Lo ngại 'vắc xin phòng ngừa' mất tác dụng

Lo ngại 'vắc xin phòng ngừa' mất tác dụng

Thứ 6, 24/05/2013 | 14:29
0
Nhiều người bày tỏ tán thành đề xuất mới nhất của bộ Công an về việc không giam xe vi phạm giao thông. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại, khi hình phạt này bỏ sẽ mất đi tính răn đe trong khi tình hình người vi phạm giao thông vẫn cao như hiện nay...

Quá tải...

Thông tin về việc không giam xe vi phạm giao thông là một phần nội dung được phát đi trong Nghị định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do bộ Công an chủ trì soạn thảo. Sức nóng hổi của Nghị định này được nhắc lại khi mới đây, thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã họp Hội đồng tư vấn thẩm định Nghị định do bộ Công an chủ trì soạn thảo và đề nghị các bộ, ngành góp ý, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.

Trong luận điểm đưa ra bộ Công an cho rằng, biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn hành vi vi phạm, tạo điều kiện để cơ quan chức năng xác minh tình tiết vụ vi phạm, trên cơ sở đó xử lý công bằng, nghiêm minh và đảm bảo hiệu lực thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một số quy định về biện pháp tạm giữ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa cụ thể (nơi tạm giữ, chế độ bảo quản tang vật, trách nhiệm quản lý) gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tạm giữ và tạo bức xúc cho người dân.

Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn giao thông, các địa phương, nhất là TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng,... mỗi năm tạm giữ 250-1.600 xe ô tô, 7.200-20.000 xe máy và 4.000-8.000 các loại phương tiện khác. Số lượng tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ rất lớn nhưng điều kiện bảo quản kém nên bị giảm giá trị sử dụng do mưa nắng, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Xã hội - Lo ngại 'vắc xin phòng ngừa' mất tác dụng

Ảnh Internet

Đại tá Trần Thế Quân, phó vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Công an cho biết: "Nhằm tránh phiền hà cho người dân, dự thảo quy định hình thức xử lý mới là giao phương tiện giao thông cho chính tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản. Phạm vi áp dụng là các xe bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính".

"Theo đó, chính chủ vi phạm muốn tự bảo quản phương tiện phải có một trong hai điều kiện sau: Phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú (cá nhân) hoặc có cơ sở hoạt động (tổ chức) tại tỉnh, TP. nơi xảy ra vi phạm; có nơi giữ, bảo quản phương tiện đảm bảo theo quy định; hoặc có khả năng tài chính để đặt tiền bảo lãnh phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh do người có thẩm quyền tạm giữ quyết định nhưng không thấp hơn mức tiền sẽ bị xử phạt, số tiền này sẽ được trả lại sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt. Trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt đúng hạn, tiền bảo lãnh sẽ bị xử lý để thi hành quyết định xử phạt", vị đại tá đại diện  bộ Công an nói.

Đồng quan điểm, thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng: "Người dân vi phạm hành chính thì họ đã chấp nhận xử phạt rồi nhưng phương tiện giao thông vi phạm vẫn là tài sản hợp pháp của họ, tạm giữ mà bảo quản không tốt là xâm phạm quyền lợi chính đáng của dân. Dân ta còn nghèo mà các bãi xe tạm giữ để ô tô, xe máy vật vờ phơi mưa nắng, cỏ lau mọc phất phơ thì lãng phí".

Mất tính răn đe?

Theo dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật của bộ Công an thì: Khi giao phương tiện giao thông cho chính tổ chức, cá nhân vi phạm tự bảo quản, cơ quan có thẩm quyền phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Đồng thời, thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn để phối hợp giám sát, quản lý. Trong thời gian được giao bảo quản, người vi phạm không được phép lưu hành phương tiện đó. Nếu họ vẫn cố tình sử dụng, cơ quan chức năng sẽ chuyển phương tiện về nơi tạm giữ theo quy định. Cá nhân, tổ chức để xảy ra mất mát, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố phương tiện trong thời gian tạm giữ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trước thông tin trên nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ, bởi chiếc xe chính là tài sản và quan trọng hơn nó là cần câu cơm cho gia đình. Nếu như lỡ "dính" lỗi giao thông bị giam từ 10-20 ngày hay thậm chí là hơn thì đó mối đe lớn cho cuộc sống của họ. Thậm chí, có người còn bày tỏ bức xúc khi đến bãi không còn nhận ra "chú xế cưng" của mình nữa, bởi hơn 20 ngày "chú xế" bị tơi tả khi nằm phơi cùng... "tuế nguyệt".

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, chuyên gia pháp lý Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận: "Do điều kiện bảo quản chưa tốt nên nhiều xe bị xuống cấp, giảm giá trị sau thời gian tạm giữ. Ngoài ra, thu giữ phương tiện còn gây ra áp lực với các cơ quan xử lý về nơi để. Nhưng phải nhìn nhận thực tế, chỉ đơn thuần xử phạt vi phạm hành chính bấy lâu chưa tạo sức răn đe đủ mạnh đối với người điều khiển phương tiện giao thông nên áp dụng hình thức bổ sung tạm giữ xe như hiện hành cho thấy có hiệu quả".

"Người tham gia giao thông khi vi phạm đều có chung tâm lý là xử phạt bao nhiêu cũng được, xin đừng giam giữ xe. Vì thế, trong thực tế có những chuyện như hành vi chỉ bị xử phạt 2-3 trăm ngàn đồng, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận "mãi lộ" người xử lý số tiền gấp đôi, ba lần vì sợ bị giữ xe. Có người bị giữ xe một lần, hiểu được nỗi khổ khi không có phương tiện đi lại nên từ đó rút kinh nghiệm đi xe cẩn thận và chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh hơn", vị chuyên gia có hơn 15 năm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý nói.

Luật sư Lê Quang Vinh, giám đốc công ty luật TNHH Tích Thiện cho quan điểm: Quy định này đồng nghĩa phải thực hiện triệt để việc sang tên chính chủ phương tiện cơ giới, nếu không, ai đảm bảo sẽ gửi về đúng địa phương nơi chủ xe sinh sống. Thực tế hiện nay, nhiều người đăng ký một nơi nhưng lại ở một chỗ khác, đó là một thách thức khi Nghị định có hiệu lực.

Luật sư Vinh cũng cho rằng: Việc quản lý giám sát chủ xe và phương tiện đó ra sao, phải sinh ra thêm một tổ chức riêng cho việc này hay chờ đến khi người vi phạm tái phạm mới phát hiện là một chuyện cũng rất cần được cơ quan ban hành xem xét và có hướng dẫn cụ thể.

"Thực tế cho thấy, các loại xe để trong bãi của cơ quan xử lý vi phạm lâu ngày không ai đến nhận đều là xe có vấn đề, hoặc chủ xe có vấn đề nên mới sinh ra thiếu bãi giữ xe. Trong khi đó, các xe bình thường bị giam đều có thời hạn nhất định, khi hết thời hạn chủ xe đến lấy ngay, nên quy trình quay vòng vẫn đảm bảo diện tích để giữ xe. Nên chăng, các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những xe tồn đọng, hoặc ban hành chính sách xử lý sớm những loại xe này chắc sẽ thông thoáng hơn là bỏ đi một hình thức đang có tính răn đe cao", luật sư Vinh nói.                     

Vương Trần

"CSGT có thể dùng trâu, bò...để bắt xe vi phạm"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Hiện tượng dùng lưới bắt cá bắt dân không chỉ phản ánh sự bất lực của CSGT tỉnh Thanh Hóa trong việc sử dụng các biện pháp mà Nhà nước quy định để phòng ngừa và xử lý hành vi vi phạm luật giao thông, mà còn làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều về “hoạt động mang tính sáng tạo luật”.

Hàng ngàn xe vi phạm nằm phơi mưa nắng, do đâu?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng xe vi phạm bị bỏ rơi, hỏng hóc gây lãng phí là do quy định của pháp luật quá chặt chẽ.

Kiểm tra xe vi phạm giao thông, tìm thấy lựu đạn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
– Qua kiểm tra xe vi phạm ATGT, lực lượng CSGT TP Vinh (Nghệ An) đã phát hiện trong cốp xe này có một quả lựu đạn mỏ vịt.