Con đường nghệ thuật lạ kỳ của 'Hoàng tử Guitar' Việt Nam

Con đường nghệ thuật lạ kỳ của 'Hoàng tử Guitar' Việt Nam

Thứ 2, 10/06/2013 | 14:10
1
Anh chính là nghệ sỹ Guitar hàng đầu Việt Nam Dương Kim Dũng, được mệnh danh là "Hoàng tử Guitar Việt Nam", người được chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu (giai đoạn 1976-1986) đặc cách thi vào Nhạc viện.

Bộ trưởng đặc cách thi vào Nhạc viện

Nghệ sĩ Dương Kim Dũng (52 tuổi, Quận 1, TP.HCM) cho biết anh may mắn khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống chơi đàn Guitar và đam mê hội họa. Từ thuở nhỏ, cha mẹ đã hướng cho anh một thẩm mỹ âm nhạc rõ ràng, lành mạnh. Trong mái nhà nhỏ, cha mẹ thường mở cho anh nghe những bản nhạc tiền chiến, nhạc cổ điển, nhạc nước ngoài..., cứ thế, "gu" âm nhạc cổ điển ăn sâu vào máu thịt và định hướng nghề nghiệp mà nghệ sỹ theo đuổi sau này.

Nhân vật - Con đường nghệ thuật lạ kỳ của 'Hoàng tử Guitar' Việt Nam

"Hoàng tử Guitar" Dương Kim Dũng.

Khi 9 tuổi, nghệ sỹ Dương Kim Dũng trong vóc dáng nhỏ nhắn thư sinh đã tập tành ôm chiếc đàn to bản vào lòng và "nghịch" thành những giai điệu ngây ngô. Khi đã biết cơ bản về các ngón đàn từ sự truyền dạy của cha, anh tự mua tài liệu từ nước ngoài về nghiên cứu nhạc cổ điển. Dựa vào sách vở, nghệ sỹ Dương Kim Dũng tự mày mò tự thân học nhạc, học đàn. "Không thầy đố mày làm nên", anh quyết luyện ngón đàn mình bằng cách theo thầy Nguyễn Quang Tri, Dương Thiệu Tước...

Tuy nhiên, khi con đường âm nhạc đang trên đà định hình, anh đến tuổi quân dịch. Để tránh, anh đành thi vào trường cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai. Vốn có khiếu hội họa từ nhỏ, anh thi đậu với điểm số cao. Xa nhà, anh chỉ có cây đàn Guitar bầu bạn. Niềm yêu đàn, yêu nhạc còn đó và nó thôi thúc anh mỗi tuần tìm lý do để về Sài Gòn, đi biểu diễn Guitar. Cũng chính trong những lần biểu diễn ấy, đã thay đổi con đường của anh mãi  mãi.

Một lần, Dương Kim Dũng biểu diễn Guitar ở chương trình chào mừng phái đoàn Bungary. Trước ngón đàn điêu luyện đưa người nghe thả hồn trong những giai điệu trầm bổng, Bộ trưởng bộ Văn hoá lúc bấy giờ - ông Nguyễn Văn Hiếu (Bộ trưởng giai đoạn 1976 - 1986) đã bị thuyết phục. Ông chủ động bước đến nói chuyện với cậu sinh viên trong mái tóc lãng tử. Nghệ sĩ Dương Kim Dũng nhớ lại: "Khi được hỏi, tôi không ngần ngại thổ lộ với Bộ trưởng rằng tôi đang học Mỹ thuật nhưng niềm đam mê thực sự và lớn lao mà cả đời tôi muốn theo đuổi lại là âm nhạc".

Nghệ sĩ Dương Kim Dũng nhớ lại: "Tôi yêu đàn Guitar hơn mọi thứ nên, khi ngài bộ trưởng hỏi tôi có còn muốn thi vào Nhạc viện hay không mặc dù lúc đó kỳ thi tuyển sinh vào trường đã kết thúc tôi đã gật đầu đồng ý. Nhưng khi ấy, tôi cứ nghĩ câu hỏi đó chỉ để xác định niềm đam mê và cũng chỉ để động viên, nhưng ngờ đâu đó lại trở thành hiện thực". Sau buổi gặp, ít hôm sau, tại trường, anh nhận được công văn do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ký xác nhận cho phép anh thi thử vào Nhạc viện TP.HCM. Ngay sau đó, một hội đồng thi được thành lập chỉ để cho Dương Kim Dũng thử sức, nếu vượt qua, anh sẽ đường hoàng trở thành sinh viên Nhạc viện.

Anh nhớ lại: "Tôi sung sướng đến nghẹt thở, nhưng rồi chợt nhận ra áp lực và niềm tin Bộ trưởng dành cho tôi quá lớn. Tôi sợ làm ông thất vọng, sợ mình thất bại. Nhưng tôi cố tập luyện thật nhiều, tập đến đau hết các đầu móng tay. Tôi dự thi với mục tiêu không phụ sự kỳ vọng của một người không hề quen biết đã đặt vào niềm đam mê của bản thân mình".

Cuối cùng những tháng ngày cố gắng tập luyện không mệt mỏi của anh cũng gặt hái được quả ngọt. Anh tốt nghiệp thủ khoa hệ trung cấp và đại học Nhạc viện TP.HCM. Sau ngày tốt nghiệp, nghệ sỹ Dương Kim Dũng được giữ lại trường làm giảng viên. Hiện nay, anh đang làm trưởng Khoa Guitar.

Nhân vật - Con đường nghệ thuật lạ kỳ của 'Hoàng tử Guitar' Việt Nam (Hình 2).

Sự nghiêm túc trong nghề nghiệp luôn được nghệ sỹ Dương Kim Dũng đề cao.

Và "Hoàng tử Guitar" nổi danh

Năm 15 tuổi, nghệ sỹ Dương Kim Dũng đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng Sài Gòn khi đang học tại trường Thống Nhất và gây tiếng vang bằng bản nhạc Los Sitios De Zaragoza. Năm 1982, anh đạt giải nhất cuộc thi Guitar Độc tấu toàn quốc. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, anh tập trung vào công tác giảng dạy và biểu diễn. Ngoài ra, nghệ sỹ còn là giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc trên toàn quốc. Vị trưởng Khoa Guitar được đánh giá là người có tốc độ chạy ngón nhanh nhất Việt Nam hiện nay.

Dù đã bước đến đỉnh cao của sự nghiệp nhưng nghệ sỹ Dương Kim Dũng vẫn chưa ngày nào lơ là việc tập luyện. Nghệ sỹ chia sẻ: "Giới nghệ sỹ chúng tôi truyền tai nhau rằng, nếu một tuần anh không tập đàn, anh biết tay nghề mình xuống; nếu một tháng anh không tập, bạn bè biết anh xuống; một năm anh bỏ đàn, cả nước biết anh chơi xuống. Học nghề nào cũng có một thời hạn tập luyện nhất định, chỉ có học đàn mới phải luyện cả đời".

Dòng Guitar cổ điển và Flamenco rất kén người nghe nên sau thời kỳ đổi mới, sân khấu dành cho người nghệ sỹ chơi đàn rất hiếm hoi. Người nghệ sỹ chơi đàn Guitar rất dễ chán nản, nhưng nhiệt huyết dành cho ngón  đàn trong ông vẫn như ngày nào. Để nuôi dưỡng nhiệt huyết ấy, mỗi ngày, anh dành ra 3 giờ đồng hồ tập luyện. Chính sự cần cù trong nghề nghiệp, anh được giới chuyên môn đánh giá có khả năng biểu diễn thể loại Flamenco nổi trội nhất hiện nay. Không chỉ tiếp nối truyền thống, Dương Kim Dũng còn được nhìn nhận là người đã nghiên cứu, khai thác và biểu diễn đúng chất Flamenco truyền thống Tây Ban Nha với những kỹ thuật mới, qua việc sáng tác và soạn một số tác phẩm theo phong cách vừa cổ điển vừa Flamenco. Những nỗ lực của anh đã mang lại màu sắc mới mẻ cho các nhạc phẩm Việt Nam, thổi một luồng gió mới vào nghệ thuật biểu diễn Guitar hiện đại.

Những cố gắng của anh được người trong giới nghệ thuật công nhận bằng việc trả cát-sê cao nhất trong các nghệ sỹ biểu diễn Guitar hiện nay. 20 triệu đồng cho một buổi biểu diễn của anh so với các ngôi sao ca nhạc thì vẫn còn ít ỏi nhưng đó là niềm động viên lớn lao đối với những nghệ sỹ Guitar chân chính. Khoản thu nhập đó đủ để cuộc sống gia đình ông thoải mái hơn, điều mà nhiều nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật khó mà làm được.

Anh không nhớ từ bao giờ mình có biệt danh "Hoàng tử Guitar" và lý do tại sao bạn bè lại gọi mình như vậy. Anh cười nhẹ và giải thích: “Có lẽ, bạn bè thấy vóc dáng, gương mặt tôi trẻ hơn tuổi nên ưu ái đặt cho biệt danh "Hoàng tử Guitar"”. Cũng nhờ gương mặt trẻ thơ và khả năng biểu diễn Guitar mà anh đã chinh phục trái tim quyết đoán của cô Ninh Hồng.

Anh nhớ những lần đi qua con đường Trần Quang Khải hơn mấy chục năm trước, ở chính căn nhà hiện nay vợ chồng nghệ sỹ đang sống, có một cô gái tóc ngắn, xinh đẹp ngồi ôm Guitar đánh lên những khúc nhạc... Giữa bộn bề, một hình ảnh đẹp đã níu chân anh nghệ sỹ trẻ, anh quay lại kiếm cớ mua đồ để làm quen với cô gái cá tính. 10 năm theo đuổi, 10 năm tiếng đàn của anh đã thuyết phục cô gái sắt son và chờ đợi ngày cả hai thành danh để nên vợ thành chồng. Người vợ của nghệ sỹ Dương Kim Dũng cũng mê đàn và tranh của bà vẽ rất cá tính, được ông treo khắp phòng tập.

Anh tham gia công tác giảng dạy trong suốt hơn 20 năm, học trò của ông có đủ mọi thành phần: Giáo viên, học sinh, người bình dân... nhưng tất cả đều yêu thích bộ môn Guitar. Anh cho biết: "Học Guitar có ba loại để chọn lựa: Classic, Flamenco và đàn đệm. Trong đó, đa số tìm đến để học Guitar chỉ mong thỏa được mong muốn vừa đàn vừa hát. Tôi phải thừa nhận rằng để đeo đuổi nghệ thuật biểu diễn Guitar không phải ai cũng làm được. Những sinh viên nghèo không tài nào kiếm ra số tiền lớn hơn 15 triệu đồng để có cây đàn theo đuổi nghiệp học thể loại classic, Flamenco".

Gia đình là cây "Guitar" số 1

Nghệ sỹ Guitar Dương Kim Dũng quan niệm gia đình chính là cây Guitar quý giá nhất mà ông may mắn và hạnh phúc được sống chung. Vợ anh, một người phụ nữ đảm đang, cá tính, quán xuyến con cái rất tốt, chu toàn cuộc sống gia đình để anh yên tâm hoạt động nghệ thuật. Hai người con của anh đều bộc lộ năng khiếu biểu diễn âm nhạc từ lúc nhỏ. Đó là niềm động viên lớn lao dù cho các em không theo nghiệp biểu diễn Guitar của cha.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Phi Thanh Vân: Tôi không cần sống ảo để đạt điều gì đó

Thứ 6, 07/06/2013 | 09:05
"Tôi luôn dành thời gian để làm nghề một cách tốt nhất và những gì tôi nói đều xuất phát từ cảm nghĩ thật của mình. Tôi không cần sống ảo để đạt được một điều gì đó", Phi Thanh Vân chia sẻ.

Nhà Văn Lê Lựu: Tôi xuất thân từ 'chân đất mắt toét'

Thứ 6, 07/06/2013 | 13:39
Tôi gặp nhà văn Lê Lựu trong căn nhà ở cuối ngõ Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội. Ở tuổi 71, trải qua 5 lần tai biến mạch máu não, giờ đây ông lại lần giường tập đi như một đứa trẻ... Tuy không còn khỏe mạnh, nhưng cách nói chuyện của ông vẫn rất hóm hỉnh và vui tươi...

Đàm Vĩnh Hưng: 'Đêm đầu tiên của tôi vào năm 21 tuổi'

Thứ 7, 08/06/2013 | 12:56
"Ông hoàng nhạc Việt" khiến fan kinh ngạc khi tiết lộ về lần đầu tiên qua đêm, thậm chí anh còn nhớ rõ địa điểm xảy ra kỷ niệm đáng nhớ này.