Công chúa từng ở đợ thành “nữ hoàng” đặc sản cố đô

Công chúa từng ở đợ thành “nữ hoàng” đặc sản cố đô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
(Nguopiduatin.vn) Món ăn Huế đi vào lòng du khách như một hương vị ẩm thực riêng. Bước chân đến đây, chúng tôi được giới thiệu khá nhiều về món cơm hến, đặc sản đất Thần Kinh. Những tô cơm hến dân dã đã cuốn hút khách ăn đến kỳ lạ. Người ta đồn nhau, món ăn thú vị ấy là tinh hoa được sáng tạo từ bàn tay và khối óc của một nàng công chúa.

Dòng dõi hoàng tộc

Mảnh đất cố đô mang một nét dịu dàng trầm mặc, uốn mình trong cái cổ kính của văn hóa cung đình. Tà áo dài phất phơ trong nắng chiều, đẹp vấn vương lòng người ghé chân đến Huế. Thoáng trong âm thanh nhẹ như hơi thở, tiếng mời cơm hến khiến ai đó bất giác quay đầu lại. Bát cơm ăn vội bên vệ đường như đi vào lòng một kẻ lãng du.

Qua giọng Huế trong veo, nhẹ tựa lông hồng của chị chủ quán, chúng tôi mới biết người tạo ra món ăn vừa quen vừa lạ ấy là một nàng công chúa. Bước chân lạc đến con hẻm ngoằn ngoèo, có ngôi nhà nhỏ, đó là nơi mái ấm của Công Tằng Tôn Nữ Bội Hoàn. Lắng nghe những trải lòng của tác giả món cơm hến, chúng tôi thấy không phải cô công chúa nào cũng được sống trong nhung lụa mềm mại, cao sang chốn cung các.

Sự kiện - Công chúa từng ở đợ thành “nữ hoàng” đặc sản cố đô

Bà Công Tằng Tôn Nữ Bội Hoàn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bà Công Tằng Tôn Nữ Bội Hoàn vốn xuất thân dòng dõi vương tộc thuộc Phủ Văn Lãng Quận Vương, hệ III dòng vua Thiệu Trị. Bà là chắt nội của vua Hiệp Hòa (vị Vua thứ 6 của Triều Nguyễn). Thân sinh ra bà chính là Hoàng thân Bửu Trác, một vị đại thần thống chế Nhất phẩm triều đình. Mẹ bà từng làm trong Công Nga Thị Nữ ở Nội thành và được hầu Thái Hậu. Công Tằng Tôn Nữ Bội Hoàn (SN 1936). Từ nhỏ, bà đã tỏ tường các lễ giáo, phép tắc trong một gia đình hoàng tộc. Trái với hình ảnh những cô công chúa luôn được cung phụng, nhõng nhẽo, cậy quyền, Tôn Nữ Bội Hoàn sớm được dạy về đạo lý làm người.

Bà cùng các anh chị em trong gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sự giáo dục của cha. Sống trong thời buổi loạn lạc, Hoàng thân Bửu Trác dạy cho các con mình trách nhiệm với quê hương, đất nước. Khoác lên thân phận hoàng tộc cao quý, phải luôn đi kèm với nghĩa vụ cao cả giúp dân giúp nước. Ngay như bản thân ông, mặc dù được chọn là người thừa kế ngôi vua nhưng vì tư tưởng kháng Pháp nên ông từ chối, chấp nhận sống cuộc đời đày ải. Sau khi vua Khải Định băng hà, Bảo Đại lên ngôi vua, ông đòi phế truất Bảo Đại. Chính vì thế ông bị bắt, tước hết chức tước, tôn tịch và đày đến nhà tù Lao Bảo. Sau này khi ra tù, Hoàng thân Bửu Trác không tham gia vào công việc triều chính, dẫu các quan lại ra sức mời mọc. Ông đã chọn cho mình một hướng đi khác, cùng những cộng sự, ông thành lập ra Hội An Nam Phật học.

Xuất phát tư tưởng phản kháng với vị vua đương trị, gia đình ông dẫu mang danh nghĩa hoàng thân nhưng cũng không được hưởng ân phú quý. Ông cùng gia đình sống trong ngôi nhà nhỏ ở số 15B (phường Thuận An, TP. Huế). Và gia đình Tôn Nữ Bội Hoàn đã có những tháng ngày hạnh phúc ở đó.

Nàng công chúa đi... ở đợ

Anh em bà Bội Hoàn lớn lên trong sự nuôi dạy, chỉ bảo vừa nghiêm khắc, vừa sâu sắc của cha. Nhưng khi Tôn Nữ Bội Hoàn lên bốn tuổi, cụ Bửu Trác qua đời. Ông đã để lại trên đôi vai vợ gánh nặng mưu sinh. Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, bảy miệng ăn trông vào gánh hàng xáo của mẹ. Ngoài thời gian học hành, mấy anh chị em bảo ban nhau, đỡ đần mẹ. Đó là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình Hoàng thân này.

Mặc dù phải lo toan với cuộc sống, với miếng ăn nhưng người mẹ này không quên dạy các con về đạo sống. Các anh chị của bà lĩnh thụ những lẽ sống từ cha mẹ, mang tuổi thanh xuân của mình phục vụ cho cách mạng từ rất sớm. Nhưng rồi, sự khốc liệt của chiến tranh đã lần lượt cướp đi người anh cả Vĩnh Tập, chính trị viên trung đội tiểu đoàn tiếp phòng quân Huế. Kế đến là chị gái Băng Tâm, tình báo viên Huế. Nói đến đây, bà đưa tay lau nước mắt rồi nhìn ra khoảng sân trước mặt. Tâm sự với chúng tôi, người đàn bà này cho biết: "Hồi đó, gia đình tôi liên tục mất đi những người thân yêu. Cảm giác ấy đau đớn vô cùng. Tôi thề nguyện trước di ảnh của các anh chị đã khuất là sẽ trả thù cho họ. Lúc ấy, ý chí và lòng căm thù giặc trỗi dậy trong tôi mãnh liệt lắm".

Hồi đó, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bà Bội Hoàn phải làm đủ nghề để san sẻ gánh nặng mưu sinh cho đôi vai mẹ. Từ năm 1954 - 1959, bà đi ở đợ cho một gia đình họ hàng. Sau này, ai thuê gì làm nấy, chứ không quản ngại thân phận quý tộc. Từ làm công vất vả tại xưởng chế tạo quân cụ cho đến rong ruổi khắp các kiệt, hẻm Huế nào cũng quá quen thuộc với gánh hàng rong trên vai bà.

Sau đó ít lâu, bà Bội Hoàn cũng gia nhập vào hàng ngũ cách mạng. Bà mang tuổi trẻ, lý tưởng sống phục vụ đất nước. Từ năm 1966 - 1975, bà được mệnh danh là "cơ sở hậu phương" an toàn ở Huế. Nhiệm vụ nào được giao phó, bà đều hoàn thành tốt, không nề hà nặng nhọc, cực khổ. Nhờ những thành tích bản thân đạt được, bà vinh dự trở thành một trong những người được bảo vệ cho sự an toàn của đồng chí Trần Hoài (Tổng thư kí Ban chấp hành, Thường trực ủy ban dân tộc giải phóng thành phố Huế).

Bà đã chọn lựa con đường lý tưởng mà cha và các anh chị bà đã đi. Tuy nhiên, Bội Hoàn đã đi theo cách riêng của mình. Đây là một gia đình đặc biệt trong hệ thống Hoàng thân lúc bấy giờ.

Sự kiện - Công chúa từng ở đợ thành “nữ hoàng” đặc sản cố đô (Hình 2).

Cơm hến với bộ nguyên liệu đa dạng phong phú.

Người phụ nữ có đôi tay vàng

Khách sành ăn đặc sản Huế không ai không biết đến người đàn bà này. Có những món ăn do chính bàn tay bà chế biến đã trở thành một thương hiệu Huế. Đến với quê hương của chiếc nón bài thơ, nhiều người cố gắng tìm cho mình một địa chỉ cơm hến. Bình dị và dân dã, không biết từ bao giờ cơm hến trở thành một nét đặc trưng của vùng đất kinh kỳ.

Tâm sự với chúng tôi, bà Bội Hoàn cho biết, bà sớm bộc lộ năng khiếu nấu ăn của mình từ nhỏ. Mẹ bà vốn là một người phụ nữ khéo tay. Những món ăn hàng rong của gia đình bà vốn được nhiều người chuộng. Ngoài ra, Tôn Nữ Bội Hoàn còn được người dì ruột làm việc trong thành Nội dạy vẽ. Đi đâu thấy ai làm món gì ngon, chỉ cần nhìn qua là bà đã làm lại được. Thậm chí còn ngon, đẹp hơn.

Bà có đam mê thực sự với ẩm thực và dành cho nó toàn bộ tâm huyết của mình. Giới trong nghề nhắc đến bà với một sự kiêng nể, bởi "gia tài" đồ sộ về chế biến món ăn mà bà sở hữu. Hiện tại, bà là tác giả của 120 món ăn ba miền. Ngày ấy, sau khi đất nước giải phóng, thống nhất hai miền Nam - Bắc, bà chuyên tâm hơn cho nữ công gia chánh. Với tài năng của mình, rất nhiều khách sạn nổi tiếng trong và ngoài tỉnh có ý mời bà về làm. Năm 1976, bà vào làm việc tại Khách sạn Hương Giang. Bằng những món ngon nổi tiếng của mình, bà đã góp phần đưa nơi này trở thành một trong những điểm đến đông khách nhất ở Huế lúc bấy giờ.

Năm nay Tôn Nữ Bội Hoàn đã bước sang tuổi 76, cái tuổi "xưa nay hiếm". Để có người bầu bạn, bà đã gọi mấy sinh viên sang ở cùng cho vui cửa, vui nhà. Người nào gặp khó khăn đều được bà giúp đỡ và cho những lời khuyên chân thành, bổ ích.

Bà là người khiêm tốn, không phô trương, luôn giữ trong mình nét dịu dàng đằm thắm của người con gái xuất thân hoàng tộc. Dẫu chuyện đời có lắm truân chuyên, nhưng vẫn không lung lay được nàng công chúa "dân dã" ấy.

Từ năm 1976 - 1980, bà Bội Hoàn liên tiếp được Tổng cục Du lịch trao bằng khen danh hiệu lao động tiên tiến và cá nhân xuất sắc. Ngoài ra, bà còn là một thành viên năng nổ trong các hoạt động đoàn thể. Năm 1984, bà được cử đi thi Cuộc thi nấu các món ăn dân tộc toàn ngành du lịch lần thứ Nhất, diễn ra tại Vũng Tàu. Trong cuộc thi này, bà đã dành được một Huy chương Vàng món cơm hến, 3 Huy chương Bạc cho các món: Bánh lá chả tôm, mâm cơm chay Huế, bánh bèo chén - thịt ba chỉ.

Loan Nguyễn - Thùy Linh