Cô gái tật nguyền chinh phục đỉnh cao bơi lội châu Á

Cô gái tật nguyền chinh phục đỉnh cao bơi lội châu Á

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Lần đầu tham dự Đại hội thể thao cấp Châu lục, Sa Ri “rinh” về cho đoàn ba tấm Huy chương Vàng.

Từ cô gái tật nguyền....

Sa Ri sinh ra ở Cần Đước (Long An). Lúc mang thai Sa Ri, do gia đình nghèo nên mẹ cô thích nhất chính là trái Sa Ri. Chính vì thế, loài cây có trái nho nhỏ mang hương vị chua chua trồng sau vườn nhà đã được mẹ cô chọn làm tên cho đứa con gái thứ hai của gia đình. Mong ước bình dị của bà là con mình có sức sống dẻo dai như loài cây ấy. Tuy nhiên, lên 3 tuổi, Sa Ri vướng phải nỗi đau nghiệt ngã. Căn bệnh sốt bại liệt quái ác đã làm cho đôi chân của em bị liệt vĩnh viễn.

Đến khi Sa Ri bước vào tuổi đi học, cô mới cảm nhận rõ nhất nỗi đau và sự mất mát ấy. Trong những năm tháng đến trường, cô phải đi nhờ đôi chân của người chị ruột. Đau đớn càng dâng cao khi chúng bạn thường lấy sự tật nguyền của cô ra làm trò trêu chọc. Nhiều lúc Sa Ri cảm thấy đau khổ và không muốn đến trường, nhưng nhờ chị hai che chở, động viên nên Sa Ri có dũng khí đối mặt sự thật.

Con đường đến trường chỉ vài cây số nhưng được đo đếm bằng không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của hai chị em. Thương mẹ, thương chị, Sa Ri đã cố gắng rất nhiều trong học tập. Cô luôn đứng ở trong tốp dẫn đầu của lớp. Dần dần, những người bạn cùng trường bị thuyết phục bởi nghị lực vượt khó và thành tích học tập mà Sa Ri dành được. Tình cảm quý mến yêu thương dần thế chỗ cho sự kỳ thị. Đến năm học lớp 5, thầy cô giáo trong trường biết rõ hoàn cảnh của Sa Ri đã quyên góp mua tặng em chiếc xe lăn để em tự đến trường.

Nghe/Xem - Cô gái tật nguyền chinh phục đỉnh cao bơi lội châu Á

Sa Ri “khoe” một trong số những giải thưởng mà cô đạt được

Bước vào Trung học phổ thông, một lần nữa nỗi đau trong lòng cô gái trẻ lại dậy sóng khi Sa Ri nhìn các bạn nữ khoác trên mình chiếc áo dài. Cô nhìn lại bản thân và âm thầm lê từng nấc một lên tận tầng bốn của trường. Sau bao nhiêu cố gắng, năm 2006, Sa Ri tốt nghiệp THPT trong niềm vui rộn rã của gia đình. Mặc dù đau đáu ước mơ Đại học nhưng cô đành gác lại vì gia đình khó khăn. Sa Ri muốn học nhanh để tìm việc làm tự nuôi sống bản thân. Ý thức được hạn chế của đôi chân, cô gái tật nguyền chọn học vi tính ở trường dạy trẻ khuyết tật Hóc Môn (TP.HCM). Tuy nhiên, ước mơ ấy lại một lần giang dở. Ra trường, cô không tìm được công việc như dự định.

Thấy con gái suy sụp, cha mẹ Sa Ri khuyên con về quê sống cùng gia đình. Nhưng cô gái tật nguyền không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Sa Ri quyết định học nghề tại một xưởng thêu ở Tân Bình. Khi tay nghề thành thục, mỗi tháng cô thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền này đủ cho cô gái tật nguyền tự nuôi sống bản thân. Và rồi, cuộc đời em bước sang một trang mới khi gặp được ông Trần Hoàng Minh, chủ cơ sở chăm sóc người khuyết tật Mùa Xuân. Sa Ri về sống dưới mái nhà chung Mùa Xuân cùng 29 chị em khuyết tật khác. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi đau khiếm khuyết trên cơ thể. Tuy nhiên, họ hòa hợp nhau trong tình đồng cảnh như chị em trong nhà.

Trong những lần trao đổi, ông Minh biết Sa Ri vẫn nuôi khát vọng được viết tiếp ước mơ Đại học. Ông ra sức thuyết phục, động viên cô cố gắng tập luyện thể thao để rèn luyện thể lực, duy trì sức khỏe để thuận tiện cho việc học hành sau này. Với con mắt của người đang góp phần phát hiện hỗ trợ đào tạo 3 VĐV khuyết tật, ông Minh tin tưởng mình không nhìn lầm người. Nhất là đôi mắt của Sa Ri, nó chứa đựng rất nhiều niềm tin và nghị lực vào bản thân.

Nghe/Xem - Cô gái tật nguyền chinh phục đỉnh cao bơi lội châu Á (Hình 2).

Những tấm bằng khen của Sa Ri

Đến “nữ hoàng” bơi lội phá kỷ lục châu Á

Trong những buổi tập luyện, thấy Sa Ri kiên trì nên các HLV đã tập trung đào tạo kỹ năng bơi lội thành tích cao cho cô gái trẻ. Khi đã bơi thành thạo, Sa Ri được mời tham gia thi đấu trong Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc năm 2007. Lần đầu tiên tham gia thi đấu, cô bất ngờ đạt được ba Huy chương Vàng (HCV) và phá kỷ lục FespicGames. Niềm vui nối tiếp niềm vui, Sa Ri tham dự Para Games và tiếp tục đạt được hai Huy chương Bạc (HCB). Vinh quang bơi lội liên tiếp đến với cô, hai HCV, một HCB toàn quốc năm 2008, ba HCV toàn quốc năm 2009 và ba HCV Para Games 2009. Cũng tại Para Games 2009, Sa Ri đã phá được kỷ lục châu Á và hai kỷ lục Para Games. Cô vinh dự nhận được cúp VĐV xuất sắc nhất Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á 2009.

Môn bơi lội không chỉ giúp Sa Ri phá bỏ cái vỏ ốc tự ti mặc cảm mà còn khơi lại ước mơ học tập bị kìm nén bấy lâu. Sa Ri bắt đầu ôn thi Đại học bằng số tiền thưởng nhận được từ các giải bơi lội. Kiến thức bỏ lửng hai năm khiến Sa Ri gặp nhiều khó khăn trong quá trình ôn luyện. Nhưng cô gái trẻ quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ Đại học bằng mọi giá.

Công sức bỏ ra đã được đền bù xứng đáng, năm 2008, Sa Ri đậu vào Trường đại học Hùng Vương, chuyên ngành tiếng Anh. Đây là môn học cô yêu thích nhất. Sa Ri hạnh phúc khi mỗi ngày túc tắc vượt gần 7km đến giảng đường. Nhìn cô gái nhỏ nhắn trên chiếc xe lắc, không ai nghĩ rằng cô có nghị lực lớn đến vậy. Bốn năm học Đại học, Sa Ri phải đối mặt với lịch học dày đặc. Nhiều khi, lịch học và lịch bơi chồng lên nhau. Những lúc này, ông Minh phải túc trực đưa đón cô bằng xe máy để không ảnh hưởng thời gian.

Để có thời gian bơi lội, Sa Ri thường dậy học bài vào lúc 3 – 4h sáng. Ngày Chủ nhật hay ngày nghỉ, cô tự cho phép mình ngủ “nướng” đến hơn 5h sáng. Tại trường đại học Hùng Vương, cái tên Sa Ri trở thành động lực cho các bạn sinh viên làm điểm tựa rèn luyện ý chí vượt khó. Ghi nhận những thành tích ấn tượng mà cô đã nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp thể thao Việt Nam, năm 2010 Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho cô gái tật nguyền.

Chúng tôi dừng cuộc nói chuyện để Sa Ri tranh thủ thời gian ôn bài thi tốt nghiệp Đại học. Cô hẹn nhất định sẽ gặp lại sau khi Olympic Paragame bế mạc để kể tiếp những ấn tượng về ngày hội thể thao toàn cầu của người khuyết tật. “Dù không đặt nặng thành tích nhưng bản thân em luôn ý thức thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo”, Sa Ri cười nói.

“Ngày tập đầu tiên, em bị hụt chân và uống nước khá nhiều. Dù thầy hướng dẫn và bác Minh chỉ bảo nhưng khi xuống bể bơi đối diện với sợ hãi em lại quên hết, em đã khóc rất nhiều. Nhưng mỗi khi nhìn ánh mắt đầy nhân từ, tràn đầy tình thương của bác Minh, em dặn lòng phải quyết tâm hơn”. Động lực ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô gái trẻ chiến thắng chính mình. Ngày đầu tiên Sa Ri đã chinh phục được 50 mét hồ bơi. Kết quả đó với nhiều người thật đơn giản nhưng với Sa Ri là bước tiến kỳ diệu. Tham gia tập luyện muộn, Sa Ri nhủ lòng phải nỗ lực thật nhiều mới mong tiến kịp các VĐV khác. Số tiền kiếm được từ nghề thêu và xếp hoa giấy, em dùng để mua vé bơi hàng tháng.

Khanh Dư


Tag: Châu Á