Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ

Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ

Thứ 6, 19/07/2013 | 13:56
0
Đa số các đại biểu bày tỏ sự không hài lòng đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các bộ ngành chức năng trong phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hôm qua, 18.7.

Phiên giải trình tập trung vào trách nhiệm của 4 cơ quan được coi là “chủ công” trong mặt trận phòng chống tham nhũng, gồm: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT.

"Người dân, báo chí không được đào tạo bài bản về điều tra nhưng họ lại là những người phát hiện cho cơ quan nhà nước rất nhiều vụ việc tham nhũng." - ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội)

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu: “Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết trong giai đoạn 2009 đến 2012, ngành thanh tra đã phát hiện và chuyển cơ quan điều tra (CQĐT) hàng trăm vụ nhưng chủ yếu là những vụ nhỏ lẻ, những vụ lớn thì chưa thấy nói. Các vụ đã chuyển thì không rõ cơ quan thanh tra có theo dõi và biết xử lý ra làm sao. Đây là những vấn đề cần phải làm rõ cho cử tri cả nước biết, nếu không người dân sẽ mất lòng tin rất lớn”.

“Nghiệm thu khống 3 tỉ đồng không khởi tố có đúng không?”

Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt vấn đề về chất lượng phát hiện tham nhũng của KTNN cũng như sự phối hợp của cơ quan chức năng, khi trong 3 năm gần đây cơ quan này đã phát hiện sai phạm về kinh tế rất lớn nhưng chỉ chuyển hồ sơ 5 vụ cho CQĐT, trong đó có 1 vụ cơ quan công an ra quyết định không khởi tố, 1 vụ trả lại hồ sơ.  “Đối với sai phạm tại dự án cung cấp nước sạch ở Hưng Yên, kiểm toán phát hiện nghiệm thu khống 3 tỉ đồng chuyển hồ sơ sang CQĐT nhưng cơ quan công an không khởi tố vì sai phạm được khắc phục, tài sản nhà nước không bị thất thoát, như vậy có đúng không?”, ông Đương đặt vấn đề.

Đánh giá về báo cáo của các bộ ngành, nhiều đại biểu bày tỏ thất vọng khi một số lĩnh vực được coi là khá nhạy cảm về tham nhũng nhưng lại không phát hiện được vi phạm. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) bày tỏ nghi ngại khi báo cáo cho biết trong giai đoạn 2006 - 2011 không phát hiện ra hành vi tham nhũng trong các ngành tài nguyên môi trường, tổ chức cán bộ. Trong khi, theo bà Dung: “Đây là hai lĩnh vực vô cùng nhạy cảm”, với nhiều than phiền của người dân về tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ.

Đề cập đến trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, ĐB Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở ngành này liệu đã đúng thực chất hay chưa, trong khi đây vốn là lĩnh vực có nhiều nguy cơ phát sinh tham nhũng thể hiện qua một số khâu như phân bổ vốn đầu tư, đấu thầu, quản lý sử dụng nguồn vốn ODA...

Báo cáo do đại diện của Bộ KH-ĐT trình bày trước đó cũng cho biết, từ 2009 đến tháng 4.2013, thanh tra bộ phát hiện các vụ việc vi phạm về kinh tế trị giá gần 37 tỉ đồng với 115 người vi phạm, trong đó xử lý hành chính 25 trường hợp với tổng số tiền phạt 165 triệu đồng, không có trường hợp nào bị xử lý hình sự.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) cảm thán: “Người dân, báo chí không được đào tạo bài bản về điều tra nhưng họ lại là những người phát hiện cho cơ quan nhà nước rất nhiều vụ việc tham nhũng”.

Luật sư - Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ
Phiên họp giải trình về trách nhiệm phòng chống tham nhũng trong cơ quan hành chính nhà nước - Ảnh: Hoàng Trang

Trên 1.000 người... vẫn còn ít

Trong phần giải trình, đại diện các bộ ngành không đi sâu vào từng câu hỏi của đại biểu mà tập trung theo từng nhóm vấn đề.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn thừa nhận: 522 vụ tham nhũng với trên 1.000 người có hành vi tham nhũng mà ngành đã phát hiện từ năm 2009 đến nay vẫn còn ít hơn so với thực trạng. Về nguyên nhân, ông Tranh nói đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ, có khả năng che giấu hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp để chứng minh động cơ vụ lợi trong việc cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm còn khó khăn. Thậm chí, nhiều nơi người đứng đầu ngành, địa phương chưa thực sự tích cực chỉ đạo chống tham nhũng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. Đặc biệt, trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng; công khai, minh bạch ở đơn vị còn hình thức, đối phó. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân trình độ cán bộ thanh tra hạn chế. Tuy nhiên, ông Tranh cũng cho biết ngành thanh tra đang cố gắng đổi mới hoạt động, trong đó, đối với các cuộc thanh tra sẽ thực hiện theo hướng không cần đợi đến khi kết luận mà chỉ cần có dấu hiệu thì lập tức chuyển hồ sơ cho CQĐT.

Đến lượt mình, người đứng đầu KTNN Nguyễn Hữu Vạn cũng nhìn nhận kết quả của ngành kiểm toán chưa đáp ứng với kỳ vọng nhân dân.  Lý giải việc có quá ít vụ việc chuyển sang CQĐT, ông Vạn cho rằng do đặc thù hoạt động của ngành không đủ điều kiện để làm rõ các dấu hiệu, hành vi sai phạm như CQĐT. Mặt khác, do trình độ nghiệp vụ và chế tài nên kiểm toán nhiều khi vẫn có thể bị qua mặt bởi các đối tượng làm giả hóa đơn chứng từ. Ông Vạn cũng thừa nhận còn có một số cán bộ kiểm toán làm chưa tốt chức trách được giao và hứa xử lý nghiêm đối với bất cứ sai phạm nào của kiểm toán viên. “Chúng tôi có nghe nói về hiện tượng nhưng bằng chứng thì rất khó. Vì vậy, chúng tôi mong được chỉ mặt điểm tên những cán bộ sai phạm và sẵn sàng xử lý để làm trong sạch đội ngũ”, ông Vạn nói.

Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn

Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2012 phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi tham nhũng với số tài sản hơn 104 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển CQĐT 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu... Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu ở cấp cơ sở. Số vụ việc tham nhũng phát hiện và xử lý thông qua công tác thanh tra, kiểm tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, có sự móc nối, câu kết của nhiều loại đối tượng, với nhiều phương thức thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Tham nhũng đang diễn ra phức tạp tại nhiều lĩnh vực “nóng” như: tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản...

Theo Thái Sơn (Thanh niên Online)

Lập 7 đoàn kiểm tra phòng, chống tham nhũng trên toàn quốc

Thứ 5, 18/07/2013 | 10:18
Trong quý III, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 đoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc.

Xử tham nhũng: Sao 'treo' nhiều thế?

Thứ 7, 06/07/2013 | 09:16
Luật cho phép tòa có thể coi các “tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ nên dễ dẫn đến lạm dụng.