Không lẽ phải ‘bó tay’ trước thảm cảnh ‘bó chiếu’?

Không lẽ phải ‘bó tay’ trước thảm cảnh ‘bó chiếu’?

Thứ 6, 23/09/2016 | 15:48
0
Những hình ảnh bi thảm như vừa rồi tại Sơn La phần nào đã phản ánh thực trạng vấn đề đạo đức, trách nhiệm dân sinh xã hội ở vùng cao khiến chúng ta suy nghĩ.
Xi nhan Trái Phải - Không lẽ phải ‘bó tay’ trước thảm cảnh ‘bó chiếu’?

 Thi thể được người nhà bó chiếu chuẩn bị chở về. Ảnh: Internet.

Theo bản chất duy vật thì chết là hết; và tử thi được bó chiếu chôn âu cũng bình thường. Nhưng, đó chỉ là sự cam đành trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Còn ở thế kỷ 21, khi xã hội phát triển văn minh, hiện đại mà đồng bào từ trần trong nghịch cảnh quẫn bách cơ hàn thì xem như tấn bi kịch.

Trong kí ức tang thương, hình ảnh đôi bàn chân bé nhỏ của tôi thuở nào run rẩy giẫm lên xác người chết nằm la liệt dọc theo Quốc lộ 1, đoạn trước cổng căn cứ Chu Lai (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) vào ngày 25/3/1975 vẫn còn rõ mồn một. Cảnh chết chóc kinh hoàng bởi lệnh di tản, ngay sau đó được mô tả trung thực trong bài đồng dao để hát sinh hoạt Đội Thiếu niên Tiền phong, có đoạn:

…Tại xã Bình Liên/ Chết ngửa chết nghiêng/ Xác nằm ngổn ngang/ Không có ai chôn/ Trút xăng mà đốt/ v.v…

Nhắc lại quá khứ thời cuộc để chiêm nghiệm và so sánh sự “ra đi về bên kia thế giới” của hai bệnh nhân lao tử vong trong thời bình mà gia đình phải bó chiếu chở về bằng xe máy thì cảm xúc hiện thực thương dân nghèo xấu số dâng trào lắm.

Xi nhan Trái Phải - Không lẽ phải ‘bó tay’ trước thảm cảnh ‘bó chiếu’? (Hình 2).

 Chở thi thể trên đường bằng xe máy. Ảnh: Facebook.

Nghĩa tử là nghĩa tận, làm người ai lại không bùi ngùi lúc chứng kiến trái tim của đồng bào mình ngừng đập. Xót xa hơn khi giây phút nhắm mắt xuôi tay, thân xác lại bị cột chặt trên yên xe máy thì còn gì ý nghĩa ra đi thanh thản kết thúc một kiếp người.

Chuyện đau lòng dù gì cũng đã xảy ra, vấn đề cấp bách phải làm thế nào để thảm cảnh ấy không còn tái diễn. Thiết nghĩ, đây mới đúng là bài học trách nhiệm mà chính quyền các địa phương và ngành y tế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời triển khai giúp đỡ.

Một chuyến xe tình nghĩa chăm lo đưa thi thể người có hoàn cảnh ngặt nghèo quá cố về quê nhà yên nghỉ thì cũng chỉ tốn vài trăm ngàn tiền xăng, mà thắm đượm tình người, giữ được vệ sinh môi trường sạch sẽ. Suy ra có ý nghĩa hơn việc đặt bút duyệt chi cùng lúc mấy trăm triệu đồng tiền ngân sách để cán bộ tiếp khách… cùng nhau trao đổi kinh nghiệm.

Có hợp lý không khi chúng ta liên tục hân hoan xây dựng hết công trình này đến dự án nọ hàng nghìn tỷ đồng, trong lúc vài người dân nghèo khổ phải bó chiếu chở xác chết về bằng xe máy đi “nghêu ngao” trên đường trông ghê rợn! Vừa mới đây thôi, lại có thêm đề xuất chi 5.000 tỷ đồng để ông Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần KHCN An Sinh… thay trời làm mưa nhân tạo.

Tại sao chẳng thấy ai khởi xướng “dự án” hỗ trợ mỗi địa phương vài triệu đồng dành cho việc nghĩa tình đột xuất này nhỉ?

“Xét nét” trong vụ việc “xác người bó chiếu” như vừa qua thì lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La chỉ mắc lỗi tắc trách là không báo cáo hành vi “phản cảm”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng lên cấp trên và với chính quyền để tìm hướng giải quyết khắc phục.

Còn chuyện ông Lương Văn Tuận, Giám đốc bệnh viện này trả lời báo chí rằng "Chúng tôi cũng đề nghị gia đình sử dụng xe ôtô vận chuyển thi thể bệnh nhân về nhà để đảm bảo vệ sinh, môi trường nhưng gia đình họ nhất quyết không đồng ý.Họ nói phong tục của họ là chở bằng xe máy như vậy”, nghe ra không thuyết phục. Vì nếu phong tục thì phải chở bằng ngựa thồ, chứ làm gì có… phong tục xe máy?!

Lệ Hoa

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

 

Cùng chuyên mục

Vinh của Vinh

Thứ 4, 31/01/2024 | 07:00
Có thể hơi chơi chữ chút, nhưng nó là như thế này, tôi muốn nói về cuốn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh.

Trước tiền…

Thứ 2, 09/10/2023 | 07:00
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Chơi mạng xã hội

Thứ 2, 25/09/2023 | 07:00
Vụ án bà Phương Hằng vừa chấm dứt với bà, còn một số người liên quan vẫn đang... chờ.

Quân hồi vô phèng

Thứ 4, 20/09/2023 | 07:37
Thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ lắm cái câu mà ngày xưa tôi thấy mẹ tôi hay dùng để mắng chúng tôi khi chúng tôi làm gì đấy mà cụ cho rằng vô tổ chức, vô kỷ luật, trên dưới lộn tùng phèo...

Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông

Thứ 7, 09/09/2023 | 07:07
Văn chương khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe...
     
Nổi bật trong ngày

Có về đây sống được không?...

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:00
Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, tôi có cùng vợ về quê. Vợ tôi là người Nùng, quê Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Một huyện giáp biên giới Trung Quốc, nơi có Thác Bản Giốc nổi tiếng.

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.