“Nếu chỉ phạt hành chính thì đâu lại vào đó”

“Nếu chỉ phạt hành chính thì đâu lại vào đó”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Bộ NNPTNT đã có quy định yêu cầu công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh nông sản thì phải kiểm soát chặt ngay từ cửa khẩu.

Nhưng thực tế hiện nay, khâu kiểm soát an toàn nông sản ở các cửa khẩu vẫn chỉ dừng lại ở việc kiểm tra dịch hại, xem loại dịch hại cây trồng nào có thể gây nguy hại cho sản xuất nông nghiệp sau khi nhập khẩu, chứ chưa có một giải pháp kỹ thuật đủ mạnh để kiểm tra về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các hóa chất gây hại cho sức khỏe.

TS Lưu Hoài Chuẩn (Bộ Y tế) cho rằng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của xã hội nhất là việc lạm dụng hóa chất, phụ gia dùng trong nông thủy sản, thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Chuẩn cũng đã chỉ ra một loạt những hóa chất không được phép sử dụng như: Formol, hàn the, chất tạo ngọt tổng hợp natri cyclamat, màu công nghiệp đặc biệt phẩm Sudan I, II, III, IV, para Red, Rhodamin B, Orange II trong thực phẩm; Clenbuterol, salbutamol làm giảm lớp mỡ dưới da, dexamethason và các dẫn xuất có tác dụng giữ nước, tăng trong giả tạo trong chăn nuôi gia súc; Chloramphenicol, nitrofuran, fluoroquinolon, malachite green, leuco malachite green, ure trong bảo quản, chế biến thủy sản.

Xã hội - “Nếu chỉ phạt hành chính thì đâu lại vào đó”

Hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại được dùng quá hàm lượng cho phép như các chất tạo ngọt tổng hợp saccarin, aspartam, chất bảo quản chống mốc ( benzoic axit và các muối benzoat, sorbic axit và các muối sorbat, chất chống oxy hóa BHT, BHA, sulfit..); Dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép gây độc hại cho người sử dụng…

Bên cạnh đó, còn có những loại chất độc được sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt. “Trong tình hình hiện nay, chất lượng một số nông - thủy sản và thực phẩm chế biến càng phải được đánh giá nghiêm túc để nâng cao sự an toàn cho người sử dụng”, ông Chuẩn nói.

Ông Chuẩn cho rằng, về phía sản xuất, đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhà sản xuất bắt buộc vừa phải tuân thủ những quy định về chất lượng sản phẩm của nước sở tại vừa được sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng trong nước, do đó, nhìn chung, chất lượng nông thủy sản, thực phẩm hầu hết đạt yêu cầu.

Đối với việc sản xuất cho tiêu dùng trong nước, sự giám sát về mặt nhà nước ít khắt khe hơn, người sản xuất tự công bố chất lượng mặt hàng, cho nên đạo đức trong sản xuất, phương châm vì sự an toàn cho người tiêu dùng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quyết định chất lượng hàng hóa.

“Thực chất, không ít nhà sản xuất chăm chút quá nhiều đến lợi ích riêng của mình, chẳng cần nghĩ đến hệ quả xấu do mặt hàng mình có thể gây ra cho cộng đồng. Do vậy, chúng ta cần có chế tài, xử lý nghiêm những vụ vi phạm nếu chỉ phạt hành chính thì đâu lại vào đó", ông Chuẩn kiến nghị.

Minh Anh