Khám phá bí mật mang tên địa danh “ông”, địa danh “bà”

Khám phá bí mật mang tên địa danh “ông”, địa danh “bà”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Trong dòng người xe qua lại bất tận của TP.HCM mỗi ngày, có những cái tên (khởi đầu bằng chữ “ông” hoặc “bà”)mà ai cũng có thể đã nghe nhưng nhiều khi người ta không thể kể về sự ra đời của nó bằng một câu chuyện có đầu có cuối và xác nhận được thông tin chính xác...

Từ những địa danh mang tên các “bà”

Theo một số học giả thì nổi tiếng nhất trong các bà là Bà Điểm. Bà Điểm là một xã thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM. Nơi đây được biết đến với 18 thôn vườn trầu đã đi vào huyền thoại. Tương truyền vào năm 1868, đoàn người đi từ huyện Bố Chính thuộc tỉnh Quảng Bình vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm, nên họ dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất là Bà Điểm. Còn một lý giải nữa cho tên gọi này, khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này, tại nhà bà lão tên Điểm nên thôn Tân Thới Nhứt (một trong 6 thôn đầu tiên của Mười tám thôn vườn trầu) có tên là Bà Điểm.

Xã hội - Khám phá bí mật mang tên địa danh “ông”, địa danh “bà”

Chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh

Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Điểm cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là 5 bà vợ của một viên lãnh binh, người đã xây cầu ông Lãnh. Theo phương pháp kinh tế tự túc mà các cụ ngày xưa thường áp dụng, ông đã lập ra 5 ngôi chợ, giao cho mỗi bà cai quản một nơi. Chợ Bà Điểm, gần làng Tân Thới - quê hương cụ Đồ Chiểu. Trầu cau ở Bà Điểm ngon nức tiếng một vùng, không nơi đâu sánh bằng.

Ngày nay, những ai sống ở TP.HCM đều biết đến một ngôi chợ, đó là chợ Bà Chiểu. Chợ Bà Chiểu là một trong những ngôi chợ lâu đời ở TP HCM. Chợ nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh, được xây dựng năm 1942, khi mới hình thành tỉnh Gia Định và nâng cấp sửa chữa vào cuối những năm 1990. Theo nhà văn Sơn Nam thì Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên.

Cầu Thị Nghè nối giữa quận 1 và quận Bình Thạnh hiện nay xưa kia có tên là cầu Bà Nghè. Theo sử sách, cầu do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây dựng để tiện việc đi lại, thuở bà mới khai hoang đất ở. Chồng bà là thư ký đỗ cử nhân (đương thời gọi là ông Nghè). Cầu được gọi là cầu Thị Nghè từ giữa thế kỷ XIX. Đến năm 1970, cầu được xây mới bằng xi măng cốt thép. Và kể từ đó, không chỉ có cầu Thị Nghè mà còn có rạch Thị Nghèo, chợ Thị Nghè, nhà thờ Thị Nghè không còn xa lạ gì với người dân cho đến ngày nay.

Ở Tân Bình có một ngôi chợ cổ nhỏ của người xứ Quảng chỉ “xứng tầm” chợ quê, hiện là chợ Phường 11. Nhưng xa xưa chợ mang một cái tên khác là chợ Bà Hoa. Chợ nằm trong làng dệt Bảy Hiền (Tân Bình) với đủ các mặt hàng đặc trưng từ Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, như hành tỏi nhỏ mà thơm của miền Trung, bánh nổ, bánh tổ, mắm nêm, các loại rau lá xứ Quảng... Chợ lấy theo tên một người phụ nữ tên Hoa, người đã lập nên khu chợ này vào năm 1967.

Ngoài những địa danh trên, ở TP.HCM còn không biết bao nhiêu địa danh mang tên các bà mà không thể kế hết ra trong bài viết này được. Như Bà Quẹo (Tân Bình), Bà Hom (quận 6), Bà Tàng (quận 8), sông Bà Cả Bảy (Củ Chi), cầu Bà Đô (quận 5), v.v...

Xã hội - Khám phá bí mật mang tên địa danh “ông”, địa danh “bà” (Hình 2).

Lăng Ông tại số 1, đường Vũ Tùng, P.1, Q. Bình Thạnh

Những địa danh mang tên các ông

Nếu bây giờ có người nhắc vườn Ông Thượng thì không ít người trẻ ngơ ngác không biết vườn này ở chỗ nào của Sài Gòn. Nhưng với những người già thì sẽ biết đó là Công viên Văn hóa Tao Đàn (quận 1) bây giờ. Ông Thượng là tên dân gian để gọi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt thập niên 20, 30 của thế kỷ 19. Vì hồi đó, Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt lập tại đây một vườn kiểng để thưởng lãm và xem hát bội, từ đó dân gian quen gọi là Vườn Ông Thượng. Cũng liên quan đến Tổng trấn Lê Văn Duyệt là một nơi thờ tự có tên Lăng Ông Bà Chiểu. Đây là khu lăng mộ, nơi thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân, nằm kế bên chợ Bà Chiểu.

Qua khu vực quận 2, có một địa danh quen thuộc là Giồng Ông Tố. Giồng là một phương ngữ Nam Bộ, để chỉ dải đất phù sa nổi cao lên, thường là ở ven sông. Có tài liệu cho rằng ông Tố ở đây là Trương Vĩnh Tố, một trong những tướng lĩnh của tổ chức "Phản Thanh phục Minh" bị triều đình nhà Thanh truy sát chạy sang nước ta được chúa Nguyễn cho tỵ nạn vào năm 1679 cùng thời với Mạc Cửu ở Hà Tiên. Ông đã tổ chức cho những cư dân lúc bấy giờ ở đây gồm: người Hoa, người Việt và người gốc Khơ-me của vùng thủy Chân Lạp cũ khai hoang, lập ấp, lập chợ. Từ đó tên Ông Tố gắn liền với địa danh ở đây.

Khu vực chợ Ông Tạ nay thuộc phường 3, 4, 5, 7 quận Tân Bình. Khu vực này vốn nổi tiếng bởi vì từng tồn tại phòng khám của lương y Nguyễn Văn Bi (thường được người dân gọi là ông Tạ). Ngoài ra, còn có một ông Tạ ở Thủ Đức gọi là Tạ Công Tử, chuyên đưa đò giúp người dân sang sông đi chùa ở quận 9 không lấy tiền.

Và cũng như các bà, còn một loạt địa danh mang tên các ông khác như: chùa Ông (Thủ Đức), chùa Ông Bổn (quận 5), cầu Ông Buông (quận 6), rạch Ông Điền (Nhà Bè), rạch Ông Đội (quận 7), v.v...

Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng, người Việt có một số cách gọi tên địa danh cơ bản sau: Lấy tên chức danh của người làm tên địa danh (ví dụ như Cống Quỳnh, Lãnh Binh Thăng, ...); lấy tên địa hình làm địa danh (như Giồng Ông Tố, Bàu Cát, Đầm Sen,...); lấy địa danh là đặc điểm của một địa điểm hay một khu vực sinh sống (như Chợ Lớn, Xóm Củi,...); lấy tên người làm tên địa danh khi họ là người sáng lập, khai phá, hoặc làm chủ nơi đó (Chợ Bà Chiểu, xã Bà Điểm, ...).

Dấu ấn những người tham gia mở đất

Những con người này, có thể có thật trong lịch sử, có thể không. Họ có thể là một vị tướng quân, một ông nghè, một bà huyện, và cũng có thể chỉ là những người dân nghèo đã từng đưa đò miễn phí qua sông. Nhưng họ, trong hành trình khai phá vùng đất phía Nam này chắc chắn đã góp chút công sức của mình vào đó. Góp phần tạo nên một TP. Hồ Chí Minh hiện đại và hoa lệ như ngày nay. Dấu tích về họ vẫn còn đây, trên mỗi con đường, mỗi con sông, mỗi ngôi chợ, mỗi cây cầu của TP.HCM.

Hương Lam