơi có nghĩa có một ai đó mới qua đời". Bà hiện lên như một phép lạ. Em bé biết khi que diêm tắt, bà cũng sẽ như tất cả những thứ đã thấy trước mặt sẽ biến mất nên quệt hết tất cả những que còn lại ở trong túi. Em mơ thấy được bà ôm vào lòng và đưa đi cùng, hai bà cháu bay lên trời cao.

Luật sư - 'Cô bé bán diêm' - vụ án thương tâm đêm giao thừa

Cô bé bán diêm là câu chuyện thương tâm khiến bạn đọc toàn thế giới nhức nhối.

Rạng sáng hôm sau, người đi đường phát hiện thấy một cô bé đáng thương đang ngồi dựa vào tường. Xung quanh em là những tàn diêm rơi vung vãi, không còn một que diêm nào chưa được đốt. Cô bé đã chết cóng từ tối qua nhưng trên gương mặt đã lạnh ngắt dường như vẫn còn vương một nụ cười. Những người có mặt đều lắc đầu: "Có lẽ nó cố sưởi ấm cho mình". Những người có trách nhiệm được mời đến và đưa xác cô bé đi. Đồng thời, thông tin tìm kiếm người nhà của em cũng được dán cáo thị trên quảng trường thị chính trong thành phố, có người vô tình biết được và báo cho người cha biết để đến nhận xác con.

Luật ta: Quyền của trẻ em phải được đảm bảo

Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở đất nước Đan Mạch vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX nhưng vấn đề được đề cập đến vẫn chưa bao giờ cũ. Trong câu chuyện này, cô bé bán diêm phải làm việc như một lao động chính trong gia đình. Đêm giao thừa vẫn còn phải lang thang ngoài đường bán hàng, không dám về nhà vì sợ bố đánh. Những cơn say của người cha đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với em. Cuối cùng, vì sợ hãi đòn roi và vì cái lạnh của tuyết rơi dày, những cơn gió thốc, em đã chết cóng trong một góc tối. Khi những người đi đường phát hiện thì đã quá muộn.

Như vậy, nếu áp dụng các tình tiết của câu chuyện trên vào pháp luật hiện hành của chúng ta thì cô bé bán diêm đã không được đảm bảo những quyền lợi cơ bản của trẻ em. Người cha trong truyện là đối tượng trực tiếp vi phạm những quyền lợi này của con gái. Cái chết của cô bé là hậu quả của việc bị bỏ đói, bị bạo hành thường xuyên trong gia đình.

Theo Điều 1 Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em: "Trong phạm vi công ước này, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Mặt khác, theo khoản 2 Điều 6 của Công ước: "Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể sự sống còn và phát triển của trẻ em". Điều 36 quy định: "Các quốc gia thành viên phải bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột khác làm phương hại về bất kỳ phương diện nào đến phúc lợi của trẻ em".

Cả Việt Nam và Đan Mạch đều là những quốc gia đã đặt bút kí vào việc đảm bảo Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em cho nên những điều khoản trong luật này hoàn toàn có hiệu lực. Theo những điều khoản đã dẫn trên, cô bé bán diêm đã bị vi phạm quyền được sống và phát triển. Người trực tiếp vi phạm dẫn tới cái chết của cô bé chính là cha ruột em.

Nếu áp dụng trường hợp em bé bán diêm trong khuôn khổ của luật pháp Việt Nam có thể thấy một số vấn đề như sau: Theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì cô bé bán diêm thuộc đối tượng được luật bảo vệ. Điều 1 quy định: "Trẻ em quy định trong luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi". Như vậy, so với Công ước Quốc tế, độ tuổi được bảo vệ của trẻ em Việt Nam thấp hơn hai tuổi.

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quy định trong Điều 7 của luật này. Cha của cô bé bán diêm đã trực tiếp vi phạm vào các khoản 7 và 8 của Điều 7. Khoản 7 quy định hành vi: "Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động". Khoản 8 quy định hành vi: "Cản trở việc học tập của trẻ em". Cô bé bán diêm bị người cha lạm dụng lao động quá mức dẫn đến tình trạng suy kiệt và chết đói, chết cóng. Trước đó, việc học hành của em cũng không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, Điều 110 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định về tội hành hạ người khác như sau: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: (a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật (Khoản 2). 

Người cha đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người cha, một người giám hộ dẫn đến cái chết thương tâm của cô con gái nhỏ trong đêm giao thừa, mức án kể trên vẫn là quá nhẹ so với mức án mà toà án lương tâm sẽ dành cho ông ta.

Hiện nay, xã hội tuy đã phát triển vượt bậc so với những năm cuối thế kỉ XVIII, đầu XIX nhưng tình trạng bóc lột, bạo hành trẻ em vẫn chưa chấm dứt. Với những trường hợp mức độ vi phạm chưa dẫn đến hậu quả trầm trọng, luật pháp Việt Nam cũng quy định rất rõ ràng trong Điều 11 Nghị định 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình: "Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình, các thành viên khác trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng".

Khi phát hiện ra những trường hợp trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, công dân có trách nhiệm phải trình báo cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc.

Hón Th

Phạt hôi của và sự đắng lòng khi luật hóa

Thứ 6, 15/03/2013 | 09:51
Hôi của là thứ hành vi tận dụng hoàn cảnh éo le, thương tâm, bất lợi của người khác để biến tài sản của người thành ra của mình.

Dự thảo của Bộ Công an có nhiều nội dung trái luật?

Thứ 6, 15/03/2013 | 08:13
Tiến sỹ, Luật sư Dương Mạnh Hùng, người từng công tác nhiều năm trong lĩnh vực pháp chế ngành Công an, cho rằng, Dự thảo Nghị định xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo có nhiều nội dung trái luật.