Hùng Cá: Cái tên trở thành một thương hiệu

Hùng Cá: Cái tên trở thành một thương hiệu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Từ lâu, cái tên Hùng Cá đã trở thành một thương hiệu không chỉ đối với những người chơi sinh vật cảnh mà đặc biệt trong giới chơi đồ cổ. Chỉ cần nhắc đến tên Hùng Cá tự khắc giá trị của món đồ đã được nâng cao.

Đời Hùng Cá còn được nhắc mãi cho đến giờ, cứ đồ vật nào đã từng qua tay ông đều không phải thứ xoàng. Cũng nhiều khi, người ta tự ý mượn, gắn tên ông vào, ông cũng chẳng lấy vì thế làm phiền.

Sự kiện - Hùng Cá: Cái tên trở thành một thương hiệu

"Vua cá" Vũ Tá Hùng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chơi nhiều thú nhưng đối với ông, thú chơi nào cũng phải văn hóa và có chí riêng của mình. Thú chơi phải chú trọng vào "tinh" chứ không ở "đa". Khi tiếp xúc với bất kì món đồ nào cũng phải có những kiến thức và sự hiểu biết riêng mình. Ông tự hào rằng mình may mắn là người chưa từng thẩm định sai một món nào trong số những món đồ đã từng qua tay. Kể cả những cuộc triển lãm của bảo tàng lịch sử Việt Nam với hàng trăm món đồ cũng lẫn vào những món đồ giả. Mỗi lần thấy ông xuất hiện, giới chơi đồ cổ lần lượt rồng rắn theo sai để nghe Hùng Cá thẩm định xem món đồ này là thật, món kia là giả. Lớn lên trong môi trường của những người sành sỏi về đồ cổ, lại thêm những kinh nghiệm được tích lũy bản thân, nhiều thứ cũng không thể nào giải thích được, chỉ bằng cảm nhận của mình nhưng ông chưa từng sai.

Cái quý ở một món đồ không cốt ở giá trị thời gian mà theo ông chú ở nghệ thuật của người nghệ nhân đã làm ra. Sự chuẩn mực về kiểu dáng, chất liệu, từng chất men, từng đường phân tỉ lệ,… những cái đó đến người không biết chơi cũng cảm thấy đẹp, người biết thì lại càng phải biết phân định sự hơn kém của mỗi món đồ. Ví như thời Thương Chu, có những chiếc ấm đồng mà đến giờ, khi nghệ thuật đúc đồng đã phát triển đến mức có thể chế tạo những bộ phận trong máy bay với độ mịn màng cao thì vẫn không thể nào tái hiện được đúng như khuôn vàng thước ngọc của người xưa. Chơi đồ cổ không cứ học là được mà còn phải có độ tinh, sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật,… Vui chuyện, ông Hùng còn kể cho chúng tôi nghe chuyện trước kia dân Cảnh Đức (Trung Quốc), đập vỡ hết các đồ cổ của mình để so sánh tỉ lệ, làm đúng nguyên bản của đồ thật để sản xuất hàng loạt bán ra nước ngoài. Đồ thật và đồ giả người tinh phân biệt cũng khó nên khi có được một món đồ trong tay người ta lại tìm đến ông để nhờ xem hộ.

Thấy mình có duyên và may mắn với những thú chơi của mình, bất kì món đồ nào cảm thấy bị mê hoặc ông đều quyết tâm mua cho bằng được, kể cả việc phải đổi bằng cả một gia tài. Những chiếc thạp, chậu, lọ của ông có khi lên tới cả chục ngàn đô. Tính ra thời bấy giờ, ở đất Hà thành, ít người đọ được với tiếng tăm Hùng Cá trong giới. Thậm chí, kể cả về sau, khi đã lui về ẩn dật, người ta vẫn còn đinh ninh về giá trị của những món đồ còn lại của ông là không thể định nổi.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Hồng Mai, giữa những bức bình phong còn sót lại của cung đình Huế, những bộ thạp gụ, những lọ, bình, ấm tách của hàng trăm năm về trước, ông chỉ đến và cười buồn: "Giờ những gì cháu thấy, không bằng một phần nhỏ trước kia".

Hiện nay, khi trách nhiệm gia đình đã được thu xếp ổn thỏa, có thời gian dành cho riêng mình, ông lại vẫn đang ấp ủ một kế hoạch sự trở lại với sinh vật cảnh. Bạn bè vẫn đặt niềm tin vào ông: "Chúng tôi bỏ ra cả chục, cả trăm tỷ cũng chưa chắc hiệu quả bằng Hùng Cá làm vài tỷ". Không chỉ ở giá trị vật chất, ông còn muốn dựng lại một nơi để anh em bạn bè có chốn lưu đến để đàm đạo, thưởng ngoạn.

Những thứ vật chất cũng chỉ là phù danh, cuộc sống với ông giờ vẫn chỉ là những ngày tháng rong chơi giữa cuộc đời. Ông đi Piago cổ, đi xe đạp, đội mũ bê rê dạo quanh phố phường và cố gắng lưu lại những nét gì đó của một Hà thành rất xa xưa. Nhưng dù là thú chơi nào thì đối với ông cũng là một thứ nghệ thuật tinh túy ở đời, phải học và phải có sự tích lũy cho riêng mình.

Bảo Long