Để không bị tái diễn điệp khúc “bảo hành... bị “củ hành””

Để không bị tái diễn điệp khúc “bảo hành... bị “củ hành””

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
"Khách hàng là thượng đế", "Vui lòng khách đến, vừa lòng đi" vốn là những câu nói nằm lòng của giới kinh doanh. "Thuộc bài" là một chuyện nhưng có thực thi hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Nhiều cửa hàng chỉ "hô khẩu hiệu" cho đến khi chuyển xong món hàng "của nợ" đến tay khách hàng rồi sau đó lại để các thượng đế phải "khóc dở mếu dở" với câu chuyện bảo hành.

Nỗi buồn của "thượng đế"

Chị Nguyễn Thu Lan (Đống Đa, Hà Nội) phải mang chiếc điện thoại Samsung đi bảo hành vì chẳng may làm rơi khiến máy bị "đơ" màn hình. Qua cửa hàng trên phố Thái Hà, chị nhận được giấy hẹn 1 tuần đến lấy máy. Đúng hẹn chị quay cửa hàng thì lại nhận được một cái hẹn khác với lý do nhân viên nhận máy... nghỉ đẻ, "quên không bàn giao". Chị Lan đành dùng tạm chiếc điện thoại đi mượn thêm 1 tuần. Một tuần sau, tranh thủ giờ nghỉ trưa chị quay lại cửa hàng thì phải ngồi cả buổi chiều để chờ nhân viên đi "lên hãng"... lấy máy về. Chị Lan bức xúc: "Hỏng màn hình mang ra ngoài sửa có khi xong luôn, chế độ hậu mãi tốt thì có khi 1 ngày máy đã về với chủ. Họ nghĩ tôi rỗi rãi không có việc gì làm ngoài việc mang điện thoại đi bảo hành chắc?".

Xã hội - Để không bị tái diễn điệp khúc “bảo hành... bị “củ hành””

Chế độ bảo hành tốt sẽ là một lợi thế kinh doanh

Chán nản, mệt mỏi là tâm trạng chung của những khách hàng "lỡ" đem đồ đi bảo hành. Mới sửa nhà, anh Hoàng (Trung Kính, Hà Nội) quyết tâm sắm một bộ âm thanh "ra trò". Kén cá chọn canh mãi, anh cũng "rút ví" 25 triệu cho một bộ loa Roland trong một cửa hàng "có tiếng" trên phố Triệu Việt Vương. Chưa kịp nghe hết một lượt đĩa trên giá thì chiếc loa "dở chứng" im thin thít, loa được bảo hành 1 năm mà anh mới sử dụng 1 tháng nên tất nhiên, anh mang loa đi bảo hành.

"Kê bệnh", "thăm khám" xong, anh Hoàng được nhân viên cho biết, đây là hàng chính hãng, linh kiện không có sẵn, muốn thay "đồ hỏng" thì anh phải chờ "hàng về". Giấy xác nhận không có một cái hẹn cụ thể nhưng anh Hoàng không có lựa chọn nào khác là để loa ở cửa hàng rồi về chờ đợi.

Vài ngày rồi vài tuần trôi qua, "sốt ruột" với chiếc loa "nằm" tại cửa hàng, anh Hoàng liên lạc với nhân viên bảo hành thì được biết, anh ta cũng không biết bao giờ hàng mới về. Cùng với lời khẳng định "thiếu trách nhiệm", nhân viên này còn đưa ra một gợi ý: "Em có "đồ ngoài", em có thể sửa cho anh với giá hữu nghị". Theo lời giải thích của nhân viên bảo hành, "đồ ngoài" vẫn là đồ chính hãng nhưng không phải là hàng của công ty nên không thể miễn phí. Bực mình nhưng "xót của", anh Hoàng đành "gật đầu cho xong", vài ngày sau chiếc loa đã nhanh chóng "khỏi bệnh" kèm theo "viện phí" "hữu nghị" 2 triệu đồng.

"Về nhà" sau 2 tháng, chiếc loa lại tiếp tục "dở chứng", mang đi bảo hành, anh lại nhận được câu trả lời tương tự lần 1: Chờ. Quá bức xúc và không muốn bị "móc túi" thêm nữa, anh Hoàng liên hệ với giám đốc công ty và nhận được vài lời an ủi qua quýt và một lời hứa "sẽ nhanh chóng bảo hành". Có thể vì anh "đánh rắn động rừng" nên không thấy nhân viên bảo hành "gợi ý" gì nữa, nhưng nhanh chóng đâu chẳng thấy, 3 tháng trôi qua mà anh không nhận được bất kì cuộc gọi nào từ công ty này, chiếc loa mấy chục triệu của anh thì vẫn "đắp chiếu" ở đó. "Hạn bảo hành đến tháng 7 là hết hạn, không để xem họ xử lý chuyện này thế nào", anh Hoàng ngán ngẩm chia sẻ.

Để tránh bị "đem con bỏ chợ"

Nên tìm hiểu kỹ sản phẩm

Chủ một cửa hàng điện máy ở chợ Giời chia sẻ kinh nghiệm: "Không phải cứ cửa hàng to là có thể tin tưởng 100%. Tốt nhất là khách hàng nên tìm hiểu kĩ về sản phẩm, nắm được thông tin để khỏi bị "bắt nạt". Bên cạnh đó, nên tìm hiểu về cửa hàng nơi bán sản phẩm xem có khách hàng nào phản hồi tiêu cực không bằng cách tham gia các diễn đàn, tìm kiếm trên mạng hoặc hỏi người quen... để tránh những phiền toái không đáng có"

Theo các chuyên gia, từ nhiều năm nay, mặc dù người tiêu dùng đã có những động thái đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nguyên nhân là do trước đây, cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện, người sản xuất, kinh doanh nhiều khi cố tình có hành vi gian lận, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, có tới 55% người tiêu dùng được hỏi không biết mình có quyền gì. Một tình trạng khá phổ biến hiện nay là người tiêu dùng chưa quan tâm đến những việc tối thiểu khi mua hàng như kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng, cho nên xảy ra tình trạng khi mua về sử dụng mới phát hiện hàng quá hạn... Khi nhận hàng, nhiều người còn không lấy hóa đơn, chứng từ, bảo hành khi mua và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, cho nên khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết. Mang đi bảo hành, bị "hành" đủ điều mà chẳng thể làm được gì.

Ông Hùng cũng cho rằng, nguyên nhân chính là từ đối tượng sản xuất kinh doanh, vì người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu. Bởi người tiêu dùng không thể thông thạo hàng hóa bằng người sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh hành vi gian lận của người sản xuất, kinh doanh, một phần quan trọng là người tiêu dùng chưa quan tâm đến tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chưa thích ứng với cơ chế thị trường nên dễ bị "bỡ ngỡ" mỗi khi gặp chuyện.

Thanh Xuân