Khắc khoải sống và lối thoát 'quyền được chết'

Khắc khoải sống và lối thoát 'quyền được chết'

Thứ 5, 07/03/2013 | 09:21
0
Mỗi ngày còn thở, họ phải sống chung với những cơn đau quằn quại, với thiết bị y tế quấn quanh người... hình ảnh này không có gì xa lạ với các bệnh nhân ung thư, những bệnh nhân bị rơi vào tình trạng sống thực vật. Sự sống của họ được đếm từng ngày và được đếm bằng số tiền mà người nhà có thể "xoay" được.

Dốc toàn bộ gia sản cho... "chết mòn"

Đã hai năm, nhưng trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn H. (55 tuổi, quê Phú Thọ) từng điều trị tại bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội) vẫn khiến tôi ám ảnh khôn nguôi. Phát hiện ra căn bệnh ung thư dạ dày đã ở giai đoạn cuối, mỗi ngày với ông H. đều như một cực hình. Những đợt xạ trị khiến cơ thể nặng khoảng 55kg của ông H. héo mòn từng ngày, xuống còn 35kg. Mái tóc lốm đốm điểm sợi bạc, dần rơi rụng, thay vào đó là cái đầu trọc lóc. Mỗi lần cơn đau kéo đến, cơ thể ông H. co cụm, dúm dó lại, nhìn rất xót xa. Ngày cuối đời, trong căn phòng trọ gần bệnh viện K cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông.

Ông vừa nói, vừa khóc: "Tôi chỉ mong được nhận một liều thuốc nhân đạo để tôi chết được êm ả, để bản thân tôi không phải đau đớn kéo dài. Vợ con cũng không phải khổ sở, tốn kém tiền bạc cho tôi chữa bệnh trong tuyệt vọng". Nghe những lời tâm sự  đó của ông, chúng tôi thấy lòng quặn lại. Vợ ông H. thì chỉ biết khóc. Công sức, tiền của gia đình ông H. đổ vào để duy trì sự sống kèm với đau đớn cũng không chống lại được định mệnh. Một đám tang vội vàng trong một buổi chiều đông mưa phùn, có lẽ như phần nào thương cảm cho số phận người ra đi và cả khoảng trống để lại trong gia đình ông. Kèm theo đó là khoản tiền cả trăm triệu đồng nợ nần sau thời gian điều trị đã giáng thêm đòn chí mạng nữa, quật ngã người vợ và những người con của gia đình ông H.

Y sĩ Nguyễn Hồng Thanh, bệnh viện Quân y 103 chia sẻ, những năm tháng công tác trong ngành y, anh và các đồng nghiệp không ít lần chứng kiến những câu chuyện đau lòng về các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chuyển sang đời sống thực vật. Bản thân những người bệnh bị đau đớn, còn người thân cũng khổ không kém. Với những bệnh nhân ung thư thì cảm nhận cái chết đến từng ngày là điều khó khăn nhưng còn đối với những bệnh nhân bị rơi vào tình trạng sống thực vật thì người thân của họ còn đau đớn hơn nữa.

Xã hội - Khắc khoải sống và lối thoát 'quyền được chết'

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mong muốn được "ra đi" nhẹ nhàng.

Y tá Chu Thị Lan, người thường xuyên nhận chăm sóc bệnh nhân sống thực vật điều trị tại bệnh viện Việt Đức kể về trường hợp bệnh nhân nam, tên Đ., 29 tuổi (quê Quảng Ninh), đã nằm hai năm trên giường bệnh. Có lẽ nếu như các gia đình khác, bệnh nhân này chắc chắn đã không thể sống qua ba tháng vì số tiền để duy trì sự sống quá lớn. Ngày anh Đ. bị tai nạn giao thông phải phẫu thuật, sau đó bị nhiễm trùng cũng là những ngày bắt đầu tàn lụi của cả nhà anh. Số tiền bán hai căn nhà (vài tỷ đồng) chỉ đủ để gia đình anh Đ. mỗi ngày nhìn thấy con họ nằm trên giường bệnh một cách vô hồn.

Còn nhớ cách đây không lâu, câu chuyện một bệnh nhân ung thư là Việt kiều Mỹ, tên A., sống tại quận 3 (TP.HCM) từng viết đơn xin chính quyền được chết đúng ngày, giờ tốt để con cháu được... hưởng phúc về sau khiến dư luận không khỏi xôn xao. Bác sĩ riêng dự đoán, ông A. chỉ còn sống được chừng ba tháng. Trước lúc mất, ông A. có đi xem tử vi. "Thầy" tử vi đã chọn được cho ông giờ và ngày đẹp để "ra đi" với hy vọng để phúc lại cho con cháu.

Tin lời "thầy", ông A. muốn được chết êm ái. Tuy nhiên, ý nguyện cuối đời của ông A. không thể thực hiện. Sợ chết đau đớn, ông A. trằn trọc không biết nên lựa cách tiêm thuốc hay uống thuốc độc để "ra đi" được nhẹ nhàng. Sau đó, ông A. còn nghĩ phải sắp xếp làm sao cho việc chết tự nguyện của mình không gây phiền phức cho bất kỳ ai. Trong khi đó, bác sĩ của ông A. thì từ chối tiêm thuốc, còn những người thấu hiểu tâm tình của ông lại không chịu giúp ông mua thuốc độc. Quá bức bách, không muốn mình sống mà khổ hơn chết, ông A. làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận để bác sĩ có điều kiện hợp pháp giúp đỡ ông chết. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của ông đều bị từ chối.

Những trường hợp trên chỉ là một trong số rất ít người muốn được chọn cái chết êm ả. Bởi họ không thể chịu nổi những đau đớn về thể xác, tinh thần và nỗi lo về kinh tế để lại cho người thân.

Có nên duy trì nỗi đau đớn dai dẳng?

Ông Trương Hồng Quang, viện Nghiên cứu Pháp lý, bộ Tư Pháp cho rằng: "Tại Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu hay thống kê nào về số bệnh nhân xin chết hoặc đánh giá tổn thất nếu không ghi nhận quyền được chết, vì thực tế rất khó để thực hiện. Tuy nhiên một sự thật hiển nhiên là bệnh nhân dù bị bệnh nan y nhưng tiếp tục điều trị thì chi phí đương nhiên rất tốn kém và điều quan trọng là tốn kém trong vô ích... Nhiều nước trên thế giới thường tổ chức điều tra toàn quốc về quan điểm của người dân, đồng ý hay không đồng ý quyền được chết và tỉ lệ ủng hộ có xu hướng tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây, nhất là các nước châu Âu.

Cụ thể, năm 2012, theo thống kê, ở Cộng hoà liên bang Đức có đến 87% người dân ủng hộ quyền được chết một cách êm ái. Thường thì nhà lập pháp các nước quan tâm đến vấn đề chỉ cần qua một số vụ việc xin được chết, chưa cần đến việc thống kê xem hiện nay có bao nhiêu người xin chết hay nếu không ghi nhận thì tổn thất như thế nào, để đưa ra những khuyến nghị...".

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tân Việt, văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự (Hà Nội), trước đây, năm 2005, khi bàn về việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật nước ta từng tranh cãi rất nhiều xung quanh cái gọi là quyền được chết. Bởi lẽ, thực tế đã xuất hiện những người mắc bệnh hiểm nghèo, phải chịu đựng đau đớn vật vã, thậm chí sống đời sống thực vật cả đời. Trong số đó, chính một số người bệnh và một số người thân của người bệnh muốn họ được ra đi êm ái. Tại diễn đàn Quốc hội cũng đã có đại biểu đề nghị cần luật hóa quyền được chết. Tuy nhiên, cuối cùng, số đông vẫn cho rằng theo phong tục của dân tộc và đạo đức người Á Đông, quy định về quyền được chết tại thời điểm này là không phù hợp. Ở nước ta, quyền được sống là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Bất kỳ ai giúp đỡ người khác chết là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.

Ông Quang cũng cho rằng, với trình độ y tế, luật pháp... của Việt Nam, nếu luật hóa quyền được chết, chỉ nên ghi nhận việc an tử chủ động. Nghĩa là việc quyết định "ra đi" hay không phải do bệnh nhân khi đó còn có ý thức, có khả năng đưa ra quyết định một cách trực tiếp, độc lập. Trường hợp an tử đối với những bệnh nhân đã hôn mê, sống thực vật, nếu để cho gia đình quyết định có lẽ khó áp dụng vì dễ bị lạm dụng. Hơn nữa, với thực tế Việt Nam việc áp dụng một chế định mới nào đó cũng nên có giai đoạn cụ thể, không thể ngay một lúc chấp nhận toàn bộ được. Quyền được chết là một quyền tùy nghi, do bệnh nhân lựa chọn, không phải cứ quy định quyền được chết đồng nghĩa với việc nếu một người rơi vào tình huống y tế vô phương cứu chữa phải chọn cái chết.

Theo quan điểm của ông Quang, việc ghi nhận quyền được chết sẽ góp phần nâng cao giá trị xã hội của pháp luật. Xã hội ngày càng phát triển, thể chế về quyền con người nên được tiếp tục tiến vào quá trình chung của thế giới. Xu hướng thế giới đã cho thấy, ngày càng có thêm các quốc gia ghi nhận quyền này hoặc chí ít cũng ghi nhận hình thức trợ giúp tự tử. Về mặt giá trị kinh tế, ghi nhận quyền được chết làm giảm chi phí chữa trị vô ích của gia đình bệnh nhân và xã hội. Việc để một người "ra đi" sớm thay vì phải sống đau đớn, vật vã là một điều nhân đạo.

Có thể sẽ phạm tội giết người

Luật sư Nguyễn Tân Việt, văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự cho biết: "Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc tự nguyện được chết. Việc giúp người khác chết có thể sẽ phạm tội "giết người" theo Điều 93, hoặc tội "xúi giục hoặc giúp người khác tự sát" theo Điều 101, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, mặc dù, bác sỹ chỉ làm theo yêu cầu của bệnh nhân. Nếu người đó muốn chết thì chỉ có cách tự tử chứ không thể yêu cầu người khác giúp mình chết, như thế sẽ vi phạm pháp luật".

Đỗ Thơm - Hoàng Anh

Nghị lực nữ giáo viên có hai con mắc bệnh hiểm nghèo

Thứ 2, 14/01/2013 | 09:29
Hàng tháng chị Cầm Thị Hiệp, người dân tộc Thái, ở Phiêng Ban 1, thị trấn Bắc Yên (Sơn La) lại vượt qua chặng đường hơn 300km cùng đứa con gái lên 9 tuổi và cậu con trai hơn 2 tuổi về Hà Nội tiếp máu. Hai đứa con của chị Hiệp bị mắc căn bệnh quái ác Thalassemia. Cứ hơn một tháng ba mẹ con chị lại xuống Hà Nội thay máu và điều trị cho các cháu, mỗi lần có cháu phải thay đến gần 1 lít máu.

Quả bóng Vàng VN và hành trình vượt bệnh hiểm nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Hiếm có trường hợp nào trên thế giới mắc chứng bệnh viêm cầu thận ở giai đoạn trầm trọng có thể bình phục, thậm chí trở lại chơi bóng chuyên nghiệp.

Cụ già bại liệt đơn độc đương đầu với bệnh hiểm nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Nhìn cảnh bà bò từ trong nhà ra ngõ đón khách, ai cũng cảm thấy chạnh lòng

Sáng chế máy thở giúp cha chữa bệnh hiểm nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Từ những kiến thức ít ỏi của một thợ sửa chữa điện tử, sau bao ngày đêm miệt mài nghiên cứu, Đức đã chế tạo thành công máy thở cá nhân, giúp cha duy trì sự sống.