Mưa đi, cho nắng đỡ buồn, cho người đỡ tủi

Mưa đi, cho nắng đỡ buồn, cho người đỡ tủi

Thứ 7, 06/04/2013 | 08:16
0
Không phải tất cả, nhưng rất nhiều thứ là vô thường. Đi qua đi lại, thấy mình đã lỡ rất nhiều điều.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Ngày cuối tuần, tôi thở hồng hộc với những dự định dở dang và đổ bể.

Tôi vớt vát lại bằng một chuyến tòng tọc đi sang Bắc Giang. Xe lắc như điên, rú rít ầm ĩ. Thi thoảng tôi lại được phen hoảng hồn. Hôm trước, mặt tôi bí xị ngồi thôi miên cái máy tính. Sếp hỏi, chị đồng nghiệp trả lời thay: "Nó mới bị nhúng nước". Công việc bị dồn đến chân. Tôi lọ mọ sang gặp một gia đình trồng dâu nuôi tằm còn sót lại. Gia đình nghèo, đơn sơ. Tiếc thật, cái nghề hàng trăm năm đột nhiên biến mất. Nếu như có một chương trình nào đó nhỉ, để dạy cho đàn bà con gái bây giờ biết lại chút khung cửi vá may, biết con dâu cái kén con tằm.

Xã hội - Mưa đi, cho nắng đỡ buồn, cho người đỡ tủi

Bữa nọ, tôi đưa bé em đi sang bên Bắc Ninh gặp mấy cụ cựu chiến binh, dọc đường đê, vừa giảng cho con bé mà cũng là để giảng cho mình. Thế nào là đồng, là bãi, thế nào là đê là bờ, là điếm canh, là tửu quán, nơi nào thì nuôi trâu, nơi nào nuôi bò. Hôm nay đi lại nhớ, tôi muốn cho con bé đến xem một bãi dâu. Tang hải thương điền. Những bãi dâu cũng dần dần biến mất, rồi một lúc chỉ còn là kí ức và kỉ niệm. Có ai đi theo tôi đến cùng trời để ngắm lại những thứ của vạn vạn năm đã trôi qua? Có ai cùng tôi lục tìm những mảng kí ức xưa.

 

Đàn bà Kinh Bắc tần tảo giỏi giang, buôn bán vật lộn với thương trường, trồng trọt cũng khéo mà đa tình cũng hay. Họ mớ ba mớ bảy ngày hội, nâu sồng bùn đất ngày thường. Họ một nách hai ba con, ba bốn con, năm sáu con cũng là chuyện thường tình. Kẻng một cái là dậy, rồi nhóm lửa, nấu cơm, đun nước, lợn gà. Con cái phiền hà đã đành, đến các đức ông chồng cũng chẳng khá khẩm hơn. Mấy ông quẩn quanh tòm tem, thi thoảng lại nện vợ cho vài trận thừa sống thiếu chết, bò lê bò càng ra bờ ra bãi kiếm lá đắp vào. Ốm nằm còng queo một chỗ. Nhưng đến cái lúc đa tình thì vẫn cứ chung chiêng. Cái duyên ngầm duyên nổi cứ lặn ngụp như dòng nước sông Hồng ù ạt vậy.

Nhớ con bạn - cái "thằng đàn ông" yêu quý của mình. Không hiểu nó giấu cái duyên của nó đi đâu, trong bộ dạng một người đàn ông, mình nhìn cũng vẫn phải tẩn ngẩn tần ngần.

Nói chung là thấy tiếc những nương dâu xanh ngắt, tiếng tằm ăn rào rào, tiếng quay tơ lích kích. Nói đến quay tơ, tôi lại nhớ tới bà nội năm nay lên tới gần cửu thập của mình. Bà nội già lắc già lơ. Bà nội móm mém nhai trầu. Chừng mười mấy năm về trước, cái Tẹt còn nhỏ, bà nội còn khỏe lắm, đi làm đồng cứ bang bang. Ở một chái nhà, bà nội vẫn để một cái guồng quay tơ. Trong nhà vẫn còn cái khung cửu. Con bé Tẹt chỉ thích cái quay tơ, cầm lấy cái cần mà quay hì hục cho rối linh tinh beng lên, rồi bị quát là khóc lên ầm ĩ.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà nội ngồi vào khung cửi vì năm thì mười họa mới về thăm quê, nhưng nhớ cái dáng đàn bà ngồi cặm cụi se từng sợi mảnh. Nhớ cả mấy cái nong tằm của bà nữa, lớ rớ đi vào gian trong nơi tằm đang ăn rỗi là bị mắng liền... Nhớ là nhớ vậy, nhưng lớn lên rồi, kí ức về dâu tằm, về cái sự đảm đang của người đàn bà nông thôn cũng chìm xuống như một cái hũ hun hút.

Năm nay bà nội đã già và nghễnh ngãng. Mỗi lần gọi điện thoại về là hàng xóm lại thầm thì y như cãi nhau. Bà nội không nghe được gì nữa nhưng chỉ cần nghe tiếng đứa cháu gái bất trị là bà nội thấy yên tâm rồi. Lương hưu bà nội chẳng được bao nhiêu nhưng cũng ăn dè để xẻn ra được một khoản gọi là hồi môn cho mấy đứa cháu gái lấy chồng. Đứa lớn thì xong chuyện rồi, còn đứa thứ hai thì vẫn còn phiêu du khắp bốn phương trời, chưa biết điểm nào dừng, đứa út thì còn quá bé, không biết bà còn sống được đến lúc bé Vân Anh lấy chồng không nữa. Thời gian cứ nhảy từng khấc từng khấc trôi qua. Từ thằng cu Châu, tới con bé, hai đứa từ cái hồi còn ẵm ngửa, chị còn thốc vô làn đi chợ cho mấy đứa em khiêng chạy tung tăng, giờ lớn hết cả rồi, cao hết cả rồi, thằng cu Châu còn cao hơn chị cả cái đầu. Đó là mới so với tuổi chị thôi, nếu so với bà nội thì làm sao so được. Bà nội dáng cao, lực lưỡng, thật thà, đẹp lão. Ước có được cái dáng của bà. Tự nhiên nhớ bà thế nhỉ?

Sang nhà "người đẹp tóc dài" Đào Anh Khánh, ăn một bữa cơm chay, hí húi vào đĩa dưa chua, nhoằng một cái hết sạch. “Người đẹp” đang ấp ủ cho những dự định mang tầm vĩ mô. Không biết rồi “người đẹp” ấy sẽ làm được đến đâu, bởi vì quá lớn, không biết một đời người có đủ thời gian để làm không. Sang tới nhà “người đẹp” ấy, chuyện duy nhất không thể không nói đến là sex. Cười ha hả, lăn lộn nghe kể về những lần xxx đầu tiên của các bạn, thấy ngớ ngẩn và cũng rất đáng yêu. Đúng là ai cũng có một thời để nhớ. Nhớ nhớ rồi quên quên, cho mọi thứ cứ nhập nhằng với nhau.

Tình yêu cũng thế, mà tình dục cũng thế. Có khi là tất cả nhưng có khi cũng chẳng là gì. Nếu nhìn một cách phỉ báng thì phỉ báng thật, mà nếu nhìn nó giống như việc ngồi "thủ dâm tinh thần" bằng việc ôm cái máy tính chạy ròng rã hết bài này sang bài khác thì nó cũng như thế. Thực, nếu “người đẹp tóc dài” mà nghe thấy điều này chắc nhảy ngược lên. Nhưng cũng nói thực, dù cố giấu nhưng thời gian cũng đã hằn in lên “người đẹp” rồi. Năm ngoái, lạnh, cùng Phú Hiển sang chơi nhà bạn Khánh. Được leo lên cái tổ chim cúc cu của bạn, nhìn thấy niềm hoan hỉ hạnh phúc của bạn còn rơi rớt lại, hai đứa cười…

Không phải tất cả, nhưng rất nhiều thứ là vô thường. Đi qua đi lại, thấy mình đã lỡ rất nhiều điều.

....

Ngày chủ nhật nắng, nằm bẹp và thở hổn hển. Nắng ầm ĩ và oi bức. Nhớ có bữa có người đứng thở dốc trước cửa vì bí. Cười… có gì đâu. Nắng thôi. Chờ cho tới khi nào thì lại có một cơn mưa. Mưa đi, cho nắng đỡ buồn,cho người đỡ tủi!

Trầm Ngải

Bài học quý từ trường đời

Thứ 6, 05/04/2013 | 11:15
Một ngày mới lại bắt đầu với bao lo toan mới, cảm giác rằng chốn xạ lạ này ngỡ như hóa thân quen tự bao giờ.

Tháng Tư và những câu chuyện mãi là cổ tích

Thứ 4, 03/04/2013 | 10:08
"Hoa xoan rơi rơi và tháng tư về". Tôi nhớ những tháng Tư qua....

Sài Gòn có gì vui không em?

Thứ 3, 02/04/2013 | 08:32
Em hay nhớ về một Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa-nắng. Sài Gòn nắng đó rồi mưa đó, chợt buồn chợt vui đỏng đảnh như cô gái mới lớn.