Nghị lực của chàng trai không chân

Nghị lực của chàng trai không chân

Thứ 5, 06/06/2013 | 10:34
0
19 tuổi, một tai nạn tàu hỏa đã cướp đi đôi chân của chàng thanh niên Đinh Viết Quang (phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Tai họa bất ngờ tưởng chừng đã khép lại những ngày tươi đẹp nhưng bằng nghị lực, ý chí phấn đấu, Đinh Viết Quang đã quay lại với cuộc sống đầy ấn tượng.

Từng quyên sinh sau tai nạn

Xuất hiện trước mắt chúng tôi là một người đàn ông với gương mặt đen sạm, cái bắt tay nhanh nhưng cũng đủ để người đối diện cảm nhận được những vết chai sạn trên đôi bàn tay của người đàn ông này. Đôi tay chắc khỏe hơn người như để gánh vác công việc thay cho đôi chân đã không còn của anh. Đặc biệt, nụ cười ấm áp, nhân hậu của anh Quang khiến những người đối diện cảm thấy ấm áp lạ thường. Có lẽ, nghị lực sống của anh chính là hơi ấm lan tỏa sang nhiều người tiếp xúc với con người đặc biệt này.

Hàng ngày, những người dân sống tại tổ 33, khu 3 phường Cao Xanh, TP.Hạ Long đã quá quen với hình ảnh một chàng trai di chuyển bằng cách dùng hai tay nhấc những chiếc ghế và lái chiếc xe ba bánh ra khỏi nhà lúc sáng sớm và về nhà khi chiều tối mịt. Chiếc xe này đã gắn bó với cuộc sống của anh Đinh Viết Quang hơn chục năm nay. Không biết bao nhiêu con đường quanh khu vực này đã in dấu xe anh. Công việc chở vật liệu xây dựng thuê của anh đã góp phần không nhỏ cùng người vợ trang trải cho cuộc sống thường ngày trong gia đình bốn nhân khẩu.

Đã 18 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí anh Quang hình ảnh chiếc tàu hỏa chở đầy than lao ầm ầm với tiếng còi hú vẫn in sâu như đang xảy ra vừa mới đây. Vốn sinh ra là một chàng trai khỏe mạnh, trong một gia đình nghèo có bốn anh em, bố mất sớm, mẹ là công nhân công ty than Hòn Gai, người anh trai không thể trông cậy và hai em gái còn nhỏ. Mọi việc trong nhà đều trông cậy vào Quang. Từ nhỏ, anh đã rất thương mẹ, thương các em, hằng ngày, sau khi đi học lại ra biển mò vạng, câu cá, con nhỏ thì để ăn, con to thì mang ra chợ bán. Bỗng dưng năm 19 tuổi, một tai họa khủng khiếp ập xuống cuộc sống của anh và gia đình.

Xã hội - Nghị lực của chàng trai không chân

Một ngày làm việc bình thường trên chiếc xe ba bánh của anh Đinh Viết Quang

Vào một đêm tháng 5/1995, khi anh đang dắt xe đạp qua một đoạn đường hẹp ở phường Hà Tu (TP.Hạ Long) thì chiếc tàu chở than đến. Chiếc đầu máy ầm ầm hú cói như một con quái vật gầm thét lao đến và tràn qua tấm thân anh, không kịp tránh, anh bị tàu kéo lê một đoạn dài gần 40m trước khi dừng lại. Anh nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu. Tính mạng của anh được cứu sống nhưng đôi chân bị cán nát, vĩnh viễn không còn khả năng đi lại.

Tương lai và hạnh phúc tưởng đã đóng kín với chàng trai 19 tuổi ngoan hiền. Anh bi quan và chán nản, thậm chí đã không ít lần nghĩ đến cái chết. Anh Quang chia sẻ: "Bạn cứ tưởng tượng mình đang lành lặn, có thể đi và làm bất cứ việc gì không cần sự trợ giúp của ai. Bỗng nhiên một ngày, bạn tỉnh dậy với đôi chân biến mất và không thể tự làm bất cứ việc gì! Chắc chắn bạn cũng hiểu được những gì mà tôi đã trải qua". Đau khổ có, chán nản có, nhưng sự quan tâm của những người thân khiến anh không thể chìm mãi trong đau khổ.

Anh Quang kể lại: "Một lần tình cờ xem chương trình gương điển hình thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nêu gương một thương binh nặng bị mất cả hai chân, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", đã vượt lên số phận, tích cực cống hiến cho cộng đồng, đất nước. Người thương binh đó không những tự lao động nuôi sống bản thân mà còn làm kinh tế giỏi và là chỗ dựa cho cả gia đình. Chính những thước phim đó đã khiến tôi bừng tỉnh sau những tháng ngày chìm đắm trong sự bi lụy, chán nản".

Hạnh phúc gieo mầm từ đau thương

Sau khi xem xong chương trình đó, anh Quang thấy đồng cảnh ngộ với người thương binh, anh thấy mình vẫn còn quá trẻ, không thể đầu hàng số phận một cách dễ dàng như vậy. Bắt đầu từ ngày hôm đó, những người hàng xóm thấy hình ảnh một chàng thanh niên bắt đầu tập đi, tập làm mọi thứ mà không có đôi chân. Ở tuổi 20, anh chập chững những bước đi để có thể tự đứng lên trong cuộc đời.

Từ ngày hôm đó, trong tâm trí anh luôn trăn trở học gì và làm gì để có thể tự lao động nuôi sống bản thân. Qua những người thân quen giới thiệu, anh Quang tìm đến học nghề sửa chữa giày dép và kính khóa. Hai nghề này với anh là sự lựa chọn phù hợp nhất với hoàn cảnh của riêng anh. Ngày ngày, ở chợ Cao Xanh (TP.Hạ Long) chàng trai Đinh Viết Quang tỉ mẩn nhận những đôi giày dép của khách về sửa chữa và làm mới. Không quản mưa nắng, mỗi ngày anh Quang di chuyển bằng tay trên hai chiếc ghế con từ nhà trên một con dốc cao xuống chợ kiếm sống.

Hình ảnh chàng trai không chân khéo léo sửa từng đôi giày, đôi dép khiến không ít bà con trong chợ cảm phục. Cũng chính sự cần mẫn, khéo tay, chịu khó của anh đã khiến cô gái trẻ Trần Thị Lan Anh để ý. Anh Quang tâm sự: "Nghề sửa chữa giày dép khi đó không những giúp tôi tự tin hòa nhập cuộc sống bằng việc tự lao động kiếm sống mà nó còn cơ duyên cho tôi gặp người vợ sau này. Sau nhiều lần nhờ tôi sửa giày dép, không biết tự lúc nào, cô ý đã đem lòng yêu thương tôi.

Lúc tôi biết được tình cảm của Lan Anh tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có một người cảm thông chia sẻ và thật lòng yêu thương tôi dù tôi không lành lặn nhưng tôi cũng lo lắng không biết tôi có lo được cho vợ và con cái sau này. Lúc đầu gia đình cô ấy ngăn cấm vì lo lắng cho con gái họ. Nhưng vượt lên tất cả, tình yêu của chúng tôi đã có một kết thúc đẹp. Một đám cưới giản dị được xây đắp bằng sự sẻ chia và yêu thương chân thành".

Sau khi lập gia đình, không cam chịu cuộc sống kiếm ăn qua ngày với việc sửa giày dép, anh Quang mua lại chiếc xe ba bánh, hằng ngày anh chạy xe rong ruổi khắp ngõ ngách của TP.Hạ Long chở hàng cho khách. Mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Khách hàng của anh không chỉ dành cho anh sự tin tưởng mà còn cả sự cảm mến và khâm phục. Những người khách tìm đến anh Quang chuyên chở vật liệu xây dựng không chỉ vì giá cả phải chăng mà họ còn khâm phục nghị lực và sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của người đàn ông đặc biệt này.

Hạnh phúc là được sống cho mình và cho mọi người

Điều đáng nói hơn nữa ở Đinh Viết Quang, đó là khi gặp phải những khách hàng có hoàn cảnh khó khăn như mình, anh thường chở hàng giúp miễn phí. Những người dân ở phường Cao Xanh không những khâm phục và yêu mến anh bởi sự chịu thương, chịu khó mà còn ở tấm lòng nhân ái, vì cộng đồng. Hiện tại, vợ chồng anh Quang đã có hai con gái xinh xắn và một ngôi nhà khang trang. Ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc. "Giờ tôi sống không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho các con, những niềm hy vọng tương lai của vợ chồng tôi", anh Quang tâm sự.

Đỗ Thơm - Hướng Dương

Nghị lực của cô gái trong hình hài đứa trẻ

Thứ 6, 17/05/2013 | 11:32
Với hình hài của đứa trẻ, cao chưa tới 80cm, đôi chân và đôi tay tật nguyền không thể đi lại, nhưng bằng nghị lực của bản thân, Phạm Thị Hoài Thương đã vượt lên số phận, nỗ lực không ngừng trở thành một học sinh giỏi của trường THCS Cao Xanh (TP. Hạ Long, Quảng Ninh)

Nghị lực của cậu học trò mồ côi miền sơn cước

Thứ 7, 11/05/2013 | 07:48
Hàng ngày, Ý phải dậy từ 5 giờ sáng, bụng rỗng rồi đạp xe cà tàng cả chục cây số đến trường cho kịp giờ học. Khó khăn là vậy nhưng Ý vẫn đi học đều đặn, không vắng buổi nào.

Câu chuyện đầy nghị lực của nữ sinh tí hon

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Chỉ với chiều cao chưa tới 80 cm, cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 56 tuổi, cô gái Lê Thị Vi ở xã Bình Phục (Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn không từ bỏ ước mơ được đi học, làm người có ích.

Cô bé tí hon có nghị lực phi thường

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
Chỉ với chiều cao chưa tới 80cm, cô bé tên Lê Thị Vi, xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam đã phải vượt qua biết bao khó khăn để đến trường.