Lấy tiền cứu trợ của dân để trừ nợ

Lấy tiền cứu trợ của dân để trừ nợ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
– Câu chuyện về UBND xã sau khi nhận tiền cứu trợ lũ lụt từ các tổ chức, cá nhân trong cả nước gửi về đã không trao cho người dân mà giữ lại để trừ vào các khoản nợ nghĩa vụ của các hộ gia đình đã gây bức xúc cho người dân.

Muốn cứu trợ thì phải trả nợ

Trong đơn thư gửi Báo NĐT, chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ xóm 7, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết: Sau cơn bão số 3 tàn phá và đặc biệt là đợt lũ lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 10/2010, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã gửi tiền và hàng cứu trợ cho người dân xã Nghi Vạn.

Chị phản ánh, sau lũ lụt, xóm trưởng xóm 7 bắc loa thông báo: "Ai đã trả sòng phẳng các khoản nghĩa vụ thì tập trung tại nhà văn hóa xóm để nhận tiền cứu trợ lũ lụt, còn ai đang nợ thì sẽ bị giữ lại để trừ nợ".

Một người dân bức xúc, tiền cứu trợ là tình cảm mà người dân cả nước dành cho họ nên họ muốn nhận, trước hết là để cứu đói sau lũ, sau là động viên tinh thần họ vượt qua khó khăn. Còn việc nợ các khoản nghĩa vụ thì họ được quyền nợ và họ sẽ có trách nhiệm trả theo kỳ hạn. Hai chuyện này hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Lũ lụt Miền Trung

Chị Thanh nói thêm: "Thà UBND xã trao tiền cho dân rồi sau đó vận động dân dùng số tiền đó để trả nợ thì được. Đằng này họ giữ lại và tự động trừ luôn, khiến chúng tôi rất bức xúc. Thực tế UBND xã chỉ là người trung gian, chuyển tiền cứu trợ từ nhà hảo tâm đến tay người dân, chứ sao lại tự ý xử lý như thế..."

"Sai chủ trương, nhưng... vẫn làm"

Trả lời PV, ông Lê Viết Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn cho biết, phản ánh của người dân là đúng. Ông giải thích: Sau bão số 3 và lũ lụt lịch sử xảy ra hồi cuối năm ngoái, Nghi Vạn là địa phương được nhận rất nhiều hàng và tiền cứu trợ của các tổ chức cá nhân trong cả nước. UBND xã đã phát gạo và lương thực cho người dân.

Còn lại 147 triệu, trong đó cá nhân ủng hộ là 52 triệu, UB MTTQ huyện 95 triệu, xã đã phân phát cho người dân. Ông Tuấn lý giải về việc trừ nợ: "Tuy nhiên, trên thực tế là số nợ của các hộ gia đình ở xã Nghi Vạn còn quá lớn nên chúng tôi đã thực hiện theo tinh thần nhà nào đã thanh toán các nghĩa vụ như sản phẩm, quỹ xã hội, xây dựng hạ tầng, thuế nhà đất... sòng phẳng thì xã sẽ đưa tiền cứu trợ, còn những hộ nào còn nợ nhiều thì xã sẽ "vận động" để trừ nợ luôn".

Với cách làm trên, xã đã thu được 68 triệu tiền người dân đang nợ. Ông Tuấn nói: "Biết làm như vậy là không đúng chủ trương, nhưng xã vẫn làm để tạo điều kiện cho địa phương, và cũng là tạo sự công bằng trong nhân dân (!?)"Sáng kiến" của UBND xã Nghi Vạn ngay lập tức bị người dân phản ứng dữ dội.

Kim Thoa