Kỳ tích của cô gái tật nguyền yêu thể thao

Kỳ tích của cô gái tật nguyền yêu thể thao

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Bị liệt hai chân nhưng Nguyễn Hương Giang đã vượt qua chính mình để giành những chiếc huy chương Vàng cho thể thao Việt Nam trong mỗi kỳ thi đấu Paragame Quốc tế.

Chơi thể thao vì... một câu nói

Vận động viên (VĐV) Nguyễn Hương Giang hiện đang sống cùng gia đình trên phố cổ Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi chúng tôi đến, chị đang dọn dẹp nhà. Đôi chân không vận động được nhưng chị vẫn cố làm mọi việc, cố dùng tay di chuyển. Nhìn sự cố gắng ấy tôi biết thành công của chị trong thể thao ngày hôm nay bắt nguồn từ chính nỗ lực phi thường, không ngừng nghỉ của bản thân.

Nghe/Xem - Kỳ tích của cô gái tật nguyền yêu thể thao

Hương Giang thứ 3 từ trái qua phải cùng các vận động viên khác

Nguyễn Hương Giang sinh năm 1983, trong một gia đình có bố mẹ là viên chức Nhà nước (mẹ là công nhân may, bố là lái xe đường dài cho Công ty thuốc lá Thăng Long). Khi lên 4 tuổi, Hương Giang không may bị sốt cao tới 40 độ. Sau cơn sốt, hai chân của Giang suy yếu, mềm như bún không đi lại được. Từ đấy, mọi sinh hoạt cá nhân của Hương Giang phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ.

Sau mấy năm châm cứu, Hương Giang chỉ có thể đi lại được với sự dìu dắt của mọi người một cách rất khó nhọc. "Biết mình vĩnh viễn không thể tự đi trên đôi chân, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi mặc cảm khi nghĩ mình trở thành gánh nặng cho gia đình, là kẻ bỏ đi...", Hương Giang tâm sự. Sống khép mình, hạn chế giao tiếp với bên ngoài do sự mặc cảm, cô cũng từ chối thẳng khi nhiều người khuyên đi tập luyện thể thao.

Với Nguyễn Hương Giang, thể thao bây giờ là sức mạnh và là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Năm 2002, được bác Phú (nhà trên phố Hàng Gà) là một VĐV khuyết tật môn Điền kinh thuộc Trung tâm Huấn luyện Thi đấu và Thể thao Hà Nội khuyên nên tham gia vào câu lạc bộ tập luyện. Giang chán nản nên đã từ chối. Không nản lòng, bác Phú vẫn tới nhà vận động cô nên tham gia chơi thể thao.

Giang kể: "Một tuần liền, ngày nào bác Phú cũng tới nhà động viên tôi tham gia câu lạc bộ. “Tôi nhớ, bác Phú nói: "Cháu mà không tham gia thể thao thì tương lai mờ mịt lắm. Tập thể thao là vì sức khỏe, có sức khỏe mới có tương lai". Hết bác Phú động viên lại đến gia đình động viên nên tôi đã tham gia", Hương Giang kể.

Hòa mình vào môi trường thể thao, được mọi người giúp đỡ nên Giang nhanh chóng xóa đi mặc cảm người khuyết tật. Và, cũng từ khi tham gia hoạt động tập thể thao, sức khỏe cô tốt lên rõ rệt, không còn đau ốm triền miên như trước... Do toàn bộ sức mạnh cơ thể được dồn vào đôi tay nên huấn luyện viên trưởng môn Điền kinh Ngô Anh Tuấn đã hướng Giang vào môn cử tạ.

Ngày ấy, lớp cử tạ của Giang có 14 thành viên trong đó có một mình cô là nữ. Cô tâm sự: "Trước khi và lớp, tôi phải trải qua bài tập vô cùng khó khăn đó là đi bộ vòng quanh sân vận động bằng đôi chân mềm như bún. Đây là thử thách vô cùng lớn với bản thân bởi mỗi bước đi là một lần đau đớn tột cùng. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ của mẹ, tôi cũng vượt qua thử thách ấy để được vào lớp cử tạ".

Sau gần một năm tham gia luyện tập thể thao, Hương Giang đã khẳng định được khả năng vượt lên chính mình của bản thân. Năm 2003, cô đoạt được huy chương Vàng (HCV) trong giải toàn quốc trước thềm Paragame và là VĐV chủ nhà đầu tiên đoạt HCV tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2.

Nghe/Xem - Kỳ tích của cô gái tật nguyền yêu thể thao (Hình 2).

Hương Giang trên chiếc xe lăn đua

Tình yêu thể thao tiếp thêm nghị lực sống

Giang tâm sự: "Bố mẹ tôi luôn là người luôn chia sẻ, động viên những khi tôi chán nản, mệt mỏi có ý định rời bỏ thể thao. Tôi nhớ rõ có lần, vì quá mệt mỏi và đau đớn, tôi đã bỏ tập luyện vài tuần. Thấy thế, bố mẹ nói với tôi rằng: "Thể thao là tình yêu của con, tại sao lại từ bỏ nó. Chính thể thao đã giúp con khỏe mạnh hơn, tự tin hơn trong cuộc sống... vì vậy con hãy đi tập lại đi, đừng ở nhà mà ngồi buồn rầu như vậy".

Trong những môn thuộc khả năng của mình, Giang luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt nhất trong mỗi lần thi. Dù bị chấn thương nhưng cô cố gắng thi đấu để không phụ lòng của cha mẹ và các thầy cô huấn luyện viên... để giành được HCV môn cử tạ ở Paragame 3 tại Philippine.

Khi đang tập huấn ở Philippin được một tháng, Giang bị chấn thương giãn dây chằng phải nghỉ tập để điều trị. Ba tháng tập huấn, các thành viên trong đội luyện tập còn mình đi điều trị khiến cô rất buồn và thất vọng. Buồn vì mình đã làm các cô chú huấn luyện trong đoàn vơi mất hi vọng giành chiến thắng.

Hương Giang tâm sự: "Tôi nôn nóng đòi ra sân tập luyện cùng mọi người nhưng không được. Bởi vì nếu cố sức luyện tập, chấn thương càng trở nên nghiêm trọng. Tôi không thể nhấc nổi một quả tạ nhẹ nhất, bởi chỉ cần gượng sức, cảm giác đau xé tay ùa tới. Dường như các gân tay bị rời ra từng chiếc. Cũng may gần tới ngày thi đấu, vết thương cũng đỡ đau dần. Lúc ấy, các cô chú huấn luyện lo ngại cho tôi nên có ý định tìm người thay thế nhưng tôi vẫn xin được phép thi đấu và giành chiến thắng".

Sau trận đấu này, Giang phải nghỉ ở nhà dưỡng thương 5 tháng, bên cạnh đó, niềm đam mê với cử tạ của cô cũng phải dừng lại. Ngồi ở nhà cô càng nhớ sân tập, Hương Giang lại nhờ mẹ đưa tới câu lạc bộ chỉ để nhìn thấy đồng đội tập luyện.

Sau đợt điều trị nghỉ dưỡng, cô được huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn hướng sang môn xe lăn đua (là môn khá mới và đầy gian khổ) và tiếp tục luyện tập ném lao cộng với đẩy tạ (là hai nội dung huấn luyện viên trưởng hướng tới từ lâu đối với Hương Giang). Phải từ bỏ môn thể thao yêu thích và đã có thành tích, Giang buồn lắm. Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn động viên cô: "Môn nào cũng là thể thao, chỉ cần mình có tình yêu với nó mình sẽ thực hiện được". Nghe lời huấn luyện viên và cũng vì không muốn xa rời thể thao, Giang tiếp tục khổ luyện với xe lăn đua.

Khổ luyện để đạt kỳ tích

Xe lăn đua được coi là một môn thể thao vô cùng "khủng khiếp" và vất vả, nó đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại cũng như chịu được đau đớn của người VĐV. Mỗi lần tập luyện là một lần Giang cảm thấy thân thể mình đau đớn, rời ra từng khúc một và tột cùng của sự đau đớn lại dồn vào đôi chân. Bởi mỗi lần luyện tập, cô phải nhét đôi chân ấy xuống dưới gầm xe còn lại thân thể phải nằm bò về phía trước rất khó chịu. Mấy buổi đầu tập luyện, về tới nhà, cô không thể nào cử động nổi cơ thể mình. Ngay cả sau này khi đã quen rồi, mỗi lần về nhà, cô vẫn có cảm giác toàn thân đau đớn. Thưc tế, những gì Hương Giang cố gắng luôn được bù đắp xứng đáng. Từ ngày tham gia thi đấu, cô đã đoạt được hàng chục chiếc HCV cho thể thao khuyết tật Việt Nam.

Hồng Mây