Danh hài Thành Trung: MC là nghề không chấp nhận sảy miệng

Danh hài Thành Trung: MC là nghề không chấp nhận sảy miệng

Thứ 4, 12/06/2013 | 21:08
0
Dù nổi danh từ khá lâu, từ khi se-ri chương trình Gặp nhau cuối tuần đầu tiên, nhưng Thành Trung lại tỏ ra khá năng động khi chuyển mục tiêu sang lĩnh vực MC. Lý do cho sự chuyển nghề đó là gì?

Tự đạo diễn để chống nhạt cho kịch bản hài

Hiện nay, kịch bản hài ngày càng nhạt và thiếu dần độ hấp dẫn. Là một diễn viên hài được nhiều người yêu thích, anh đồng ý với nhận định trên?

Kịch bản hài hay bi kịch đều là sản phẩm của trí tuệ nên đều cần thời gian để đầu tư cũng như tư duy. Nó đòi hỏi khả năng sáng tạo cao, bởi hài kịch luôn cần những tình tiết mới lạ. Bản chất kịch bản hài được cấu thành từ những yếu tố bất ngờ. Cách đây khoảng 10 năm khi chúng ta mới tiếp cận các vấn đề xã hội thông qua lăng kính hài hước thì nguồn đề tài để xây dựng kịch bản khá dồi dào. Những năm gần đây, hầu như không có kịch bản hài nào gây được tiếng vang. Công chúng ngày nay được xem nhiều hơn nên có điều kiện so sánh. Một phần do cung không đủ cầu nên đề tài cho kịch bản hài có phần hạn chế bởi kịch bản hài hoàn toàn không chấp nhận yếu tố vay mượn ý tưởng. Trong khi đó, người viết kịch bản hài hầu hết đều là dân không chuyên.

Nhân vật - Danh hài Thành Trung: MC là nghề không chấp nhận sảy miệng

Thành Trung trong vai diễn Táo quân

Trước sự nghèo nàn về nội dung kịch bản hài, liệu Thành Trung có cảm thấy vất vả hơn trước đây trong vai diễn?

Các cụ thường nói có bột mới gột nên hồ. Kịch bản vẫn luôn là yếu tố quan trọng, là xương sống tạo nên sự thành công của vở diễn. Đặc điểm của một kịch bản hài là người đạo diễn và diễn viên đều phải làm việc để xây dựng nên linh hồn của vở diễn. Với lợi thế luôn được tạo điều kiện để diễn viên tự do sáng tạo nên diễn viên hài thường phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc tạo dấu ấn của bản thân. Chính vì thế, muốn có một kịch bản "phăng" (chỉ sự độc đáo và phối hợp ăn ý - PV) thì người diễn viên đôi khi lại kiêm vai trò đạo diễn cho chính vai diễn của mình.

Đã từng có kịch bản nào khiến anh cảm thấy mãn nguyện bởi khả năng tự đạo diễn của chính mình? 

Tôi nhớ nhất tiểu phẩm hài mang tên Học đòi hip hop trong chương trình Gặp nhau cuối tuần cách đây 5 năm. Tiểu phẩm có nội dung kể về một gia đình có người mẹ quá chiều con dẫn đến chàng quý tử được thể liên tục đưa ra những đòi hỏi, yêu sách như: Xe hơi, đám cưới hoành tráng hay tuần du lịch trăng mật ở tận phương trời Tây... trong khi kinh tế gia đình không hề khá giả. Sẵn có nhiều bạn bè cùng trang lứa ít nhiều nhiễm thứ "bệnh thời đại" như nội dung kịch bản nên tôi hào hứng đưa những chi tiết rất thực ngoài đời vào trong vai diễn.

Do rất hứng thú với vai diễn mang tính chất  "gãi đúng chỗ ngứa" lại được đạo diễn cho phép thỏa sức sáng tạo nên tôi nhập vai "ngọt" đến mức đạo diễn cũng cười suốt từ đầu đến cuối buổi tập. Đặc biệt những chi tiết "nổ" rất phổ biến của nhiều đám cưới hiện đại như việc rước dâu bằng dàn xe hơi sang trọng chỉ để chạy quanh thành phố, khoe mẽ trong khi nhà gái và nhà trai cách nhau... bờ tường.

Chứng kiến công sức mình bỏ ra, được khán giả ghi nhận khiến tôi vô cùng xúc động. Từ đó, tôi tự đúc rút được kinh nghiệm rằng, kịch bản gần gũi với cuộc sống thì người diễn viên hài càng dễ nhập vai và được khán giả ghi nhận.

Nhân vật - Danh hài Thành Trung: MC là nghề không chấp nhận sảy miệng (Hình 2).

Thành Trung luôn hào hứng với những chương trình dành cho trẻ thơ

Đào tạo MC hiện nay phần lớn chỉ dừng ở mức... nói chuyện nghề

Chuyển từ diễn viên hài sang làm MC (người dẫn chương trình), kỷ niệm lần đầu tiên Thành Trung làm chủ sân khấu như thế nào?

Lần đầu tiên tôi dẫn chương trình là một tụ điểm ca nhạc dành cho học sinh, sinh viên có tên Vọng Quán vào năm 2003. Đây từng một thời được coi là mảnh đất tung hoành của anh Xuân Bắc. Sau khi thành danh và có nhiều kế hoạch cho con đường sự nghiệp của mình, anh Xuân Bắc thôi làm thì tôi về đây thế chân. Thời điểm bấy giờ những tụ điểm mang tính giải trí cho giới trẻ không nhiều nên đây được coi là địa chỉ được nhiều người biết đến. Cảm giác lo lắng phải làm thế nào để vượt qua được cái bóng của người dẫn chương trình quen thuộc trước đây, khiến tôi khá căng thẳng trong buổi đầu tiên đứng trên sân khấu.

Có lợi thế là người hoạt ngôn nên tôi tận dụng tối đa ưu điểm của mình. Sau khi nhận việc khoảng hơn một tháng thì tôi nhận được thông báo đỗ vào trường Sân khấu điện ảnh. Tin vui đó khiến tôi thăng hoa hơn khi dẫn chương trình trên sân khấu. Một chút kiêu hãnh về một tân sinh viên đi làm thêm khiến tôi cảm thấy mình lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Từ đó, tôi cũng củng cố thêm sự tự tin khi đứng trước đám đông để làm chủ sân khấu.

Khi đứng trên sân khấu, anh có bí quyết gì để phân định rạch ròi vai trò của diễn viên hài và MC?

Khi diễn hài, tôi có thể phiêu theo kịch bản hoặc tự do với những sáng tạo bất ngờ trong ngôn ngữ diễn xuất thì khi là MC, tôi buộc phải tỉnh táo. Bởi MC là một nghề đòi hỏi ngôn từ phải chuẩn, không chấp nhận xảy miệng. Đặc biệt là những chương trình truyền hình trực tiếp thì áp lực về sự chuẩn mực trong lời dẫn lớn hơn rất nhiều những chương trình ghi hình trước. Hàng loạt những chương trình tôi tham gia với vai trò MC truyền hình trong những ngày đầu tiên đều là những chương trình dành cho thiếu nhi như Cầu thủ tí hon (VTV2) , Mặt trời hồng (Đài PTTH Hà Nội)...

Đối với tôi, chất hài hước sẵn có của một diễn viên hài có khá nhiều lợi thế khi chuyển sang làm MC. Là người kiểm soát được những ưu, nhược điểm của bản thân nên tôi thường "né" những chương trình talk show (thiên về giao lưu, trao đổi) mà lựa chọn những chương trình mang tính giải trí, hài hước phù hợp với cá tính của mình, như các game show dành cho các bạn trẻ.

Trước thực tế nhà nhà học làm MC, người người học làm MC, dẫn theo hàng loạt lớp đào tạo MC cấp tốc, theo anh, hiệu quả của những lớp học cấp tốc này thể hiện như thế nào?

MC là một nghề đòi hỏi kỹ năng đối phó tình huống và sự linh hoạt của người dẫn. Hiện nay có nhiều "lò" đào tạo MC treo biển, thời gian đầu tư cho mỗi khóa học từ 5 - 10 buổi, thậm chí không ít lớp học cấp tốc còn rút ngắn thời gian đến mức tối đa xuống còn 3 - 5 buổi để "câu" khách đến đăng ký. Tuy nhiên là người trong nghề, tôi có thể khẳng định, tất cả những khóa học cấp tốc kiểu đó chỉ mang tính chất... nói chuyện nghề là chính. Giáo trình của nghề MC không đơn thuần là lý thuyết mà phải liên tục tạo ra những tình huống để học viên có điều kiện thực hành. Điều này hầu như tại các lớp đào tạo MC chưa làm được.     

Yêu trẻ là con đường ngắn nhất để lấy được nụ cười

Tôi là người rất yêu trẻ con nên hiểu rất nhanh ngôn ngữ, cách biểu đạt của trẻ. Vì thế, tại những chương trình hài kịch dành cho thiếu nhi, dù là MC hay diễn viên, tôi đều nhận được sự yêu mến của các em. Thực tế, những lúc rảnh rỗi, tôi dành nhiều thời gian chơi cũng như quan sát các bé giao lưu để biết cách lấy được nụ cười của trẻ. Gắn bó với các em nhỏ nhiều nên tôi mang nguyên vẹn tình yêu với các em nhỏ lên sân khấu. Bình thường khi chơi với các bé tôi thường có thói quen thơm má hay véo mũi các cháu nên khi chính thức diễn trên sân khấu thấy các bé nhập vai tốt quá, tôi lại theo thói quen thể hiện tình cảm bằng những hành động quen thuộc, khiến các bé thì thầm phê bình nhắc nhở. Nếu như Xuân Bắc, Tự Long tính đến nay đã có 6 năm tên tuổi gắn với nhiều vở diễn khiến các bé vô cùng yêu thích thì tôi cũng đã có thâm niên 5 năm. Dường như đã thành thông lệ, cứ đến những ngày lễ tết dành co thiếu nhi như 1/ 6, trung thu…dù có bận đến mấy, tôi cũng gạt hết để tập trung tập luyện kịch bản thiếu nhi, phục vụ các bé. Vở diễn Bảy viên ngọc rồng diễn vào dịp 1/6/ 2011 đã đem về cho tôi Huy chương bạc hội diễn toàn quốc. Nó đã động viên tinh thần cho tôi rất nhiều.

Tuệ Linh

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Cuộc đời giai nhân xứ Bắc một thời - ca sĩ Ái Vân

Thứ 3, 11/06/2013 | 09:07
Ông Trời chẳng cho ai được hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải, thì cũng mang lại bất hạnh bên tay trái mà thôi.

Phi Thanh Vân: Tôi không cần sống ảo để đạt điều gì đó

Thứ 6, 07/06/2013 | 09:05
"Tôi luôn dành thời gian để làm nghề một cách tốt nhất và những gì tôi nói đều xuất phát từ cảm nghĩ thật của mình. Tôi không cần sống ảo để đạt được một điều gì đó", Phi Thanh Vân chia sẻ.

Tâm sự đắng lòng của mẹ Hoa hậu Mỹ Xuân

Thứ 5, 06/06/2013 | 15:43
Gia đình khó khăn, cha suốt ngày vất vả với vườn rau quả, mẹ bận rộn với việc dạy và bán hàng trong căng tin của trường, Xuân cũng muốn được phụ ông bà một tay nên một buổi đi học, một buổi ra đồng hái rau dại đem bán. Trong trí nhớ, hình ảnh hai bàn chân đóng phèn của con gái luôn khiến bà phải thao thức.