GS.TS Trần Quang Hải: Xứng danh quái kiệt nhạc dân tộc Việt Nam

GS.TS Trần Quang Hải: Xứng danh quái kiệt nhạc dân tộc Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Nhắc đến GS.TS Trần Quang Hải, người ta nhớ đến ông là con trai trưởng của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc GS.TS Trần Văn Khê. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ dựa vào danh tiếng của cha để phát triển sự nghiệp cho mình.

Hơn 40 năm qua, ông miệt mài giới thiệu âm nhạc Việt Nam, qua khoảng 3.000 buổi nói chuyện tại hơn 65 quốc gia. Trong dịp nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam - GS.TS Trần Quang Hải về Việt Nam nhận kỷ lục Người Việt Nam đầu tiên phổ biến (giảng dạy, biểu diễn) đàn môi tại nhiều nước trên thế giới, ông đã có cuộc trò chuyện thú vị với PV Nguoiduatin.vn tại chương trình Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 23 và công bố Kỷ lục châu Á.

Từng đi sai đường

Nối tiếp con đường âm nhạc của gia đình, ông vào học nhạc tại trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn với bộ môn vĩ cầm. Trong thời gian này, tài năng âm nhạc của ông được phát lộ và ngày càng được phát triển. Sau khi tốt nghiệp trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, vào năm 1961, ông lên đường sang Pháp học nhạc tại trường đại học Sorbonne với ước mơ trở thành nghệ sĩ độc tấu violon nổi tiếng trên nước Pháp và tại Việt Nam.

GS.TS Trần Quang Hải chia sẻ: "Thời điểm bấy giờ, ước mơ đó thôi thúc tôi đến cháy bỏng. Vì thế, tôi dành hết mọi sức lực để đưa ước mơ đó trở thành sự thật. Tuy nhiên, nếu ước mơ đó trở thành sự thật, chắc giờ đây không phải là tôi như bây giờ. Người phát hiện tôi đi sai đường chính là cha tôi. Ông biết tôi có ước mơ trên nhưng không cản ngăn chí hướng của con trai, ông khéo léo sắp đặt một cuộc gặp gỡ giữa con mình với GS Yehudi Menuhin, một danh sư nổi tiếng về violonist trên thế giới rồi ông kiên nhẫn chờ đợi kết quả từ tôi".

Xã hội - GS.TS Trần Quang Hải: Xứng danh quái kiệt nhạc dân tộc Việt Nam

GS.TS Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi.

GS.TS Trần Quang Hải cho biết cuộc gặp gỡ kỳ lạ đó đã làm thay đổi toàn bộ con đường sự nghiệp của mình. Ông bộc bạch: "GS Yehudi Menuhin kêu tôi trổ tài năng của mình trên cây đàn violonist để ông xem. Để không phụ lòng GS Yehudi Menuhin, tôi đã chơi một bản nhạc không thể nào hay hơn. Tuy nhiên, khi kết thúc bản nhạc, GS Yehudi Menuhin thẳng thắn dành cho tôi một lời khuyên chân thành. GS Yehudi Menuhin bảo người Pháp không cần có thêm một nhạc công violonist gốc Việt khi họ đã có hàng ngàn violonist tầm cỡ. Điều họ cần là một chuyên gia về âm nhạc dân tộc Việt Nam như cha anh là GS.TS Trần Văn Khê.

Nghe tới đây, trong suy nghĩ của tôi thật sự bừng tỉnh. Sau đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định quay về gặp cha và quỳ dưới chân để xin được thọ giáo dù có hơi muộn, nhưng đó mới là hướng đi đúng đắn của tôi và đúng với giá trị âm nhạc mà đại gia đình đang kế thừa".

Sau đó, GS.TS Trần Quang Hải quyết định từ bỏ đam mê chơi đàn violonist để theo học các loại nhạc cụ dân tộc khác. Từ nền tảng này, ông tập trung theo học về ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật và âm nhạc tại các trường ĐH: Louvre, Sorbonne (Paris, Pháp), ĐH Cambridge (London, Anh) và ông còn học được những bảo bối từ nghệ thuật truyền khẩu, truyền ngón từ nhiều nghệ nhân đàn dân tộc từ châu Á sang châu Âu.

"Bên cạnh đó, tôi cũng theo cha học hỏi từ ngón đàn dân tộc cho đến công việc nghiên cứu. Chỉ một thời gian sau, tôi được cha giới thiệu vào làm việc tại Viện Bảo tàng con người ở Paris. Tại đây, tôi có những lợi thế từ điều kiện sống, học tập cộng với những nỗ lực bản thân, tôi trở thành tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt thứ hai trên đất Pháp, sau cha của mình", GS.TS Trần Quang Hải chia sẻ.

Xứng danh quái kiệt

Nửa thế kỷ qua, GS.TS Trần Quang Hải như con ong chăm chỉ đã miệt mài làm chiếc cầu nối để âm nhạc dân tộc Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới. Nỗ lực của ông khiến nhiều người nước ngoài say mê như ngày hôm nay. Nhưng hơn thế nữa, người dân khắp thế giới còn biết đến ông là một người trình diễn kỳ lạ của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Xã hội - GS.TS Trần Quang Hải: Xứng danh quái kiệt nhạc dân tộc Việt Nam (Hình 2).

GS.TS Trần Quang Hải cùng cha là GS.TS Trần Văn Khê.

Chia sẻ về thể loại đàn muỗng được nhiều người yêu thích, GS.TS Trần Quang Hải tiết lộ: "Với mong muốn truyền bá và làm mới nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân gian trong cuộc sống đương đại, tôi đã tìm tòi học hỏi từ những người bạn Nga cách biểu diễn gõ muỗng theo tiết tấu, giai điệu". Theo đó, người chơi đàn muỗng dùng hai thìa inox khuấy động cả không gian với nhiều tiết tấu sinh động bằng cách gõ hai muỗng đến ba muỗng, rồi sau đó gõ trên cánh tay, đùi và những ngón tay uyển chuyển.

Trổ tài khả năng chơi đàn muỗng của mình, GS.TS Trần Quang Hải lấy ra hai cái muỗng, thoăn thoắt bẻ quặp chúng lại, và trong khi miệng liên tục đánh nhịp đệm thì bàn tay của ông cầm hai cái muỗng, tấu liên hồi một khúc nhạc kỳ lạ đầy quyến rũ. Nhìn hai cái muỗng trong tay ông lúc đó, cảm thấy ông như một thầy phù thủy đang phù chú cho bùa phép của mình.

Với những sáng tạo vô cùng độc đáo của mình với đàn muỗng, tại Liên hoan dân nhạc tổ chức tại Anh năm 1967, GS.TS Trần Quang Hải đã được phong tặng danh hiệu Vua muỗng. Không chỉ là vua muỗng, ông còn được biết đến với danh hiệu ông vua đàn môi. Để đạt được những thành tựu này, ông phải ròng rã nhiều năm trời đi khắp mọi miền của tổ chức, tìm hiểu và nghiên cứu một cách tỉ mỉ về đàn môi.

Hiện nay, ông đã sở hữu cho mình bộ sưu tầm hàng chục loại đàn môi bằng đồng, thau, tre của người dân tộc thiểu số. Nói về một chiếc đàn môi đang cầm trên tay, GS.TS Trần Quang Hải cho biết đây là chiếc đàn môi của người Mông. Ông chia sẻ thêm: "Trong suốt thời gian qua, tôi đã sưu tập được 27 loại đàn môi. Chiếc đàn này là một trong những chiếc đàn môi độc đáo và đặc sắc". Nghe GS.TS Trần Quang Hải kể về từng loại đàn môi, sắc thái âm thanh, cấu tạo tiếng đàn, về cái cách để trình diễn chúng như một người lên đồng. Chúng tôi mới hiểu được danh xưng vua đàn môi quả không hề sai.

Nhắc về cơ duyên để mình lao vào nghiên cứu kỹ thuật hát song thanh, GS.TS Trần Quang Hải cho biết: "Tôi đã có cuộc hành trình hơn 30 năm tìm hiểu và trở thành chuyên gia lớn nhất về lối hát đồng song thanh. Đồng song thanh là lối hát mà một người cùng lúc có thể hát được hai giọng.

Tôi đã nghiên cứu kỹ thuật hát độc đáo phát ra hai giọng cùng lúc ở hai cao độ khác nhau của một số bộ tộc Mông Cổ và nước Cộng hòa Tuva. Từ các nghiên cứu này, tôi đã phát triển thêm những sáng tạo riêng, đồng thời áp dụng thành công vào nhiều lĩnh vực âm nhạc thế giới và đương đại, y khoa, âm thanh học, âm nhạc điều trị học, tâm lý điều trị học, âm nhạc trị liệu giúp các phụ nữ giảm đau khi sinh đẻ. Từ đó, tôi sáng lập ra một trường phái hát đồng song thanh ở châu Âu và đã có khoảng 8.000 người ở 70 quốc gia theo học".

Giờ đây, GS.TS Trần Quang Hải đã đi gần hết đời người nhưng với tình yêu âm nhạc dân tộc vô bờ bến, ông vẫn luôn tiến về phía trước với tư thế của một người dẫn đầu. GS.TS Trần Quang Hải chia sẻ: "Quan điểm của tôi là phải bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống dân tộc nhưng không bảo thủ, mà phải tích lũy thêm những tinh hoa mới, bồi đắp và phát huy cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà".

Hồ Nam