Kịch câm Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Kịch câm Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thứ 4, 05/06/2013 | 15:02
0
Sự xuất hiện ít ỏi của loại hình nghệ thuật này trong kế hoạch hoạt động của các nhà hát khiến nhiều người nhầm tưởng rằng, kịch câm đã biến mất ở Việt Nam.

Còn đâu, thời hoàng kim

Kịch câm là một bộ môn nghệ thuật vô cùng đặc biệt, bởi ngôn ngữ của nó không nói bằng lời mà được thể hiện bằng nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người diễn viên. Sự diễn xuất tinh tế và có chiều sâu của các nghệ sĩ kịch câm luôn mang lại sự thích thú cho khán giả. Kịch câm Việt Nam bắt đầu lên ngôi từ năm 1986 của thế kỷ trước và trở thành một gia vị không thể thiếu trong bất kỳ chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp nào. Khi đó, kịch câm được yêu thích đến mức người người đều đổ xô đi học bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Những nghệ sĩ kịch câm của nhà hát Tuổi trẻ thời đó như: Phúc Dĩ, Lê Hùng, Kế Đoàn, Bích Ngọc, Phương Phương... là những gương mặt nổi bật nhất và cũng là những gương mặt chính tạo nên diện mạo của kịch câm Việt.

Sự kiện - Kịch câm Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Khoá học biểu diễn kịch câm tại trường FPT thu hút rất nhiều sinh viên tham gia.

Vậy mà chẳng hiểu vì sao, suốt một thời gian dài sau đó, các tiểu phẩm kịch câm luôn vắng bóng hoặc xuất hiện rất ít trên các sân khấu kịch. Kịch câm lên nhanh rồi cũng tụt dốc nhanh không kém. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có duy nhất nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên và cũng là nơi duy nhất đào tạo và biểu diễn kịch câm. Các nghệ sĩ kịch câm của Nhà hát nằm trong đoàn nghệ thuật Kịch hình thể do NSND Lan Hương làm đoàn trưởng. Nhưng trong đoàn kịch câm này cũng chỉ còn NSƯT Bích Ngọc và NSƯT Kế Đoàn, cũng là nghệ sĩ kịch câm cuối cùng của Hà Nội là còn làm nghề. Tâm sự về điều này, nghệ sĩ Kế Đoàn không khỏi cười buồn bởi được cái danh xưng là nghệ sĩ kịch câm số 1 của Việt Nam - điều rất đáng tự hào nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ có mình anh đơn độc với nghề, không người đồng hành cũng chẳng có ai cạnh tranh.

Lật giở lại lịch sử biểu diễn kịch câm tại sân khấu của nhà hát Tuổi trẻ mới thấy một sự thật chua chát, đó là sự xuất hiện của nó được tính bằng năm. Vở biểu diễn cuối cùng của nghệ sĩ Phạm Tiến Dũng, được khán giả biết đến với biệt danh Dũng "câm" tại sân khấu nhà hát Tuổi trẻ đã diễn ra cách đây hơn 20 năm. Nghệ sĩ Bích Ngọc với vở "Tiếng gọi hành tinh" ra mắt cách đây cũng đã 7 năm, và gần đây nhất (năm 2011) là vở “Tiếng gọi hành tinh” phần 2 do chị bỏ tiền túi ra dàn dựng, cũng đánh dấu mốc là vở diễn kịch câm gần đây nhất trên sân khấu của nhà hát Tuổi trẻ.         

Sự vắng bóng của các vở kịch câm trong thời gian dài kéo theo sự ra đi của rất nhiều nghệ sĩ kịch câm khi họ không thể sống được với nghề. Những gương mặt xuất sắc của nhà hát Tuổi trẻ thời hoàng kim của kịch câm như Phương Phương, Quốc Bình, Quốc Anh đều bỏ nghề và ra nước ngoài định cư; Nghệ sĩ Đặng Dũng phải bỏ nghề giữa chừng; Nghệ sĩ Dũng "câm" phải chuyển sang kinh doanh bất động sản, hay nghệ sĩ Tuyết Hậu cũng chuyển sang làm tiếp viên hàng không, còn nghệ sĩ Phúc Dĩ đang làm công tác giảng dạy cho các lớp phong trào.

Nguồn diễn viên kịch câm của Việt Nam vốn đã ít ỏi nay lại càng trở nên khan hiếm hơn. Việc không thể bám trụ với nghề cũng khiến không ít nghệ sĩ băn khoăn, day dứt vì khi xác định dấn thân, họ đã phải vượt qua không ít chông gai. Ít ai biết, ngoài sự công phu và khổ luyện, nghệ sĩ kịch câm ở Việt Nam thường phải đảm nhiệm cả việc sáng tác. Nghệ sĩ Kế Đoàn chia sẻ: "Diễn viên kịch câm thường kiêm luôn viết kịch bản. Mấy năm trước cũng có họp báo mời các nhà văn, nhà biên kịch đến để sáng tác kịch bản cho kịch câm nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Sáng tác cho kịch câm cũng rất khó vì nó có đặc thù riêng nên thường chỉ có người trong nghề hiểu về kịch câm mới sáng tác được". Có lẽ bên cạnh việc không cập nhật kịp thời những kỹ thuật, hình thức cơ bản của kịch câm trên thế giới, việc thiếu những kịch bản hay và mới cũng là nguyên nhân dẫn đến sự "mất thiêng" của loại hình nghệ thuật này trên sân khấu Việt.

Nói về điều này, NSƯT Tiến Hợi cũng không khỏi băn khoăn: "Kịch câm chưa được phát triển trong một khoảng thời gian rất lâu ở Việt Nam. Trong các buổi biểu diễn, tiểu phẩm kịch câm thường được lồng ghép với các chương trình ca múa nhạc hay kịch hình thể nhưng cũng rất ít khi xuất hiện. Vì kịch câm mang tính trừu tượng nên phải là người am hiểu và quan tâm đến nó thì mới thấy hay được. Ở nước ta hiện tại thì loại hình nghệ thuật này phát triển không được rộng và còn nhiều hạn chế".

Có thể thấy ở một loại hình nghệ thuật khắc nghiệt và đòi hỏi quá nhiều tố chất của diễn viên như kịch câm thì việc lựa chọn từ bỏ để tìm một con đường dễ đi hơn dường như là điều tất yếu với các nghệ sĩ. Và điều đó cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng kịch câm ở Việt Nam đã chết?

Sự kiện - Kịch câm Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa? (Hình 2).

Nghệ sĩ Kế Đoàn biểu diễn tiết mục Thư tình người lính biển tại Trường Sa.

Những hạt giống của kịch câm Việt

Đầu tháng 3 mới đây, khi nghệ sĩ kịch câm của Nhật Bản là Iimuro Naoki sang Việt Nam biểu diễn, anh đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Điều đó cho thấy khán giả Việt vẫn rất yêu thích các tiết mục kịch câm được biểu diễn trên sân khấu và cũng khiến nghệ sĩ kịch câm trong nước không khỏi chạnh lòng: "Khi xem Naoki biểu diễn, tôi cảm thấy thán phục xen lẫn tự ái. Điều đó khiến tôi quyết tâm phải dạy và cống hiến cho nghề nhiều hơn nữa để khán giả nhớ đến kịch câm Việt và tiếp tục yêu thích nó", nghệ sĩ Kế Đoàn chia sẻ.

Có thể thấy cùng với sự phát triển thăng trầm của nghệ thuật kịch câm, những nghệ sĩ bám trụ với nghề đã có một sự nỗ lực và cống hiến hết mình. Những hạt giống cho kịch câm Việt Nam được nuôi dưỡng thông qua các lớp học kịch câm nghiệp dư: Nghệ sĩ Phúc Dĩ vẫn đang miệt mài với công tác giảng dạy cho các lớp phong trào, nghệ sĩ Kế Đoàn tích cực dạy kịch câm cho trẻ em câm điếc trong Đoàn nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện UIA do chính anh thành lập. Và có mấy ai biết để có thể theo đuổi niềm đam mê kịch câm, nghệ sĩ Kế Đoàn còn tham gia diễn kịch nói, múa đương đại, dạy khiêu vũ, làm MC và làm nhiều việc khác để có thể bám trụ với nghề trong gần 30 năm nay. Mặc dù có mình anh "đơn thương độc mã" chiến đấu với nghề ở nhà hát Tuổi trẻ nhưng chưa khi nào anh nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Anh cứ tự mình dàn dựng rồi tham gia đi diễn ở các nơi. Mới đây nhất anh đã mang  hai tiết mục tự sáng tác (Lính đảo Trường Sa và Những đoá hoa đại dương) ra biểu diễn ở Trường Sa và được các chiến sĩ hưởng ứng nhiệt liệt.

Nói về tương lai của kịch câm, nghệ sĩ Kế Đoàn khẳng định một cách chắc chắn và tin tưởng rằng: "Chừng nào khán giả còn dành tình yêu cho kịch câm thì chừng ấy những nghệ sĩ kịch câm yêu nghề còn tiếp tục cống hiến để phục vụ khán giả. Đây chỉ là một giai đoạn đi xuống của kịch câm thôi và tôi tin chắc rằng sau một thời ngủ dài kịch câm sẽ bùng lên mạnh mẽ. Cho dù điều này khó khăn mấy thì những nghệ sĩ kịch câm cũng sẽ làm. Tôi luôn lạc quan và tin tưởng vào sự trở lại của kịch câm trong tương lai. Sắp tới tôi sẽ dàn dựng và chuẩn bị tổ chức một chương trình độc diễn kịch câm của riêng mình, dự định sẽ ra mắt khán giả vào tháng 7 này. Trong buổi biểu diễn sẽ có nhiều tiết mục đặc biệt bởi tôi sẽ "pha" thêm các yếu tố của sân khấu truyền thống như cải lương, tuồng, chèo vào nền chủ đạo là nghệ thuật kịch câm. Hiện tại tôi đang xin nguồn tài trợ để có kinh phí cho buổi biểu diễn và tôi mong các cơ quan, ban ngành sẽ sớm có các chính sách tạo điều kiện cho kịch câm phát triển".

Cần có hệ thống đào tạo chuyên sâu

Trả lời cho câu hỏi có lối thoát nào cho kịch câm Việt, ông Trương Nhuận, Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho rằng để kịch câm phát triển cần có một hướng đi cụ thể như lựa chọn những tiết mục tinh xảo, không quá nặng về tính chủ đề mà nên tiếp cận cuộc sống đương đại của khán giả trẻ một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, phải chọn lọc được những gương mặt có năng khiếu để đào tạo và tôi luyện nhằm tạo ra thế hệ các nghệ sĩ trẻ có tài năng kế cận các nghệ sĩ đi trước. Cũng cùng chung quan điểm này, NSƯT Tiến Hợi chia sẻ: "Môi trường đào tạo kịch câm hầu như chỉ nước ngoài mới có còn ở Việt Nam chưa có khoa đào tạo chính quy nào cho bộ môn nghệ thuật này. Kịch câm thường được "cấy" thêm vào chương trình học của diễn viên sân khấu kịch nói và kịch hình thể. Vì thế để kịch câm phát triển đòi hỏi phải có hệ thống chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho các diễn viên có năng khiếu và đam mê với nghề".

Loan Thanh

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Những sắc thái đối lập làm nên Liên hoan phim Cannes

Thứ 2, 27/05/2013 | 08:22
Khai sinh lận đận do Thế chiến 2, khắc nghiệt nhưng đầy hào quang, lộng lẫy nhưng không kém ồn ào... Đó chính là Cannes.

'Thảm họa' hình ảnh hay chiêu trò đánh tráo khái niệm?

Chủ nhật, 26/05/2013 | 14:25
Khái niệm "đại sứ" đang trở nên mơ hồ bởi những người vì lợi ích cá nhân của mình đã đặt sai chỗ cho những danh xưng "đại sứ" của Việt Nam.