Man mác phà Thủ Thiêm

Man mác phà Thủ Thiêm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Cho đến thời điểm này, chưa có một tài liệu nào có thể khẳng định chính xác thời điểm ra đời của bến đò và sau này gọi là phà Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, các các trang tài liệu còn ghi lại bến đò Thủ Thiêm xuất hiện vào khoảng năm 1912.

Theo Đại Nam Nhất Thống chí, một quyển sách địa lý được soạn dưới triều Tự Đức có đoạn viết về Phà Thủ Thiêm: Ở thôn Giai Quý huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm. Trước chợ có sông Bình Giang đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển thuyền sông tấp nập, dân sở tại chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau quả.

Huyện Nghĩa An nay là Quận 2 và Quận 9, sông Bình Giang tức sông Sài Gòn. Như vậy, có thể khẳng định trước thời Tự Đức nơi đây đã có hoạt động của một bến đò.

Về địa danh Thủ Thiêm có từ thế kỷ 18. Thủ có nghĩa là đồn canh, về sau để chỉ chức vụ người đứng đầu một Thủ. Ngày đó, vùng này còn hoang sơ, có nhiều đình chùa, miếu thờ. Người dân đến sống chưa nhiều. Nhưng đến đầu thế kỷ 20 khi bến đò Thủ Thiêm xuất hiện thì có nhiều người kéo đến sinh sống, làm ăn, cũng vì thế mà khu vực này trở nên đông đúc. Lúc đó người ta dùng sức người chèo đò sang sông, về sau chuyển sang thuyền máy đuôi tôm.

Để tiện cho việc kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm, chính quyền thời đó đã cho lập đồn binh Thủ Thiêm. Về sau tên gọi Thủ Thiêm được đặt cho vùng đất này.

Nhịp sống - Man mác phà Thủ Thiêm

Phà Thủ Thiêm không còn sầm uất, đông đúc như trước nữa

Nông nghiệp vùng này không phát triển nên một số người dân sống nhờ vào những con tàu viễn dương qua lại trên sông. Số đông còn lại hằng ngày vượt sông để vào thành phố mưu sinh bằng đủ các ngành nghề. Nhu cầu đi lại trên sông cũng vì thế mà trở nên cấp thiết.

Vào khoảng thập niên 60, khi xí nghiệp Đóng tàu Caric thành lập, hai chiếc phà hột vịt có trọng tải 20 tấn được sử dụng. Từ đó, bến phà Thủ Thiêm chính thức nhận nhiệm vụ đưa khách sang sông cùng song hành với những chuyến đò ngang. Song song với bến phà, khu vực Thủ Thiêm còn có nhiều bến đò được phép hoạt động trong đó có bến đò An Lợi Đông.

Đến những năm 1930, thế hệ phà máy xuất hiện, có thể chở được ô tô thay vì chỉ chở người. Năm 1964 cầu dẫn vào phà được sửa lại và cùng với thế hệ phà máy hiện đại ra đời ngay bên cạnh đã đóng 4 chiếc phà hình bầu dục, phà hột vịt nên xe hơi, xe tải, xe ba gác cũng có thể qua bên Sài Gòn. Bến phà làm ăn thuận tiện hơn. Số lượng nhân viên làm việc sau 1975 dao động khoảng 40-50 người.

Cho đến năm 2012, có 44 nhân viên làm việc tại phà Thủ Thiêm, có người đã công tác trên 30 năm. Nhiều gia đình có 3 thế hệ nối tiếp nhau cùng làm việc ở phà Thủ Thiêm. Họ coi bến phà là ngôi nhà thứ hai của mình.

Gần đây, cầu Thủ Thiêm rồi hầm vượt sông Sài Gòn đi vào hoạt động đã khiến cho phà trở nên vắng lặng. Việc đóng cửa bến phà vì vắng khách là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, Ban Giám đốc công ty TNHH MTV Quản lí cầu phà Thành phố đã có những phương án trình cho UBND thành phố.

Theo đó sẽ mở một bến thủy nội địa tại bến Bạch Đằng (Q.1) để phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa qua sông Sài Gòn. Cho đến thời điểm này, hình ảnh con phà Thủ Thiêm vẫn được tiếp tục hiện diện làm công việc nối đôi bờ. Vậy là gần 30 thuyền viên đã được giữ lại.

Phà Thủ Thiêm không còn sầm uất, đông đúc như trước nữa, nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận, nhờ có những con phà đưa khách nối hai bờ Đông -Tây Sài Gòn đã giúp cho vùng đất quận 2 ngày nay phát triển không ngừng. Con phà qua sông Sài Gòn vốn là hình ảnh đặc trưng của thành phố. Mất đi hình ảnh này, dường như Sài Gòn mất đi một nét đẹp cổ xưa.

Quyên Triệu